Những điều họp Bộ Tứ Normandy khiến ông Putin hài lòng

Bộ Tứ Normandy kiên định với thỏa thuận hòa bình Minsk và công thức Steinmeier, Tổng thống Putin kỳ vọng nhiều hơn nhưng vẫn hài lòng.

Ngày 10/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy tại Thủ đô Paris (Pháp).

Thượng đỉnh Normandy tổ chức ngày 10/12 được cho là dấu ấn quan trọng cho hòa bình miền đông Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông hài lòng với kết quả hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ Normandy và các cuộc họp song phương với 3 vị lãnh đạo bên lề tại Paris.

Các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Đức và Pháp đã có 2 cuộc làm việc tại Điện Elysee, bao gồm một cuộc họp kéo dài 2 tiếng 20 phút và một “bữa tối làm việc”. Thời gian diễn ra cuộc họp dài hơn dự kiến.

Khi được một phóng viên hỏi sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky rằng liệu ông có "hài lòng với kết quả này không", nhà lãnh đạo Nga trả lời bằng tiếng Anh: "Vâng, tôi vui mừng".

Dẫu vậy cũng có những vấn đề chưa làm ông Putin thực sự hài lòng. Tổng thống Nga bày tỏ sự ngạc nhiên khi không có luật ân xá sau cuộc xung đột Donbass từ phía Ukraine. Từ các cuộc thảo luận hòa bình ở Donbass hồi năm 2015, việc đề nghị sửa đổi luật ân xá đã được đề cập đến và là nghĩa vụ của phía Ukraine nhưng đến nay chưa được thực hiện.

Một vấn đề khác là Ukraine đã khẳng định quyền kiểm soát biên giới Nga với Donbass nên được trao lại Kiev trước khi tiến hành một cuộc bầu cử hợp theo luật pháp châu Âu trong khu vực Donbass. Tuy nhiên, điều này mâu thuẫn với các thỏa thuận Minsk về kế hoạch ngừng bắn, giải phóng con tin, rút lực lượng vũ trang và tạo ra các khu tự trị.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, nếu Ukraine chọn cách quân sự hóa, đóng cửa biên giới Nga và hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass giống như quan điểm của cựu Tổng thống Poroshenko thì cuộc xung đột sẽ không thể được giải quyết.

"Nếu phía Ukraine cứ khăng khăng rằng, hãy để quân đội của họ ở biên giới, thì tôi cũng có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đó sẽ là kịch bản Srebrenica một lần nữa" - Tổng thống Putin nói.

Nhắc đến cuộc thảm sát ở Srebrenica, Bosnia và Herzegovina diễn ra vào năm 1995. Hơn 8.000 người Bosnia đã bị quân đội Republika Srpska của quân đội Bosnia giết hại. Đây được coi là vụ giết người hàng loạt lớn nhất ở châu Âu sau khi Thế chiến II kết thúc.

“Chúng ta cần đảm bảo sẽ không còn những hàng lang, để hàng nghìn dân thường sống ở khu vực này có thể dễ dàng đi qua. Mọi thỏa thuận của chúng ta cần cải thiện cuộc sống của họ, không phải lúc nào đó trong tương lai mà là bây giờ”, ông Putin nói.

Một số thỏa thuận được đưa ra bao gồm việc trao đổi tù nhân vào cuối năm giữa Nga - Ukraine, việc thiết lập các điểm trung chuyển cho phép người dân thường đi qua đường kiểm soát chia cắt khu vực Donetsk và Lugansk với phần còn lại của Ukraine.

Các lãnh đạo cũng đồng ý thực thi "Công thức Steinmeier" theo tên của cựu Ngoại trưởng nay là Tổng thống Đức về giải quyết tình hình xung đột ở miền Đông Ukraine, nhằm thực hiện bầu cử ở Donetsk và Lugansk với quan điểm rằng Kiev sẽ cấp quyền tự chủ cho các khu vực này.

Trước cuộc gặp, ông Zelensky nói rằng những cuộc bầu cử sẽ chỉ diễn ra nếu nó được thực hiện theo luật Ukraine và khi lực lượng quân sự nước ngoài rút khỏi 2 khu vực nói trên. Tuyên bố của 4 lãnh đạo không nhắc tới các điều kiện của ông Zelensky, tuy nhiên, Tổng thống Ukraine tự tin rằng những vấn đề này sẽ được làm rõ trong các cuộc gặp kế tiếp.

Trong khi đó, Tổng thống Macron đã gửi lời cảm ơn Tổng thống Zelensky vì lập trường và hành động quyết định của ông trong việc giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.

"Tôi muốn lưu ý sự can đảm và quyết đoán chính trị mà Tổng thống Ukraine đã thể hiện kể từ khi đắc cử bằng cách tìm cách đạt được hòa bình trong cuộc xung đột gây tổn hại cho đất nước mình" - ông Macron nhấn mạnh thêm, cuộc họp Bộ Tứ tiếp theo có thể sẽ diễn ra trong khoảng 4 tháng tới.

Cuộc họp bộ Tứ Normandy năm nay được cho là một dấu ấn quan trọng trong việc giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine bởi sự xuất hiện của "người mới" là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với quan điểm hòa bình và nhiều tinh thần xây dựng hơn.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nhung-dieu-hop-bo-tu-normandy-khien-ong-putin-hai-long-3393083/