Những điều mẹ cần biết khi cai sữa cho con

Để quá trình cai sữa trở nên dễ dàng mẹ hãy ghi nhớ những điều dưới đây khi cai sữa cho con nhé.

Thời điểm tốt nhất để cai sữa cho bé

Ảnh minh họa.

Có nhiều lý do khiến bạn quyết định ngừng cho con bú sữa mẹ. Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất vẫn nằm ở bạn. Bạn không cần phải giải thích sự lựa chọn của mình cho bất cứ ai. Thế nhưng, thời điểm nào là tốt nhất để cho bé ngưng bú sữa mẹ?

Nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời của trẻ là điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho con. Sau 6 tháng, bạn nên cho bé ăn dặm hoặc bú thêm sữa bình để con nhận đủ những dưỡng chất thiết yếu. Từ thời điểm này trở đi, bạn có thể cai sữa cho bé mà không gây hại gì.

Làm thế nào để cai sữa dễ dàng?

Một đặc tính của trẻ nhỏ là thích những thứ quen thuộc và có thể rất khó chịu khi có gì đó thay đổi. Vì vậy, quá trình cai sữa cho bé có thể gặp nhiều khó khăn, có thể mất vài tuần đến vài tháng tùy vào sự thích nghi của mỗi bé, do đó mẹ không nên cho bé ngưng bú đột ngột mà cần tiến hành dần dần.

Việc ngưng bú mẹ đột ngột có thể khiến trẻ bị sốc và biếng ăn, còn mẹ gặp phải những vấn đề như tắc tia sữa, viêm đầu vú, áp-xe vú… Bên cạnh đó, mẹ cũng cần phải quyết tâm cai sữa cho bé, vì thực tế khi thấy bé hờn dỗi, quấy khóc đòi sữa mẹ thì mẹ thường xót xa, dễ mủi lòng nên không kiên quyết cai sữa khiến trẻ khó thích nghi với việc ngừng bú mẹ.

Để bắt đầu giai đoạn cai sữa, mẹ nên cho bé giảm dần các cữ bú mẹ và thay vào đó là bú bình (có thể vắt sữa mẹ cho bé bú bình, sau đó thay thế từ từ bằng sữa công thức). Điều này sẽ giúp bà mẹ giảm căng tức sữa và bé thích nghi kịp thời. Trong giai đoạn chuyển từ bú mẹ sang bú bình, mẹ có thể nhờ người thân gần gũi chăm sóc bé nhiều hơn. Mẹ nên âu yếm, chơi đùa với bé vào những lúc bé đã ăn no, ít cảm giác muốn bú, hành động này sẽ giúp duy trì mối liên hệ mật thiết giữa mẹ và bé, tạo cho bé cảm giác vẫn được mẹ yêu thương, gần gũi.

Với các bé trên 6 tháng tuổi, bên cạnh việc cho bé bú bình, mẹ có thể cho bé tập ăn dặm và tăng dần số lượng nếu bé đã đủ cứng cáp. Mẹ nên cho bé ăn dặm từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều, giới thiệu đa dạng món ăn nhưng mỗi lần chỉ cho bé ăn 1 món, tập làm quen vài ngày mới chuyển sang món mới. Món nào bé không thích thì thể có tạm ngưng, từ từ tập cho bé ăn trở lại.

Khi bé đã biết ăn nhiều món thì nên đổi món thường xuyên, mỗi bữa ăn một món để bé không bị ngán (nếu ngán bé sẽ lười ăn). Bé từ 6 - 9 tháng tuổi thì ăn ngày 2 bữa, ít hay nhiều do tùy từng bé. Nếu bé ăn ít thì cho bé uống thêm sữa để bù lại. Mỗi chén bột, cháo cần có đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, đạm, béo, chất xơ và vitamin. Có thể cho bé ăn thêm trái cây (tán nhuyễn), uống nước trái cây, ăn sữa chua, váng sữa, phô mai…

Sau 9 tháng tuổi thì bé cần ăn 3 bữa/ngày. Khi cho bé dưới 2 tuổi ăn dặm thì chỉ cần cho bé ăn đủ chất, không cần ép ăn nhiều, nên cho ăn theo khả năng của bé, sữa vẫn là thực phẩm quan trọng cung cấp năng lượng và dinh dưỡng. Nếu bé ăn 2 bữa/ngày thì cần uống ít nhất 800 ml sữa mỗi ngày, nếu bé ăn 2 bữa/ngày thì cần uống ít nhất 600 ml sữa mỗi ngày.

Ngoài bú mẹ, nên bổ sung cho trẻ vitamin D 400 - 1000 đơn vị/ ngày liên tục cho đến khi trẻ biết đi nếu mẹ không tắm nắng buổi sáng cho trẻ.

Theo Bằng Lăng/Tiêu dùng

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/nhung-dieu-me-can-biet-khi-cai-sua-cho-con/20210224081635766