Những điều cha mẹ cần biết khi con bị nhiễm trùng tai

Viêm tai giữa hay nhiễm trùng tai giữa là bệnh lý phổ biến ở trẻ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể sẽ để lại nhiều biến chứng về thính giác.

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Viêm tai là gì?
Các loại viêm tai giữa phổ biến ở trẻ
Nguyên nhân gây nhiễm trùng tai ở trẻ
Dấu hiệu và triệu chứng
Cách điều trị nhiễm trùng tai
Những cách giúp trẻ giảm đau và khó chịu khi bị nhiễm trùng tai tại nhà
Cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, cứ 6 trẻ em thì có 5 trẻ bị nhiễm trùng tai trước khi lên 3 tuổi. Các nguyên nhân chính gây ra nhiễm trùng tai (viêm tai) bao gồm nhiễm trùng đường hô hấp trên, ống tai nhỏ, vòi nhĩ (Eustachian tubes) chưa trưởng thành và hệ miễn dịch đang phát triển. Vậy cha mẹ cần biết gì để kiểm soát và phòng ngừa bệnh này?

Viêm tai giữa là bệnh lý rất phổ biến ở trẻ em (Ảnh: Pinterest)

Viêm tai là gì?

Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng tai giữa, khu vực phía sau màng nhĩ. Đây là bệnh lý phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.

Tai được chia thành ba phần, bao gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài bao gồm phần nhìn thấy được bằng mắt thường của tai và ống tai, dẫn đến màng nhĩ. Tai giữa là phần ở phía sau của màng nhĩ, có chức năng truyền tải âm thanh từ ngoài vào trong, vì vậy phần tai giữa rất quan trọng.

Rối loạn vòi nhĩ cũng có thể gây ra áp lực và đau tai, ngay cả khi trẻ không bị nhiễm trùng. Vòi nhĩ là ống nối tai giữa với phía sau họng. Ống này giúp cân bằng áp lực trong tai và dẫn chất nhầy từ mũi thoát ra. Khi vòi nhĩ hoạt động không bình thường, nó ngăn cản sự thoát dịch từ tai giữa, gây ra sự tích tụ chất lỏng phía sau màng nhĩ.

Ở trẻ em, vòi nhĩ nhỏ hơn và nằm ngang hơn so với người lớn, khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn di chuyển từ mũi đến tai.

Các loại viêm tai giữa phổ biến ở trẻ

Viêm tai giữa cấp tính: Do virus hoặc vi khuẩn gây ra, khiến niêm mạc mũi và họng sưng lên, làm tăng lượng vi khuẩn trong mũi. Vi khuẩn này có thể di chuyển đến tai giữa, gây ra tình trạng tích tụ dịch và nhiễm trùng.
Viêm tai giữa ứ dịch: Sau khi trẻ mắc phải nhiễm trùng đường hô hấp (như cảm lạnh, cúm), có thể dẫn tới viêm tai giữa. Lúc này, dịch có thể vẫn còn tồn tại trong tai giữa sau khi nhiễm trùng đường hô hấp đã khỏi.
Viêm tai giữa mạn tính: Khi không được điều trị kịp thời, viêm tai giữa cấp tính có thể dẫn tới viêm tai giữa mạn tính. Lúc này, dịch không bị nhiễm trùng liên tục tồn tại trong tai giữa hoặc tái phát nhiều lần.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng tai ở trẻ

Nhiễm trùng tai thường xảy ra sau khi trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh và cảm cúm. Nếu là nhiễm trùng do vi khuẩn, vi khuẩn có thể di chuyển đến tai giữa và gây nhiễm trùng. Ngược lại, nếu là nhiễm trùng do virus, chúng có thể tích tụ trong môi trường thuận lợi do virus tạo ra. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác bao gồm:

Vòi nhĩ (ống Eustachian) chưa phát triển hoàn thiện: Ống Eustachian là ống nối tai giữa với phía sau họng. Ống này giúp cân bằng áp lực trong tai và dẫn chất nhầy từ mũi thoát ra. Ở trẻ em, ống Eustachio thường nhỏ hơn và nằm ngang hơn so với người lớn, khiến trẻ dễ bị viêm tai hơn.
Dị ứng: Dị ứng có thể gây nghẹt và sưng ở mũi, họng và ống Eustachian, dẫn đến tình trạng tích tụ dịch trong tai giữa.
Amidan phì đại: Amidan nằm gần ống Eustachian. Khi amidan phì đại, chúng có thể cản trở luồng khí vào và ra khỏi tai giữa, làm tăng nguy cơ viêm tai ở trẻ.
Cho bé nằm ngang bú sữa bình: Khi bé bú bình nằm ngang, sữa có thể chảy vào tai và gây ra nhiễm trùng.
Tiếp xúc với khói thuốc lá: Khói thuốc lá có thể kích thích ống Eustachian, dẫn đến tình trạng tích tụ dịch trong tai giữa.

Dấu hiệu và triệu chứng

Biểu hiện phổ biến nhất của nhiễm trùng tai là đau tai. Tuy nhiên, tùy thuộc vào độ tuổi và khả năng phát triển của trẻ, bé có thể không nói cho cha mẹ biết rằng tai mình đang đau. Trẻ có thể biểu hiện đau bằng cách kéo căng tai, cáu gắt hoặc khó chịu. Các dấu hiệu khác bao gồm:

Sốt
Mất cân bằng
Chán ăn
Khó ngủ
Nghe kém hoặc mất thính giác

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm tai giữa có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như mất thính giác và chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ (Ảnh: Pinterest)

Khi trẻ bị viêm tai giữa cấp tính, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến viêm tai giữa mạn tính và ảnh hưởng đến thính giác của trẻ. Nếu dịch tích tụ trong tai kéo dài, việc mất thính giác có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ.

Không phải lúc nào cha mẹ cũng dễ dàng nhận biết liệu con mình có bị nhiễm trùng tai hay không, đặc biệt là khi trẻ vẫn đang trong quá trình hồi phục sau bệnh đường hô hấp có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Tốt nhất cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Bác sĩ có thể chẩn đoán nhiễm trùng tai bằng cách kiểm tra và đánh giá các triệu chứng của trẻ.

Cách điều trị nhiễm trùng tai

Theo hướng dẫn của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ em bị nhiễm trùng tai nhẹ nên được theo dõi tại nhà với các biện pháp giảm đau thay vì kê đơn thuốc kháng sinh ngay lập tức.

Trẻ bị nhiễm trùng tai nhệ nên được theo dõi và điều trị tại nhà (Ảnh: Pinterest)

Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng kháng sinh không có tác dụng rõ rệt làm giảm đau tai so với các biện pháp giảm đau thông thường như Paracetamol hoặc Ibuprofen. Việc tiêm chủng đầy đủ vắc-xin phế cầu khuẩn cũng giảm thiểu đáng kể tỷ lệ trẻ em mắc bệnh viêm tai giữa cấp tính. Nhờ vậy, nhiều trường hợp nhiễm trùng tai ở trẻ hiện nay có khả năng tự khỏi mà không cần sử dụng kháng sinh.

Nếu trẻ bị nhiễm trùng tai do virus gây nên, kháng sinh sẽ không mang lại hiệu quả cao. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh quá nhiều cũng khiến trẻ dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn mạnh hơn, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh lý khác nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề nghị dùng kháng sinh cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi vì hệ miễn dịch của trẻ còn yếu và chưa được tiêm phòng đầy đủ. Cha mẹ cần nhớ cho trẻ uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ. Đối với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh nếu sau 2-3 ngày, trẻ vẫn còn sốt và đau tai. Bác sĩ cũng có thể đề nghị dùng kháng sinh cho các trường hợp nhiễm trùng tai nghiêm trọng.

Những cách giúp trẻ giảm đau và khó chịu khi bị nhiễm trùng tai tại nhà

Cho trẻ uống thuốc giảm đau như Acetaminophen hoặc Ibuprofen theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chườm ấm hoặc lạnh lên tai bé để giảm đau.
Khuyến khích con uống nhiều nước.
Cho trẻ ngủ nghiêng về phía đối diện với tai bị nhiễm trùng.

Lưu ý, thuốc trị ho và cảm lạnh chưa được chứng minh giúp trẻ khỏi nhanh hơn, và thường có tác dụng phụ riêng.

Khi nào cha mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ

Nhiễm trùng tai khá phổ biến ở trẻ em và hầu hết các trường hợp sẽ tự khỏi. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể đề nghị dùng kháng sinh, bao gồm theo dõi và áp dụng các biện pháp giảm đau tại nhà. Tuy nhiên, nếu các biện pháp giảm đau và hạ sốt tại nhà không hiệu quả, hoặc trẻ bị nhiễm trùng tai tái phát, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu con có những biểu hiện sau đây:

Sốt kéo dài trên 38,5°C
Đau tai dữ dội không kiểm soát được bằng thuốc giảm đau không kê đơn
Dịch chảy ra từ tai
Nhiễm trùng tái phát, có thể gây ra nguy cơ mất thính giác và chậm phát triển ngôn ngữ

Cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ

Tiêm phòng: Vắc xin phế cầu khuẩn PCV-13 giúp trẻ phòng ngừa các bệnh do vi khuẩn phế cầu khuẩn gây ra, bao gồm cả nhiễm trùng tai. Tiêm vắc xin cúm theo mùa cũng có thể giúp giảm thiểu các bệnh về đường hô hấp dẫn đến nhiễm trùng tai. Tuy nhiên, trước khi cho con tiêm phòng, cha mẹ hãy nhớ tham khảo ý kiến từ bác sĩ. Bác sĩ sẽ tư vấn cho cha mẹ về lịch tiêm chủng phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ, đồng thời giải đáp mọi thắc mắc của cha mẹ về việc tiêm phòng.
Dạy trẻ cách xì mũi: Dạy trẻ cách xì mũi là một kỹ năng quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe của các bé. Việc xì mũi giúp loại bỏ dịch nhầy dư thừa trong mũi và tai, ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn và giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Tránh khói thuốc lá: Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em tiếp xúc với khói thuốc lá dễ bị nhiễm trùng tai hơn.
Cho trẻ bú bình hoặc bú mẹ với đầu kê cao hơn bụng: Cho trẻ bú bình trong tư thế nằm có thể khiến dịch chảy ngược vào tai, vì vậy cha mẹ cần cẩn thận, tránh cho trẻ ăn hoặc bú bình khi nằm.
Rửa tay thường xuyên: Rửa tay là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa vi trùng lây lan và gây bệnh.
Giữ vệ sinh nhà cửa: Môi trường sạch sẽ giúp giảm thiểu các yếu tố gây nhiễm trùng tai và ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng gây bệnh. Cha mẹ nên thường xuyên vệ sinh đồ chơi và khử trùng các bề mặt, đặc biệt là khi trẻ ốm.

Tóm lại, viêm tai hay nhiễm trùng tai là một bệnh lý rất phổ biến ở trẻ em. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào của viêm tai giữa. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời các trường hợp viêm tai giữa có thể giúp ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm như mất thính giác và chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ.

Theo Healthnews

Phạm Hương

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/nhung-dieu-cha-me-can-biet-khi-con-bi-nhiem-trung-tai-d4361.html