Những đối tượng bí ẩn ở trung tâm Ngân hà

Ở trung tâm Dải Ngân hà có cái gì đó rất kỳ lạ. Các nhà thiên văn học phát hiện 6 đối tượng quay xung quanh lỗ đen Sagittarius A*. Những đối tượng này không giống với bất kỳ vật thể nào trong thiên hà của chúng ta. Chúng đặc biệt đến nỗi người ta xếp chúng vào nhóm đối tượng hoàn toàn mới – nhóm các đối tượng G.

Các đối tượng G giống những đám mây khí, nhưng hành xử như các ngôi sao

Các đối tượng G giống những đám mây khí, nhưng hành xử như các ngôi sao

Hai thập niên trước, hai đối tượng nguyên thủy (có tên là G1 và G2) lần đầu tiên thu hút sự chú ý của các nhà thiên văn học. Trong những năm sau đó, người ta lần lượt phát hiện quỹ đạo và bản chất kỳ lạ của chúng. Dường như, đây là những đám mây phân tử khổng lồ, với đường kính 100 đơn vị thiên văn, càng kéo dài khi càng đến gần lỗ đen.

Tuy nhiên G1 và G2 không hành xử như các đám mây phân tử.

“Các đối tượng này trông như những đám mây khí, thế nhưng hành xử như các ngôi sao. Chúng tôi không biết tại sao lại thế” – bà Andrea Ghez, nhà vật lý ở ĐH California (Los Angeles, Mỹ) cho biết như vậy.

Nhóm của bà Ghez nghiên cứu trung tâm Dải Ngân hà từ hơn 20 năm nay. Hiện giờ, trên cơ sở các dữ liệu thu thập được, một nhóm nghiên cứu khác đã phân tích 4 đối tượng tiếp theo: G3, G4, G5 và G6. Chúng di chuyển trên các quỹ đạo khác với quỹ đạo của G1 và G2. Tất các các đối tượng G có chu kỳ quỹ đạo từ 170 đến 1.600 năm.

“Vào thời điểm đến gần lỗ đen nhất, đối tượng G2 thể hiện tính chất rất kỳ lạ. Trước đó, chúng tôi đã nhìn thấy thế, tuy nhiên điều đó không quá lạ kỳ, cho đến khi đối tượng đến gần lỗ đen. Khi đó, đối tượng không dài ra, còn một phần vật chất của nó bị xé nát”, bà Ghez cho biết.

Trước đó, các nhà thiên văn học cho rằng G2 là đám mây hidro, bị lỗ đen Sagittarius A* xé nát thành từng mảnh, tạo thành “pháo hoa” xung quanh lỗ đen. Tuy nhiên trong thực tế không có điều đó. Các nhà thiên văn học cho rằng, câu trả lời liên quan đến bản chất các đối tượng G nằm trong các hệ thống kép khổng lồ.

Trong phần lớn thời gian, các đối tượng này tồn tại không phụ thuộc vào nhau, tuy nhiên đôi lúc, ở gần các lỗ đen, chúng có thể va chạm và tạo thành một ngôi sao lớn. Khi điều đó xảy ra, các đối tượng tạo ra đám mây bụi và khí khổng lồ, bao quanh ngôi sao mới xuất hiện trong thời gian khoảng 1 triệu năm.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, phải có một thứ gì đó níu giữ G2 và giúp nó tồn tại qua cuộc chạm trán với lỗ đen. Đó là chứng cớ về sự tồn tại đối tượng sao trong G2.

Vậy điều gì xảy ra với 5 đối tượng G còn lại? Chúng cũng có thể là những hệ thống sao kép. Phần lớn các ngôi sao ở trung tâm thiên hà rất là lớn và tạo ra các hệ thống kép. Các lực hấp dẫn cực mạnh xung quanh lỗ đen Sagittarius A* có thể làm mất ổn định các quỹ đạo kép.

“Sự hợp nhất các sao có thể xảy ra trong vũ trụ nhiều hơn so với chúng ta vẫn nghĩ. Các lỗ đen có thể đẩy nhanh các quá trình này. Có thể, nhiều ngôi sao chính là sản phẩm cuối cùng của quá trình hợp nhất”, bà Andrea Ghez nói.

Dường như các đối tượng G có nhiều điểm giống nhau, bất luận chúng thật sự là cái gì.

Theo Nauka

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/nhung-doi-tuong-bi-an-o-trung-tam-ngan-ha-4059818-b.html