Những điều tân sinh viên lưu ý

Mới bước vào giảng đường, từ việc học, ăn ở đến mua sắm,… đều không phải là chuyện dễ dàng của tân sinh viên. Cùng nghe sinh viên các khóa trước chia sẻ bí quyết về hành trang cho tân sinh viên.

Nhiều phiên chợ bán đồ đã qua sử dụng là lựa chọn của nhiều sinh viên để tiết kiệm tiền - Ảnh: HOA NỮ

Năm nhất rất dễ rớt môn

Không ít sinh viên (SV) đã sống với bài ca nợ môn chỉ vì năm nhất chưa thích nghi được với môi trường học, chưa biết cách học như thế nào và thậm chí là “ngủ quên trong chiến thắng” nên dẫn đến rớt môn và phải ca bài ca nợ môn.

N.V.P, SV năm 3 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nợ 5 môn nhưng hỏi lý do tại sao lại nợ, P. nói: “Lười học thôi chị. Mới rời khỏi gia đình, được tự do ở thành phố nên còn ham chơi. Nhưng chỉ là 2 năm đầu thôi, còn giờ thì cày trả chứ”.

Còn Minh Tân, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đang “cày” để trả nợ 2 môn thì cho rằng: “Nợ thì đâu có ai muốn. Vừa tốn thời gian lại tốn tiền “ngu” nữa. Nợ xong đâu có dám nói với gia đình. Nhưng thật sự năm nhất mình chưa quen cũng như chưa biết cách để học nên mới rớt môn”.

Nguyễn Thị Hoài Thương, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kể: “Em chỉ nợ một môn thôi nhưng nghĩ lại cũng là ám ảnh. Hồi đó, mới vào thành phố nhìn thấy gì cũng mới mẻ và thích khám phá. Thế là hết đi chơi chỗ này đến chỗ khác, rồi dần dần tạo nên thói quen. Bạn bè thì hay nói với nhau 'đại học là học đại' nên việc học hình như lúc đó chỉ xem là thứ yếu. Dù chỉ rớt một môn nhưng các môn còn lại điểm của em cũng rất thấp. Cũng có mấy đứa bạn của em chưa quen với cách học nên cũng bị điểm thấp nhiều lắm”.

Rút ra kinh nghiệm từ bản thân, Thương khuyên: “mới vào thành phố có rất nhiều điều mới mẻ nhưng các bạn nên lập ra cho mình một kế hoạch rõ ràng, cũng đừng ngủ quên trong chiến thắng là ta mới đậu đại học nên bây giờ ta ăn chơi cho thỏa chí. Có rất nhiều cách học mà quan trọng nhất là các bạn nên tự học và học cách tự học. Nếu chưa quen bạn bè nhiều thì lên confession của trường mình, các trang Fanpage của các hội nhóm sinh viên để đăng nhu cầu tìm bạn bè hay anh chị học cùng. Cách này hiệu quả lắm, vì mình cũng đã từng làm như vậy và nhờ thế mới cứu vớt được cả một năm nhất trượt dài”.

Thương cũng nói thêm: “Khi tìm bạn bè hay anh chị học cùng sẽ có rất nhiều cái lợi. Có người để tạo động lực, hứng thú học tập mỗi ngày. Hoặc có thể bạn mạnh môn này nhưng lại yếu môn kia thì cả hai cùng bỗ trợ cho nhau, cứ giống như đi tìm mảnh ghép trong học tập vậy đó. Hoặc cũng có thể là các anh chị đi trước thì sẽ chỉ cho mình được rất nhiều kinh nghiệm học tập, rồi chỉ cho mình những sách, tài liệu hay cho bộ môn nào đấy mà mình cần tham khảo,…”.

“Đầu tháng rủng rỉnh, cuối tháng sạch trơn'

Đấy là thực trạng của rất nhiều SV khi chưa biết cách chi tiêu hợp lý, chỉ cần vung tay quá trớn cho một lần mua sắm áo quần hay một cuộc tụ tập nào đó là ăn mì tôm nguyên tháng. Vậy làm thế nào để chi tiêu cho hợp lý?

“Thông thường thì đầu tháng sẽ rủng rỉnh còn cuối tháng là sạch trơn. Nhưng cũng có khi chỉ mới tuần đầu tiên là tụi em đã sạch tiền trong túi rồi. Một tháng gia đình gửi cho em khoảng tầm 2 triệu rưỡi đến 3 triệu đồng, nhưng chưa tháng nào em tiêu đủ cả”, Cao Huy Hiếu (SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), kể.

Trong khi đó Hải Như (SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thì chia sẻ: “Gia đình em ở quê nghèo lắm, ba mẹ làm ruộng nên tiền gửi cũng thất thường. Có tháng được triệu rưỡi, còn có tháng chỉ có 1 triệu, may nhờ em đi dạy thêm nên cũng có thêm được tầm 1 triệu nữa”.

Nhưng Hải Như có cách tiết kiệm để không phải hụt tiền hàng tháng. Như chia sẻ: “Thay vì ăn cơm quán thì em đi chợ mua đồ về nấu ăn, vừa ngon, vừa chất lượng hơn lại tiết kiệm được tiền. Em nấu một bữa và ăn cả ngày. Nước thì em mang từ nhà đi đỡ tiền mua nước uống ở ngoài. Ở trường có các dãy tự học, em là “đóng đô” ở đấy luôn. Vừa đỡ tốn tiền điện ở phòng, mà không gian lại thoáng mát hơn. Hay thậm chí nếu trời nắng nóng là em ngồi nguyên ngày ở thư viện nếu hôm đó không có lịch học. Áo quần thì em hay đi những chợ ban đêm mà bán ngoài đường như khu vực gần công viên Lê Thị Riêng, ở đó bán đồ rất thời thượng mà hợp túi tiền SV”.

Còn Trương Thế Anh (SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) thì bật mí: “Con trai thường ngại nấu ăn nên tụi mình thường làm quen thân với mấy bạn gái phòng bên để cùng 'góp gạo thổi cơm chung'. Tức là hằng tháng đóng tiền để mấy bạn gái nấu cơm ăn chung, như thế vừa vui lại đỡ được nhiều tiền hơn. Sài Gòn này thì không lo chuyện áo quần vì có rất nhiều chương trình giảm giá các đợt lễ hay cuối năm. Nếu có nhu cầu muốn mua gì thì lên mạng tìm các chương trình khuyến mãi, xả hàng hay giảm giá để đến mua”.

Thế Anh cũng chia sẻ thêm: “Con trai thường tốn thêm khoảng 'tình phí', tức là tiền đi tán gái hay dẫn bạn gái đi ăn, đi xem phim,…Nếu muốn hẹn hò thì tốt nhất là đến công viên, đi hồ Con Rùa, hoặc đến những nơi nào mà không tốn nhiều tiền. Vài lần đi những nơi không tốn tiền là có thể tiết kiệm được số tiền kha khá, lúc đấy mới bắt đầu dẫn bạn gái đi xem phim hoặc ăn cái gì đó ngon ngon”.

Tìm trọ ở Sài Gòn

“Khi tìm trọ có thể thoạt đầu các bạn nhìn rất ưng ý nhưng khi ở rồi các bạn mới nhận ra rất nhiều điều và bắt đầu hối tiếc hay thậm chí mất công sức và tiền bạc để chuyển trọ nhiều lần. Khi tìm phòng trọ ở Sài Gòn, các bạn nên cân nhắc những điều này. Thứ nhất là đừng ham phòng ở ngoài mặt tiền, vì Sài Gòn đường nào cũng đông đúc nên phòng mặt tiền rất ồn ào. Ồn đến nỗi mà bạn ở trong phòng gọi điện mà ai ở đầu dây bên kia cũng tưởng bạn ở ngoài đường. Thứ 2 là bạn ở ghép, nếu không quen ai thì đừng vội tìm người ở ghép. Có thể chấp nhận tháng đầu ở một mình rồi lên trường hỏi bạn bè cùng lớp có bạn nào muốn ở ghép hay không. Ít nhất cùng lớp cũng tin tưởng hơn. Và đừng nên đăng tìm người ở ghép trên các trang mạng, như thế lại càng nguy hiểm”, Nguyễn Thị Diệu Hiền (sinh viên Trường ĐH Tin học ngoại ngữ TP.HCM) chia sẻ.

Phan Anh Thư (SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) thì gợi ý: “Khi lần đầu tiên đi thuê trọ các bạn phải hỏi thật kỹ từ tiền phòng, tiền điện nước đến giờ giấc đi về. Rồi lân la đến các phòng bên để hỏi những người đã ở trước đó, xem chủ ở đó tính tình như thế nào, rồi khu vực đó có hay bị ngập hay không. Khi nào ổn hết mới đặt cọc tiền phòng, vì đã cọc rồi rất khó để lấy lại mà thông thường là mất luôn. Tốt nhất là tìm đến các trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên để nhờ họ tìm giúp phòng trọ vừa với túi tiền và ý muốn của mình”.

Đừng quá đà làm thêm

Là một trong những lời khuyên của nhiều SV đi trước dành cho tân SV. Vì thông thường các bạn cho rằng năm nhất việc học thường nhẹ hơn, thời gian rảnh cũng nhiều hơn, rồi nhiều bạn gia đình khó khăn quá nên chọn đi làm thêm. Nhưng thường chưa cân bằng được giữa việc làm thêm và việc học dẫn đến việc học bị sa sút.

“Ở TP.HCM hình như là không gì là không có, đủ mọi tiện nghi nên công việc làm thêm cũng rất đa dạng. Nhưng nên chọn những công việc hợp với SV như dạy kèm, phụ vụ quán cà phê,…Bởi vì có rất nhiều việc nhẹ lương cao nhưng đi kèm với đó là cám dỗ cũng nhiều, nhất là với các bạn nữ. Thời buổi công nghệ bây giờ cũng có rất nhiều việc làm như chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online,…nhưng làm gì các bạn cũng nên đặt việc học lên trên hết. Lơ là tí là các bạn trượt dài liền, nhiều đứa bạn của mình đã như vậy và sau này đều rất ân hận ”, Tú Anh (SV Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) nói.

Cũng từng vì không cân bằng được việc làm thêm và việc học nên H.T.H.T (SV Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM) đã để ảnh hưởng nhiều đến việc học. T. chia sẻ: “Lúc đầu em làm vì muốn phụ bớt cho ba mẹ. Lần đầu tiên em làm phụ quán cà phê, lúc đó thu nhập chưa cao. Nhưng đến khi được con bạn giới thiệu mối để mua áo quần cũ về bán, bán mỗi đêm có khi lời được gần cả triệu nếu đắt khách hay có đợt hàng mới về. Lúc đó em không còn làm chủ được mình nữa. Một cô gái quê, em chưa bao giờ cầm được số tiền lớn trong tay như vậy. Thế là em lao vào như con thiêu thân, việc học của em từ đó cũng giảm sút theo”.

T. khuyên: “Bản thân em giờ rất ân hận. Em đang cố để cân bằng trở lại, giờ bạn bè đứa nào cũng nói tiếng Anh như gió còn em thì giờ một câu nói cho êm tai cũng không được. Chính vì thế, các bạn năm nhất nên cân nhắc kỹ công việc làm thêm của mình. Ở TP.HCM này chỉ cần một buổi sáng với một xe bánh mì bán dọc đường là có thể sống được cả tuần. Nhưng đừng bị đồng tiền cuốn hút mà lao vào như con thiêu thân giống mình”.

Hoa Nữ

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/nhung-dieu-tan-sinh-vien-luu-y-956740.html