Những đơn vị nào của Tổng công ty Đường sắt VN vừa giải thể, sáp nhập?

Một số đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt VN vừa được giải thể, sáp nhập theo phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc giai đoạn 2021-2025.

Xí nghiệp đầu máy Yên Viên vừa được sáp nhập nguyên trạng vào Xí nghiệp đầu máy Hà Nội - Ảnh minh họa

Xí nghiệp đầu máy Yên Viên vừa được sáp nhập nguyên trạng vào Xí nghiệp đầu máy Hà Nội - Ảnh minh họa

Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) mới đây đã ban hành các quyết định giải thể, chấm dứt hoạt động và sáp nhập một số đơn vị trực thuộc, nhằm tái cơ cấu các đơn vị trực thuộc theo phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, giải thể và về sáp nhập nguyên trạng Xí nghiệp đầu máy Yên Viên vào Xí nghiệp đầu máy Hà Nội; sáp nhập nguyên trạng Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 2 và Ban QLDA Đường sắt khu vực 3 vào Ban QLDA Đường sắt khu vực 1. Trong tháng cuối năm 2022, các đơn vị được giải thể, bị sáp nhập đã chấm dứt hoạt động và đơn vị tiếp nhận sáp nhập hoạt động theo mô hình mới.

VNR cũng cho biết, hiện đang tiếp tục triển khai các thủ tục, giải trình, đề xuất cơ chế để hợp nhất Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn thành một công ty. Đến nay, đã hoàn thành lựa chọn và ký hợp đồng với nhà thầu cung cấp dịch vụ và xây dựng phương án, thủ tục hợp nhất doanh nghiệp. Dự kiến trong quý I/2023, VNR sẽ báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Tài chính về các nội dung còn vướng mắc sau khi thẩm định sơ bộ giá trị của 2 công ty trên.

Được biết, việc tái cơ cấu các đơn vị trên được thực hiện theo chỉ đạo tại Văn bản số 303/TTG-ĐMDN ngày 7/4/2022 của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về chủ trương cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt VN. Công văn cũng nêu rõ, hợp nhất Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn thành 1 Công ty cổ phần vận tải đường sắt.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại các doanh nghiệp, đơn vị nêu trên bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, phát huy hiệu quả, tuyệt đối không để thất thoát vốn và tài sản của nhà nước; hoàn thiện Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2021-2025 bảo đảm phù hợp với Quyết định số 360/QĐ-TTG ngày 17/3/2022; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Liên quan đến Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt VN giai đoạn 2021 – 2025, VNR hiện đang bổ sung theo yêu cầu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và dự kiến trình dự thảo hoàn thiện trong quý I/2023.

Huy Lộc

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/nhung-don-vi-nao-cua-tong-cong-ty-duong-sat-vn-vua-giai-the-sap-nhap-183230111091249519.htm