Những điều cần tránh khi bị sốt virus

Khi bị sốt virus, người bệnh không nên tìm hiểu triệu chứng và tự dùng thuốc theo hướng dẫn trên Internet vì có thể làm tình trạng tồi tệ hơn.

Sốt virus, hay sốt siêu vi, là nhiệt độ cơ thể cao hơn mức trung bình do virus gây ra. Khi bạn bị cảm cúm hoặc cảm lạnh, nhiệt độ cơ thể tăng đột biến do nhiễm virus. Thông thường, người bệnh có thể gặp các triệu chứng bao gồm chảy nước mũi, ho, buồn nôn, mệt mỏi và đau nhức cơ thể.

Triệu chứng phổ biến

Theo Medical News Today, sự gia tăng nhiệt độ của cơ thể có thể phá hủy các protein trong mầm bệnh này để ngăn chúng sinh sôi. Ngoài ra, sốt là phản ứng viêm đối với bệnh tật trong cơ thể.

Thân nhiệt tăng, ớn lạnh là phản ứng đặc trưng khi bị sốt virus. Ảnh: Medicalnewstoday.

Theo Bệnh viện Nhi Seattle (Mỹ), sau đây là những dấu hiệu nhận biết cơn sốt ở trẻ em:

- Trực tràng, tai hoặc trán: Nhiệt độ cao hơn 38 độ C.

- Bằng miệng: Nhiệt độ cao hơn 37,8 độ C.

- Dưới nách: Nhiệt độ cao hơn 37,2 độ C.

Sốt virus có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và đau nhức. Các triệu chứng bổ sung có thể khác nhau dựa trên virus gây ra bệnh cơ bản. Một số triệu chứng sốt siêu vi phổ biến khác bao gồm: Đau khớp và cơ; đau đầu; mệt mỏi; viêm họng; sổ mũi; ớn lạnh thường xuyên; đỏ mắt; viêm da; mất cảm giác ngon miệng.

Thông thường bệnh nhân sốt virus có thể khỏi sau 5-7 ngày điều trị. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời hoặc sốt kéo dài nhiều ngày, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng bất thường có thể bao gồm mất nước, sốc, ảo giác, co giật, hôn mê, rối loạn chức năng hô hấp, suy đa cơ quan.

Sốt virus có thể ảnh hưởng bất kỳ ai, bất kể tuổi tác. Tuy nhiên, nguy cơ phát triển bệnh sốt virus cao hơn ở trẻ em, người già và người có hệ miễn dịch kém. Sốt virus dễ lây lan và một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm virus:

- Tiếp xúc gần, thường xuyên với người nhiễm bệnh.

- Dùng chung kim tiêm.

- Người đi du lịch đến hoặc từ các khu vực bị ô nhiễm.

- Dùng chung đồ đạc với người đã nhiễm bệnh.

Nguyên nhân gây sốt virus

Hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ phản ứng bằng cơn sốt khi gặp hoặc chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Hệ miễn dịch tự nhiên nhận được xung lực để chống lại một số mầm bệnh có hại như virus và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ra bệnh do virus, có thể bao gồm virus cảm lạnh và cúm. Đôi khi, một căn bệnh do vi khuẩn xảy ra sau khi nhiễm virus cũng gây ra sốt. Điều này có thể gây khó khăn cho việc phân biệt giữa hai loại thuốc và xác định thời điểm một người có thể được dùng thuốc kháng sinh.

Sốt mà không có bất kỳ bệnh lý cơ bản rõ ràng nào khác có thể đặc biệt phổ biến ở trẻ nhỏ.

Trẻ em, người có miễn dịch yếu là trường hợp có nguy cơ cao hơn bị sốt virus. Ảnh: Aimsindia.

Người bị nhiễm có thể lây bệnh do virus khi hắt hơi, hít thở hoặc chạm vào người hoặc bề mặt. Các hoạt động như rửa tay và khử trùng bề mặt thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa những căn bệnh này.

Ngoài ra, bạn có khả năng bị nhiễm trùng nếu tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm. Virus lây nhiễm vào thực phẩm, vì vậy, bạn có thể bị nhiễm khi tiêu thụ những thực phẩm như vậy.

Gió mùa là thời điểm muỗi sinh sôi trên các vùng nước đọng, sinh sôi nảy nở, dẫn đến bùng phát dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết. Bạn cũng có thể bị sốt siêu vi do muỗi đốt.

Điều nên và không nên làm khi bị sốt virus

Các chuyên gia khuyên nếu bạn bị sốt siêu vi, hãy nghỉ ngơi thư giãn đầy đủ và uống thuốc đúng giờ để giảm các triệu chứng, tăng khả năng miễn dịch, phục hồi. Đặc biệt, người bệnh cần uống thuốc kháng virus theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Để tránh mất nước, người bệnh sốt virus cần uống nước thường xuyên, có thể tăng lượng nước tiêu thụ hơn bình thường. Các bữa ăn nhẹ, dễ tiêu hóa được khuyến khích.

Bạn không nên tìm hiểu các triệu chứng và tự dùng thuốc theo hướng dẫn từ Internet. Dùng thuốc mà không có sự hiểu biết và chẩn đoán đầy đủ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng. Đặc biệt, thuốc kháng sinh chỉ nên được sử dụng nếu bác sĩ kê đơn.

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, người bệnh không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, xà phòng, khăn tay hoặc đồ ăn với người khác. Môi trường xung quanh và nhiệt độ của bệnh nhân nên giữ ở mức bình thường. Bệnh nhân không nên mặc nhiều quần áo và đắp chăn dày khi bị sốt virus, kể cả khi thấy ớn lạnh.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-dieu-can-tranh-khi-bi-sot-virus-post1333821.html