Những điều khó hiểu trong vụ Hội Nghệ nhân Thương hiệu Việt Nam bị tố 'xù tiền công'

Mặc dù PV đã hẹn làm việc nhưng đại diện Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam vẫn tỏ thái độ bất hợp tác và không thiện chí, thậm chí còn hạch sách đủ điều.

“Nội dung của giấy giới thiệu không phù hợp với tôi”

Sáng ngày 28/5, theo lịch hẹn của ông Nguyễn Quang Hiến - Trợ lý của bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - trưởng ban tổ chức chương trình Vinh danh hoạt động văn hóa hội nhập quốc tế, PV CLXH cùng anh Văn Đình Quỳnh (người hát văn) có mặt tại trụ sở của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam (địa chỉ số 1 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội) để làm việc.

Người được cử làm việc trực tiếp là ông Nguyễn Đạt Tân (phụ trách đoàn đi Myanmar).

Bắt đầu buổi làm việc, ông Tân căn vặn PV, không cho dùng giấy giới thiệu cũ mà phải xuất trình giấy giới thiệu mới, mới được làm việc. Buộc lòng, PV phải chờ tòa soạn đưa giấy giới thiệu mới tới tận trụ sở Hội để được tiếp tục cuộc làm việc.

Nội dung trong giấy ghi rất rõ ràng: “Tìm hiểu, xác minh thông tin Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam bị tố lừa đảo bằng hình thức tổ chức cuộc giao lưu vinh danh tại Myanmar”. Tuy nhiên, ông Tân tiếp tục tỏ thái độ bất hợp tác: “Nội dung giấy giới thiệu không đúng, không phù hợp với tôi, tôi không làm việc. Bao giờ có giấy giới thiệu đúng, tôi mới làm việc với anh chị”.

PV đã giải thích với ông Tân rất rõ ràng: “Nội dung giấy giới thiệu không cần phải đúng với anh, mà là đúng với người đang tố cáo Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam.” Thế nhưng, ông Tân vẫn bất hợp tác và nói chuyện với PV bằng thái độ rất cục cằn.

Anh Văn Đình Quỳnh đi từ Hải Dương lên Hà Nội để được làm việc trực tiếp với đại diện Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam nhưng lại phải ra về vì những hạch sách khó hiểu của vị đại diện hội này.

Buổi làm việc với Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam chưa được diễn ra thì đã kết thúc trong thái độ vô cùng căng thẳng của vị đại diện hội này.

Trong tờ trình của ông Nguyễn Đạt Tân gửi tới CL&XH mới đây, ông Tân cho rằng mình không trực tiếp mời cung văn mà là bà Phạm Thị Thanh The (địa chỉ Mỹ Hào, Hưng Yên). Mỗi người đi phải đóng tiền hỗ trợ cho chương trình với hai mức giá khác nhau. Để được “tôn vinh” thì đóng 28 triệu đồng, còn cung văn không cần tôn vinh thì đóng 10 triệu đồng. Bà The trực tiếp mời 4 người hát văn, số tiền cung văn phải đóng là 32 triệu đồng. Bà The có xin lại 4 triệu đồng để lo chi phí đi lại cho 4 người này. Toàn bộ quá trình thỏa thuận này không hề có văn bản. Khi về Việt Nam, cung văn đòi Ban tổ chức số tiền là 50 triệu đồng tiền công hát cho 60 người, thế nhưng BTC không đồng ý chi trả. Để hỗ trợ thêm cho cung văn, BTC gửi cho bà The 12 triệu đồng. Ông Tân cũng cho biết, chưa có buổi làm việc nào với PV CL&XH trước đó, nên việc PV đăng bài trước buổi làm việc ngày 28/5 là không được phép.

Trên thực tế, PV đã làm việc với ông Nguyễn Quang Hiến trước đó. Trong buổi làm việc, ông Hiến cho biết sẽ làm việc với PV bằng văn bản, đề nghị PV gửi câu hỏi phỏng vấn để Hội biết trước nội dung làm việc và có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Trong buổi đó, ông Hiến cũng bày tỏ quan điểm cá nhân của mình về vụ việc này. Vậy nên việc ông Nguyễn Đạt Tân cho rằng PV chưa có cuộc làm việc nào với Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam là chưa chính xác.

Để thông tin khách quan, PV tiếp tục làm việc với anh Văn Đình Quỳnh và bà Nguyễn Thị Thanh The. Anh Quỳnh cho biết, những điều mà ông Tân trình bày là hoàn toàn sai sự thật. Anh Quỳnh và bà The có đầy đủ ghi âm rõ ràng khi trao đổi với ông Tân về chi phí và tiền công trước chuyến đi. Đồng thời buổi làm việc với ông Dũng, yêu cầu BTC trả tiền cho cung văn vào ngày 16/5 cũng được ghi âm đầy đủ. “Trong cuộc nói chuyện ấy, ông Dũng nói rõ BTC thua lỗ 200 triệu, kêu gọi anh em cung văn chia sẻ và ủng hộ. Còn nếu anh em cung văn vẫn đòi tiền, BTC sẽ đưa ra pháp luật vì tội bôi nhọ danh dự của cá nhân ông Dũng và BTC, xong việc đó sẽ trả tiền cho chúng tôi”, anh Quỳnh cho hay.

Anh Quỳnh còn cho biết, đoàn hát cung văn có 5 người, trong đó có 4 người của đội anh Quỳnh được bà The gọi đi hát, còn 1 người nữa là anh Hoàng Văn Hìu được BTC gọi tham gia cùng. Điều này cũng được anh Hìu khẳng định với PV trong bài trước. Giống 4 người kia, anh Hìu phải đóng 8 triệu, thế nhưng anh chỉ đóng được 5 triệu nhưng cũng được tham gia cùng đoàn sang Myanmar.

Lá đơn trình bày toàn bộ sự việc của anh Quỳnh.

Anh Quỳnh cũng chia sẻ, thường trong hầu đồng, diễn xướng, các thầy đồng sẽ phát lộc cho cung văn. Tuy nhiên trong tất cả các buổi diễn tại Myanmar, không thầy đồng nào phát lộc. “Xong việc, chúng tôi được hai thầy đồng đưa cho số tiền là 6.150.000 nghìn đồng và nói, đây là tiền lộc các thầy bồi dưỡng riêng cho cung văn, còn tiền công của cung văn, BTC đã thu của các thầy rồi. BTC nói các thầy không được phát lộc”, anh Quỳnh trình bày.

Bản chất thật của việc được vinh danh?!

Theo anh Quỳnh và bà The, việc Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tổ chức chuyến đi sang Myanmar với mục đích giao lưu văn hóa, nhưng thực chất chỉ là muốn lấy tiền của các thầy đồng bằng hình thức “vinh danh”. Có rất nhiều người trong đoàn cũng bức xúc về việc này, tuy nhiên họ không đứng ra tố cáo bởi họ “làm việc tâm linh”. “Chúng tôi cũng không mong đòi lại được tiền công nữa, nhưng việc này phải được làm rõ ràng. Bởi chắc chắn, Hội này sẽ tổ chức nhiều chuyến đi “vinh danh” nữa, và chắc chắn sẽ tiếp tục có những người hám danh, bỏ hàng chục triệu để tham gia, và bị xù tiền công như chúng tôi”, anh Quỳnh bày tỏ.

Lá cờ vinh danh "có giá hàng chục triệu đồng" mà Ban tổ chức gửi tới cho những người diễn xướng.

Được biết, đoàn đi sang Myanmar có khoảng 200 người, không chỉ có thầy đồng, cung văn mà còn rất nhiều người của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam. Vậy những người này liệu có phải đóng tiền?. Tại sao chuyến đi “giao lưu văn hóa” mà BTC lại nói với người hát văn là “bị lỗ 200 triệu” và mong được họ ủng hộ “tiền công”, trong khi số tiền đi lại và chi phí ăn ở tại nước ngoài đã được những người tham gia đóng góp đầy đủ?.

Quy định người muốn được vinh danh phải đóng hàng chục triệu đồng. Chưa kể, còn buộc những người “đi làm công” hát văn cũng phải đóng tiền. Vậy liệu có thực sự là “giao lưu văn hóa”?!.

Trao đổi với CL&XH, anh Văn Đình Quỳnh và bà Nguyễn Thị Thanh The mong muốn được gặp trực tiếp với chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, PV CL&XH trong một buổi làm việc ba bên, nhằm xác minh sự việc.

Tuy nhiên, đến nay, ông Lê Ngọc Dũng – Chủ tịch Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam vẫn chưa có phát ngôn nào cho báo chí về vấn đề này.

PV sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin và cung cấp tới độc giả.

Nguyễn Bá

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/ket-noi-ban-doc/nhung-dieu-kho-hieu-trong-vu-hoi-nghe-nhan-thuong-hieu-viet-nam-bi-to-xu-tien-cong-12698.html