Những điều cấp thiết cho việc quản lý, vận hành metro số 1

Metro số 1 tại TPHCM đã được đưa vào vận hành thử nghiệm từ năm 2022 và đã cơ bản hoàn thiện hơn 94% khối lượng công việc. Hiện tại, công trình vẫn đang gặp khó khăn khi khâu tiếp nhận quản lý, vận hành vẫn chưa hoàn thành.

Dự án metro số 1 tại TPHCM đã cơ bản hoàn thiện hơn 94% khối lượng công việc. Còn hai nhà ga ngầm là Nhà hát thành phố và ga Ba Son cùng một ga trên cao là nhà ga Khu công nghệ cao đã hoàn thành công việc. Đơn vị liên quan đang tập trung làm các thủ tục để công trình có thể hoạt động vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa được bàn giao việc tiếp nhận quản lý, vận hành. Đơn vị vẫn còn phải xin kinh phí cho hoạt động này.

Thêm vào đó, về khâu chuẩn bị đội ngũ nhân sự cho hoạt động của tuyến metro số 1, UBND TPHCM cũng nhiều lần đề nghị các cấp có thẩm quyền, bộ, ngành liên quan hoàn tất thủ tục bổ sung vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1.

Trước đó, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 chỉ nhận khoản tiền là 14 tỉ đồng thuộc vốn điều lệ chi cho việc mua sắm thiết bị cơ bản. Do vậy, các khoản tiền để trả lương cho cán bộ, kỹ sư, người lao động bị thiếu hụt dẫn đến nhiều nhân sự nghỉ việc; đội ngũ kỹ thuật, vận hành chưa được tuyển dụng đúng theo quy định trong khi công ty cần hơn 700 nhân sự để đáp ứng nhu cầu quản lý, vận hành và bảo dưỡng tuyến metro số 1 này.

Một khó khăn nữa là hầu hết các máy móc, thiết bị, linh kiện, dây chuyền công nghệ phục vụ cho hoạt động metro số 1 đều phải được nhập khẩu. Nếu chuẩn bị được đội ngũ có kinh nghiệm thì việc vận hành, đặc biệt là những năm đầu sẽ thuận lợi hơn mà không cần phải mời thêm chuyên gia nước ngoài.

Ngược lại nếu phải thuê nhân sự nước ngoài thì chi phí cho việc chi trả nhân sự sẽ cao hơn dẫn đến nguy cơ gián đoạn khai thác hoặc giá vé sử dụng dịch vụ metro số 1 tăng lên, hành khách dễ “quay lưng”…

Theo kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới, khâu tuyển chọn nhân sự để tiếp nhận quản lý, vận hành và bảo dưỡng các công trình lớn như đường sắt trên cao, metro có vai trò quan trọng.

Chẳng hạn như năm 2004, Trung Quốc khi làm đường sắt trên cao, tàu điện ngầm đã chọn 4 hãng công nghệ là Alstom, Siemens, Bombardier và Kawasaki Heavy Industries để ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với 2 hãng sản xuất tàu của nước này là China Southern Railway Corp và China Northern Railway Corp.

Đơn vị thi công của dự án cũng đã chuẩn bị đội ngũ vừa phối hợp trong thi công, tiếp nhận quản lý khai thác, kế thừa phát triển khoa học công nghệ trong dự án vừa có thể tự phát triển công nghệ về sau, kể cả việc đầu tư sản xuất tàu Fuxing có tốc độ tối đa 400 km/giờ.

Những trở ngại trong quá trình triển khai hoạt động tuyến metro số 1 cần được xem xét, rút kinh nghiệm. Cụ thể, đơn vị cần nêu chi tiết trách nhiệm từng tổ chức và cá nhân khi tham gia dự án và luôn có người phối hợp giải quyết khi có tình huống xảy ra trên tinh thần xây dựng vì lợi ích chung.

Metro số 1 không chỉ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng mà còn là kỳ vọng của người dân thành phố trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Do vậy, cơ quan, tổ chức liên quan cần xem xét để bổ sung vốn điều lệ, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị vận hành metro số 1, đồng thời, xây dựng đội ngũ nhân sự vừa kế thừa kinh nghiệm từ tuyến metro số 1 để quản lý, vận hành, vừa kế thừa công nghệ về sau, đảm bảo giảm thiểu sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Đây cũng là cơ sở cho việc xúc tiến đầu tư để thành lập đơn vị nghiên cứu cho khâu tiếp nhận quản lý, chuyển giao công nghệ các tuyến metro và đường sắt đô thị sau này.

Trần Văn Tường

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhung-dieu-cap-thiet-cho-viec-quan-ly-van-hanh-metro-so-1/