Những điều ít biết về Lào Cai, nhất là tên gọi xưa cũ

Từ lâu tỉnh Lào Cai nổi tiếng là vùng đất của nhiều địa danh như Sapa, Bắc Hà, Bát Xát… Tuy nhiên, ít người biết mỗi vùng đất của Lào Cai lại gắn với những tên gọi độc đáo, những câu chuyện, nét văn hóa đặc sắc.

Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai… là những địa danh nổi tiếng của tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, ít ai biết, Bát Xát gọi đúng từ, đúng âm là “Pạc srạt”; Sa Pa tiếng quan thoại gọi là Sa - Pả; Si Ma Cai theo âm tiếng Hmông là Xênh Mùa Ca … Không chỉ tên gọi, những vùng đất này còn gắn với những câu chuyện, những nét văn hóa đặc sắc.

Sa Pa: Sa Pa là một huyện nổi tiếng của tỉnh Lào Cai. Tên gọi Sa Pa từ tiếng quan thoại. Tiếng quan thoại gọi Sa - Pả, “Sa” là cát, “Pả” là bãi. Địa danh của “bãi cát” này ở bên phải cầu km 32 từ Lào Cai vào Sa Pa. Ngày xưa chưa có thị trấn Sa Pa, cư dân ở vùng đất này đều họp chợ ở “bãi cát” đó, do vậy, dân địa phương ai cũng nói là “đi chợ Sa Pả”.

Bảo Yên: Hành trình lên Tây Bắc ngược chiều con sông Chảy bốn mùa nước trong xanh, theo quốc lộ 70, qua đất Lục Yên, khi thấy xuất hiện hai bên ven đường những vườn cam sành trĩu quả, những địu măng tươi hay gùi khoai sọ tím dẻo đấy là tới đất Bảo Yên của tỉnh Lào Cai. Bảo Yên nổi tiếng với quê hương trận Phố Ràng lịch sử, cửa ngõ phía Đông Nam mở vào vùng đất thấm đẫm văn hóa đặc sắc 27 dân tộc Lào Cai.

Văn Bàn: Nằm ở phía Nam tỉnh Lào Cai trên độ cao từ 700 - 900 m so với mặt nước biển. Đây là huyện vùng cao gồm 12 dân tộc, đông nhất là dân tộc Tày, các dân tộc có số lượng ít là Nùng, Mường, Hoa, Sán Chay, Hà Nhì. Văn Bàn là nơi duy nhất của tỉnh Lào Cai có dân tộc Mông Xanh - một trong 4 ngành của dân tộc Mông cư trú ở Việt Nam.

Bắc Hà: Đây là huyện vùng cao tỉnh Lào Cai. Người địa phương (người Tày, Nùng) gọi là Pạc Ha (nghĩa là trăm bó gianh). Thời Pháp thuộc, các dịch giả người Pháp gọi là PaKha. Bắc Hà cũng như các huyện, thị khác có một quá trình lịch sử phát triển lâu dài và mang nhiều vẻ đẹp văn hóa đa dạng.

Bát Xát: Bát Xát là gọi theo ngôn ngữ người Giáy. Gọi đúng từ, đúng âm là “Pạc srạt” với hai nghĩa hiểu khác nhau. Nghĩa thứ nhất là “Một trăm tấm cót” bởi vì “Pạc” là một trăm, “srạt” là tấm cót, còn nghĩa thứ hai là “miệng thác” hoặc “bến thác”, vì “Pạc cũng có nghĩa là “miệng”, còn “srạt” có thể hiểu là “thác” hoặc sóng cuốn, có câu trong tiếng Giáy “rắm păn srạt” (nước cuốn cót).

Mường Khương: Mường Khương là huyện vùng cao biên giới tỉnh Lào Cai: Phía Bắc và Tây Bắc giáp huyện Mã Quan và Hà Khẩu tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với chiều dài 96 km, có 2 cửa khẩu quốc gia đất liền là Sín Tẻn và Pha Long; do đó có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Si Ma Cai: Địa danh Si Ma Cai có nghĩa là “Chợ ngựa mới”. Đây là vùng đất được người dân xưa kia họp chợ sau khi chuyển từ địa điểm phố Cũ lên. Dù không được rộng và bằng phẳng như phố Cũ nhưng có thể bao quát được cả một vùng rộng lớn. Tên Si Ma Cai theo âm tiếng Hmông là Xênh Mùa Ca.

Bảo Thắng: Bảo Thắng là vùng thung lũng nằm ven hai bên sông Hồng thuộc vùng đất cổ nằm chính giữa tỉnh Lào Cai cùng với thị xã Cam Đường. Năm 1928 châu Bảo Thắng gồm 11 xã, và tên Bảo Thắng xuất phát từ châu Bảo Thắng ra đời vào những thập kỷ đầu thế kỷ XX.

Thành phố Lào Cai: Thành phố Lào Cai như dải lụa trải dọc phía Nam ngã ba sông Hồng, sông Nậm Thi. Cách ngày này 50-60 triệu năm, trong đợt tạo sơn cuối cùng, vỏ trái đất vặn mình, đứt gãy tạo nên thung lũng sông Hồng (có địa bàn Lào Cai). Trước công nguyên, Lào Cai đã là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa quan trọng ở ven bờ sông Cối (sông Hồng).

Mời độc giả xem video: Ghé thăm Rungis - chợ đầu mối lớn nhất thế giới. Nguồn: VTV24.

Thu Hà (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/ta-tay/nhung-dieu-it-biet-ve-lao-cai-nhat-la-ten-goi-xua-cu-1528130.html