Những điều kiêng kỵ ngày mùng 1 Tết để cả năm may mắn

Theo phong tục truyền thống, vào những ngày đầu năm mới, người Việt thường chú ý đến những điều kiêng kỵ ngày tết để cả năm gặp nhiều may mắn.

Không quét nhà

Trước Tết các gia đình đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng nên vào ngày Tết không cần dọn dẹp nữa. Những ngày đầu năm, các gia đình đều kiêng quét nhà bởi theo quan niệm nếu quét nhà là sẽ hất tài lộc ra khỏi cửa.

 Kiêng quét nhà mùng 1 Tết để may mắn cả năm

Kiêng quét nhà mùng 1 Tết để may mắn cả năm

Không đổ rác

Phong tục này xuất phát từ câu chuyện của người Trung Quốc. Truyện kể rằng, ngày xưa có một người lái buôn được Thủy thần tặng một nàng hầu tên là Như Nguyệt. Kể từ khi có nàng hầu này về nhà, ông ta bỗng trở nên giàu có. Đến một năm, đúng ngày mùng 1 Tết, Như Nguyệt mắc lỗi, bị ông chủ đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ nên nàng tủi thân, biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông ta trở lại nghèo khó. Nên người Việt Nam quan niệm nếu đổ rác ngày mùng 1 thì cũng đồng nghĩa với việc hết tài lộc của gia đình.

Không đi chúc Tết sáng mùng 1

Người Việt Nam thường tránh đi chúc Tết sáng đầu năm vì không muốn xông đất nhà người khác. Với người Việt Nam, người xông đất rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả gia đình trong một năm. Ngày mùng 1 Tết, người Việt Nam thường chỉ đi thăm họ hàng, người thân.

Không làm đổ vỡ đồ dùng

Người Việt Nam quan niệm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương trong ngày đầu năm báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ nên rất kiêng kỵ.

Kiêng làm đổ vỡ đồ dùng vào mùng 1 Tết

Không mặc quần áo màu đen - trắng

Với người Việt Nam, màu đen - trắng tượng trưng cho sự tang tóc nên vào ngày Tết thường tránh mặc quần áo màu đen hoặc trắng. Những ngày Tết, mọi người thường mặc quần áo nhiều màu sắc, tươi trẻ để mong muốn một năm mới may mắn, vui vẻ.

Không cho lửa ngày mùng 1 Tết

Ngày mùng 1 Tết, khi đi ra ngoài hoặc đi lễ chùa, bạn chớ nên quên mang theo diêm hay bật lửa bởi lúc này, cần dùng lửa mà không có, bạn đi xin cũng không ai cho vì lửa đỏ tượng trưng cho may mắn, cho lửa đầu năm chẳng khác nào đem may mắn của mình đi cho người khác.

Không vay mượn

Ngày đầu năm, người Việt rất kiêng kỵ việc vay mượn, kể cả cho vay hay đi vay, đòi nợ hay trả nợ, dù là tiền bạc hay đồ vật. Đi vay đầu năm là điềm báo sẽ túng thiếu cả năm, cho vay đầu năm sẽ khiến tiền bạc phân tán, đòi nợ đầu năm dễ gây mất hòa khí và khiến người đi đòi cả năm sẽ mệt mỏi chạy theo con nợ, trả nợ đầu năm chẳng khác gì đem lộc nhà ra khỏi nhà.

Kiêng vay mượn đầu năm để tránh xui xẻo trong tiền bạc

Xưa kia, các cụ ta có lệ, từ ngày 23 tháng Chạp dựng cây nêu đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng hạ cây nêu, những món nợ nần không được phép hỏi đến để trong ngày Tết, ai ai cũng được yên vui hưởng Tết, làng xóm không có chuyện to tiếng, cãi vã lúc năm hết Tết đến.

Không nói điều xui

Đầu năm chỉ nói những điều tốt đẹp, vui vẻ, may mắn, không khóc lóc, buồn tủi, không nói lại chuyện đen đủi, rủi ro năm cũ.

Không treo tranh xui

Khi xưa, mỗi dịp Tết đến, ông bà ta thường mua một bức tranh mới về treo để chơi Tết. Những tranh được treo trong ngày Tết thường là tranh mang ý nghĩa tốt đẹp, may mắn như tranh đàn lợn, đàn gà, tranh cậu bé… tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Người ta kiêng không treo những tranh “xui” như tranh đánh ghen hay đi kiện.

Kiêng có tang vào ngày mùng 1

Ngày mồng Một là ngày vui của tất cả mọi người nên những nhà nào có tang sẽ được cất khăn tang trong vòng ba ngày, nếu có người mất đúng vào ngày mồng Một thì gia chủ sẽ không phát khăn tang ngay mà để sang sáng mồng Hai, còn nếu nhà có người mất vào ngày 30 thì gia chủ thường thực hiện tang lễ trong ngày hôm đó tránh để sang ngày mồng Một. Nhũng gia đình có tang tránh đi chúc Tết, thăm hỏi người khác.

Kiêng ăn món xui

Ngày đầu năm, người Việt không ăn những món như thịt vịt, cá mè, thịt chó vì theo quan niệm đó là những món ăn không tốt cho năm mới.

Kiêng mua đồ xui

Dân gian có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, mua gì đầu năm cũng là một việc rất quan trọng bởi nó là món hàng đầu tiên gia chủ mang về nhà. Món hàng mua đầu năm được coi là mua để lấy hên, lấy lộc, bởi “của mua là của được”. Món hàng này mang nhiều ý nghĩa tâm linh hơn thực dụng. Đầu năm kiêng mua dao, thớt, chày, cối… Người ta hay mua muối ngay sáng sớm mùng 1 với hàm ý cả năm đậm đà, ý vị.

Kiêng mở tủ vào mùng 1

Dù là loại tủ gì, kể cả tủ quần áo, cũng không nên mở vào ngày mùng 1 Tết, bởi việc này sẽ làm thất thoát tiền tài và vận may suốt cả năm. Vì thế, người xưa thường chuẩn bị sẵn quần áo cần mặc, treo ra ngoài trước giao thừa.

Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa

Việc đứng hay ngồi án ngữ trước cửa chính trong dịp năm mới không chỉ vô duyên mà còn được coi là hành động gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại, hao tán đi, khiến gia đình đó không được may mắn, thành công, hạnh phúc.

Thảo Trinh (t/h)

Thảo Trinh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nhung-dieu-khong-duoc-lam-vao-mung-1-tet-de-ca-nam-may-man--d113883.html