Những đối tượng nào cần thận trọng khi dùng dầu gió?

Dầu gió là một sản phẩm quen thuộc trong tủ thuốc của mỗi gia đình. Tuy nhiên, nếu sử dụng dầu gió không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho người dùng. Vậy cần lưu ý gì trước khi dùng và những đối tượng nào cần cẩn trọng khi sử dụng dầu gió?

NỘI DUNG:

1. Dầu gió có tác dụng gì?
2. Dùng dầu gió nhiều có tốt không?
3. Những đối tượng không được dùng dầu gió
4. Lưu ý khi sử dụng dầu gió

1. Dầu gió có tác dụng gì?

Dầu gió thường có thành phần là hỗn hợp nhiều tinh dầu bao gồm long não, bạc hà, khuynh diệp, quế, tràm…

Dầu gió có tác dụng làm đổ mồ hôi, giảm đau, giảm ho, thông mũi, sát trùng, được sử dụng hiệu quả cho các trường hợp bệnh như:

Cảm lạnh, cảm cúm;
Nhức đầu, sổ mũi;
Đau khớp, đau cơ bắp;
Đau bụng do lạnh, đầy hơi, khó tiêu;
Đau dây thần kinh;
Côn trùng đốt…

Sử dụng dầu gió không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho người dùng.

Sử dụng dầu gió không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho người dùng.

2. Dùng dầu gió nhiều có tốt không?

Lạm dụng dầu gió có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như:

Gây xung huyết da: Methyl salicylat là chất lỏng dễ thấm qua da, giúp giảm đau, chống viêm. Tuy nhiên, khi dùng nhiều methyl salicylat có thể làm rộp da, đặc biệt là rối loạn thân nhiệt khi xoa ở diện rộng, toàn thân.
Gây tổn thương hệ hô hấp: Dầu gió có tác dụng giúp thông mũi nhưng khi dùng quá liều với đặc tính kích ứng của tinh dầu sẽ gây rách vùng màng nhầy mũi, họng, gây tổn thương cho hệ hô hấp.
Gây ngộ độc: Thành phần dầu gió chứa eucalyptol và camphor, đặc biệt là camphor là chất độc đối với trẻ em nếu sử dụng không đúng, hấp thu nhiều vào cơ thể qua phần da trầy xước hay vô tình nuốt phải với lượng nhiều (khoảng 1g) gây tổn thương hệ hô hấp, thậm chí ngưng thở.

3. Những đối tượng không được dùng dầu gió

DS. Lương Ngọc Chi (hiện đang sinh sống và làm việc tại Pháp) cho biết, dùng quá nhiều dầu gió có thể gây tác dụng phụ không mong muốn, do một số loại tinh dầu trong thành phần (đặc biệt là long não) gây độc cho thần kinh. Chính vì vậy, dầu gió không được khuyên dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi và bệnh nhân bị động kinh. Đặc biệt, tuyệt đối không dùng dầu gió cho trẻ sơ sinh, nhất là không thoa lên mũi trẻ vì có thể gây ức chế hô hấp.

Bên cạnh đó, nhiều loại tinh dầu trong dầu gió có khả năng đi qua nhau thai và ảnh hưởng đến thai nhi, vì thế loại dầu này cũng chống chỉ định cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và không được khuyến khích trong hai kỳ tam cá nguyệt sau.

4. Lưu ý khi sử dụng dầu gió

Dưới đây là một vài lưu ý khi sử dụng dầu gió:

Dầu gió chỉ được dùng ngoài da, tuyệt đối không uống vì rất dễ ngộ độc.
Không thoa dầu vào niêm mạc, vùng mắt hoặc vết thương hở, vùng da trầy xước.
Không nên lạm dụng, dùng gió quá 4 lần/ngày, cũng không nên dùng thường xuyên mà nên ngừng ngay khi cơn đau chấm dứt.
Chỉ nên sử dụng lượng dầu vừa đủ và không bôi quá nhiều trên diện tích rộng.
Chỉ xông hơi bằng dầu gió khi cơ thể bị nhiễm lạnh.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-doi-tuong-nao-can-than-trong-khi-dung-dau-gio-169230215155223326.htm