Những điều nên biết về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và phương pháp phòng ngừa

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý hô hấp ở phổi thường gặp, đặc trưng bởi tình trạng tắc nghẽn của luồng khí đi qua phổi vì đường thở bị hẹp và sưng so với bình thường gây ra tình trạng khó thở, suy hô hấp, nguy cơ cao phát triển ung thư phổi, bệnh tim mạch và các bệnh lý khác.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây ra khoảng 5% ca tử vong trên toàn cầu (tương đương hơn 3,2 triệu người), đứng thứ 3 trong các bệnh gây tử vong hàng đầu, sau tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Cũng theo WHO, COPD đứng thứ 5 về gánh nặng bệnh tật toàn cầu.

Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính đứng thứ 3 trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, có khoảng 4,2% dân số trên 40 tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 37,5% người bệnh trưởng thành được ghi nhận có triệu chứng nghiêm trọng. Hội Hô hấp Việt Nam cho biết, COPD gây ra hơn 25.000 ca tử vong mỗi năm, nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông.

Tại chuỗi hội thảo khoa học về COPD được tổ chức đầu tháng 3 mới đây, các chuyên gia y tế cũng cho biết, COPD là bệnh phổi mạn tính nghiêm trọng có tính chất tiến triển nặng dần theo thời gian và không có khả năng hồi phục. Đáng chú ý, COPD gây cản trở các hoạt động thường ngày của người người bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ, thậm chí dẫn đến tử vong. Cụ thể, chứng khó thở khiến việc leo cầu thang hay thậm chí thay quần áo cũng chật vật mỗi ngày.

Không chỉ thế, COPD đang là gánh nặng về kinh tế, y tế, xã hội toàn cầu, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Quá trình chăm sóc bệnh nhân COPD, nhất là các đợt cấp đang tạo ra áp lực cho hệ thống y tế. COPD nằm trong 5 nhóm bệnh hô hấp có chi phí điều trị chiếm khoảng 1% GDP (khoảng 67.000 tỷ đồng mỗi năm) cao hơn nhiều so với chi phí điều trị dự phòng.

GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cho biết: “Mỗi bệnh nhân COPD có tình trạng bệnh lý khác nhau nên việc điều trị cần được cá nhân hóa để đạt hiệu quả tối ưu. Nếu được điều trị phù hợp sớm, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân sẽ ổn định các triệu chứng và chức năng phổi được bảo tồn. Từ đó bệnh nhân có thể sinh hoạt tương đối bình thường và nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Trên thực tế, có rất nhiều tác nhân gây bệnh COPD, tuy nhiên có 5 nguyên nhân chính gây COPD tại Việt Nam, đó là: Khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường và không khí, lao phổi, các bệnh nhiễm trùng khi còn nhỏ… Vì vậy, cách phòng ngừa và điều trị COPD hiệu quả nhất là dự phòng và triệt tiêu các tác nhân trên.

PGS.TS. BS Nguyễn Viết Nhung, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam cho rằng việc sớm tìm ra các giải pháp đột phá sẽ góp phần giúp người bệnh nhận biết sớm nguy cơ của đợt cấp và tiếp cận liệu pháp điều trị phù hợp. Ảnh: H.Y

Hiện nay, có nhiều loại thuốc được sử dụng điều trị COPD như thuốc giãn phế quản (thuốc cắt cơn), thuốc corticoid dạng hít (ICS), nhóm methylxanthine (theophylline), Roflumilast... hoặc trong một số trường hợp nặng, bác sĩ sẽ phối hợp các loại thuốc. Trong đó, thuốc dạng hít có bộ ba thành phần thuốc của GSK (once-daily, single-inhaler triple therapy) được Ban Sáng kiến toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (GOLD) đánh giá không chỉ hỗ trợ nhân viên y tế điều trị hiệu quả mà còn giúp bệnh nhân cải thiện chức năng phổi, giảm các đợt cấp nhập viện, giảm biến cố và nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.

Ngoài ra, để phòng ngừa COPD, người bệnh cần tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, cải thiện môi trường sống, ngừng tiếp xúc với khói thuốc lá (cả khói thuốc lá chủ động và thụ động); đặc biệt, khi thời tiết chuyển mùa, nếu người bệnh tiếp xúc với khói bụi, sương mù sẽ kích thích trực tiếp hệ hô hấp, có thể dẫn đến các đợt cấp của COPD.

Theo đó, việc tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ cũng là một trong những giải pháp tốt nhất hiện nay để tránh nguy cơ là “mồi lửa” thổi bùng khởi phát đợt cấp COPD như tiêm vaccine bệnh cúm mùa, viêm phổi, ho gà.

Nếu người bệnh đang ở giai đoạn bệnh COPD diễn biến nặng, bị khó thở ngay cả khi ăn, dẫn đến tình trạng tăng cân hoặc sụt cân, giảm khối mỡ thì cần phải chú ý cải thiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học, tăng cường bổ sung nhiều thực phẩm giàu protein, chất xơ, vitamin chống oxy hóa như: Thịt đỏ, thịt trắng, rau sắc có màu sắc tươi sáng, sữa chua… để tăng cường đề kháng cơ thể, bảo vệ lá phổi cho người đang điều trị COPD.

Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh xa các chất kích thích như rượu bia, những thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng tạo nên các cơn ho khan và thậm chí gây khó thở như: tôm, cua, cá tanh, rau có tính lạnh, các gia vị cay, thức ăn nhiều dầu mỡ, hạn chế ăn muối…

Hải Yên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giai-ma-muon-mat/nhung-dieu-nen-biet-ve-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-va-phuong-phap-phong-ngua-20240306223058622.htm