Những đóa hoa vô thường

Tại Festival nghề truyền thống Huế năm 2019, nhiều du khách đã dừng chân chiêm ngưỡng và bày tỏ hài lòng về Không gian hoa làng nghề 2019.

Và giữa muôn hồng nghìn tía ấy, những bông hoa giấy Thanh Tiên, tác phẩm của những nghệ nhân “rặt Huế” là một điểm nhấn không thể bỏ qua.

Theo GS triết học Thái Kim Lan, một người Huế gốc, nghề làm hoa giấy xuất phát từ làng Tiên Nộn gần đó (xã Phú Mậu, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), còn trước cả Thanh Tiên. Sau, các cô gái làng Tiên Nộn đi lấy chồng mang theo nghề làm hoa giấy về Thanh Tiên. Dần dà, nghề hoa giấy ở Thanh Tiên còn phát triển hơn cả Tiên Nộn.

Làng Thanh Tiên nằm ở bờ Nam, hạ lưu sông Hương, gần ngã ba Sình. Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Hoa giấy được tôn trí ở những nơi thờ cúng, hàng năm được thay thế một lần vào trước Tết nguyên Đán. Hoa cũ được hạ xuống và đốt đi. Bởi vậy nên những tháng trước Tết, quang cảnh ở Thanh Tiên tấp nập lạ thường.

Từ xứ Huế, hoa giấy Thanh Tiên đã có mặt ở một số tỉnh lân cận cũng như những nơi có người Huế cư ngụ. Các loại hoa đều được làm bằng những nguyên vật liệu dễ kiếm, không hề đắt tiền như cây lùng, cây tre, giấy màu (nhuộm bằng những cây trái tự nhiên). Chợ Tết ở Thanh Tiên không thể thiếu các loại hoa giấy, tươi rờ rỡ, tô điểm thêm cho mùa xuân xứ Huế vốn rả rích mưa phùn. Có phải vì tiết mưa thường ảm đạm nên người Huế u nhã vẫn ưa trưng bày những bông hoa sặc sỡ ấy không?

Dù có rất nhiều loại hoa như bìm bìm, loa kèn), cúc đơn, cúc kép, tường vi, hoa quỳ nhưng dường như hoa sen giấy ở Thanh Tiên là loại tinh xảo nhất và cũng được ưa chuộng hơn cả. Một bó sen gồm cả hoa, lá, nụ, người không tinh mắt đứng cách xa vài mét cứ ngỡ là hoa thật. Hoa sen giấy Thanh Tiên đã theo chân nhiều vị khách du lịch đến khắp các châu lục trên thế giới, được cách tân làm biểu tượng trong các lễ hội lớn như Festival Huế, Festival nghề truyền thống, Lễ hội sóng nước Tam Giang, lễ hội áo dài Minh Hạnh và nhất là được trưng bày ở Đại Nội – Huế.

Nhưng hoa sen, dường như, lại là một sáng tạo mới sau này. Các bậc cao niên ở Thanh Tiên nói, trong số các loại hoa cổ truyền xa xưa, người làng không làm hoa sen. Nghệ nhân – họa sĩ Thân Văn Huy sinh ra, lớn lên tại làng Thanh Tiên cho biết, phải đến những năm 2000 trở lại đây, hoa sen mới “lên ngôi”. Ông Huy say mê tìm tòi, áp dụng các kỹ thuật dập chỉ độc đáo của làng nghề, kết hợp với kỹ thuật làm tranh lụa, tranh thủy mặc để nhuộm giấy với sắc độ đậm nhạt, loang màu… nên hoa sen của ông nom rất tự nhiên. Có người hỏi hoa sen chỉ có màu hồng và màu trắng, tại sao sen giấy của ông Huy lại có nhiều màu sắc khác nhau, ông cười bảo: "Theo bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa của Phật giáo, mỗi đóa hoa sen tượng trưng cho một vị Phật. Tôi cũng lấy ý tưởng đó mà làm nên những đóa sen giấy nhiều màu sắc”.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/nhung-doa-hoa-vo-thuong-104557.html