Những định kiến khiến người trẻ bỏ lỡ cơ hội học trường nghề

Những định kiến về mức lương, cơ hội việc làm khiến nhiều bạn trẻ hiểu nhầm trường nghề không mang lại tương lai ổn định, tốt đẹp.

Bích Nhâm (17 tuổi, Hà Tĩnh) có lịch học dày đặc với học ở lớp, trung tâm dạy vẽ, thức đêm làm đề. Nhâm đặt mục tiêu trúng tuyển ngành Thiết kế Thời trang tại một trường đại học ở TP.HCM. Nữ sinh tâm sự chọn đường này vì thích cảm giác tự tay may những bộ trang phục thật đẹp.

Khi được hỏi tại sao không chọn học nghề để hướng thẳng tới nghề mình thích, Bích Nhâm ngập ngừng cho biết cảm thấy ngại với bạn bè nếu không vào đại học.

“Hơn nữa, mọi người cũng toàn bảo học nghề ra, lương cũng như công nhân và suốt đời không thăng tiến được nên em phải có bằng đại học. Năm nay, không đỗ, năm sau, em thi lại”, nữ sinh 17 tuổi tâm sự.

Bích Nhâm không phải trường hợp duy nhất chọn học đại học vì những định kiến, hiểu nhầm về trường nghề. Thực tế, nhiều học sinh, phụ huynh, thậm chí giáo viên vẫn giữ quan niệm vào đại học sẽ có tương lai tươi sáng, ổn định hơn.

Lương ngang công nhân chưa qua đào tạo

Nhiều học sinh không đủ điểm đỗ đại học chọn cách thi lại. Khi cảm thấy không thể đi theo con đường này, họ tham gia trực tiếp vào thị trường lao động thay vì đào tạo thêm.

Huyền Diệu (27 tuổi, Hà Nam) là trường hợp như vậy. 8 năm trước, sau khi trượt đại học lần 2, Diệu đi làm công nhân. Hiện tại, cộng thêm tiền tăng ca, thu nhập hàng tháng của cô cũng ở mức khá.

Nhiều người cho rằng với mức lương 5-7 triệu, họ đi làm công nhân luôn mà quên rằng quá trình đào tạo giúp họ đủ kỹ năng để bắt kịp những thay đổi trong sản xuất và không bị đào thải khỏi thị trường lao động. Ảnh: Hoàng Hải Thịnh.

Nhiều người cho rằng với mức lương 5-7 triệu, họ đi làm công nhân luôn mà quên rằng quá trình đào tạo giúp họ đủ kỹ năng để bắt kịp những thay đổi trong sản xuất và không bị đào thải khỏi thị trường lao động. Ảnh: Hoàng Hải Thịnh.

Dù vậy, thỉnh thoảng, Diệu cảm thấy tiếc nuối khi nhìn bạn bè trải qua cuộc sống phong phú, trong khi bản thân ngày ngày lặp lại một công việc và cũng không tìm thấy mục tiêu phấn đấu.

“Giờ cứ làm vậy thôi, công ty tăng lương thì tăng, không đành chịu. Tìm chỗ khác, tôi vẫn chỉ làm công nhân thôi”, Huyền Diệu chia sẻ.

Khi được hỏi nếu cho chọn lại, cô có muốn học nghề để ổn định hơn không, nữ công nhân 27 tuổi khẳng định sẽ chọn ngành học liên quan thiết bị điện tử.

Cô tin rằng sau 3 năm đào tạo, tay nghề vững hơn, cơ hội việc làm tốt hơn. Nhưng Diệu thừa nhận đây là suy nghĩ của hiện tại. Nếu trở lại 8 năm trước, cô chưa chắc đã chọn lựa tương tự, đặc biệt khi thông tin nắm được là sinh viên trường nghề lương cũng chỉ 5-7 triệu.

Nhiều người cũng hiểu nhầm như Huyền Diệu nên càng không mặn mà với học nghề. Thực tế, mức lương đó chỉ là lương khởi điểm và chắc chắn nhận được, không phải mức chung cho toàn bộ sinh viên tốt nghiệp trường nghề. Nó thường được nhắc đến trong cam kết của các trường.

Nhìn chung, lương khởi điểm bình quân của sinh viên giáo dục nghề nghiệp cũng được cải thiện. Theo số liệu từ các sở, trung bình, sinh viên cao đẳng sau khi tốt nghiệp nhận lương 6 triệu đồng/tháng. Con số này đối với học sinh trung cấp là 5,5 triệu đồng/tháng.

Theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Giáo Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, các ngành, một số ngành nghề có mức lương khá cao như Điều khiển phương tiện thủy nội địa (7,5 triệu), Vận hành cần, cẩu trục (8 triệu), thậm chí, có những nghề ở một số trường, sinh viên ra trường có mức lương lên đến 10-15 triệu đồng/tháng.

Sinh viên cao đẳng được cam kết có lương khởi điểm từ 5-7 triệu đồng sau khi ra trường.

Thất nghiệp hoặc làm công nhân suốt đời

Không chỉ vấn đề lương, nhiều học sinh không chọn học nghề vì sợ tấm bằng từ trường nghề không đủ để họ kiếm được công việc tử tế. Đây là lý do Bích Nhâm không dám chọn trường nghề dù tấm bằng đại học không quá cần thiết để theo đuổi đam mê em chọn.

“Nhiều người có bằng đại học còn không kiếm được việc. Bằng trung cấp, cao đẳng làm sao cạnh tranh được”, Nhâm lo sợ.

Đây hoàn toàn là định kiến sai lầm về cơ hội việc làm dành cho sinh viên trường nghề. Thực tế, nhiều trường, như Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, cam kết việc làm, mức lương tối thiểu cho sinh viên và sẽ trả lại học phí nếu người học thất nghiệp.

Những nỗ lực của các trường trong việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp, tìm kiếm đầu ra cho học viên cũng mang lại chuyển biến tích cực.

Ông Trương Anh Dũng - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội - cho biết tỷ lệ sinh viên trường cao đẳng, trung cấp, giáo dục nghề nghiệp, có việc làm sau khi ra trường năm 2018 tăng 5% so với năm 2017.

Theo báo cáo của 63 sở Lao động Thương binh & Xã hội, tính trung bình, năm 2018, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85%. Trong đó, tỷ lệ ở bậc cao đẳng là 87%, trung cấp là 82%.

Ông Trương Anh Dũng khẳng định tỷ lệ có việc làm của sinh viên trường nghề tăng 5% là lời khẳng định đối với chất lượng đào tạo của giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Nguyễn Sương.

Ở những trường có uy tín về chất lượng đào tạo nghề, có quan hệ tốt với doanh nghiệp, tỷ lệ này ở mức cao hơn. Đặc biệt, 100% sinh viên tốt nghiệp CĐ Kỹ nghệ II, CĐ Cơ điện Hà Nội, CĐ Nghề số 1, CĐ Giao thông vận tải Trung ương II có việc làm.

Ngoài ra, lao động xuất thân từ trường nghề cũng có thể thăng tiến nếu năng lực đủ tốt. Hơn nữa, hiện nay, nhiều trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp còn đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Với con đường này, người lao động có thu nhập tốt hơn, chủ yếu rơi vào mức 400-600 USD/tháng, thậm chí lên đến 1.200-1.500 USD/tháng ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội - cho biết thị trường lao động ngoài nước mong muốn tiếp nhận lao động có tay nghề. Nếu có tay nghề, người Việt Nam sẽ có điều kiện lao động tốt hơn, nhận lương cao hơn, ưu thế của họ được nâng lên rất nhiều. Hiện tại, 40% lao động nước ta ở nước ngoài đã qua đào tạo.

Bách Linh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-dinh-kien-khien-nguoi-tre-bo-lo-co-hoi-hoc-truong-nghe-post1013179.html