Những đóng góp của Thượng tướng Song Hào với cách mạng Việt Nam

Thượng tướng Song Hào, tên khai sinh là Nguyễn Văn Khương, sinh ngày 20-8-1917 tại xã Hào Kiệt (nay là xã Liên Minh), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, là một thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, tích cực đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng chí từng trải qua các cương vị: Bí thư Trung ương Đảng, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Chủ tịch lâm thời Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động, đồng chí có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam.

1. Người chiến sĩ cách mạng kiên trung, chiến đấu quên mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân.

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo thuộc tỉnh Nam Định, năm 1936, khi mới 19 tuổi, đồng chí Song Hào đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng, được tổ chức giao phụ trách tổ chức Ái hữu thợ thêu, Thanh niên dân chủ tại quê hương. Tháng 4-1939, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành người đảng viên cộng sản kiên trung, người cán bộ mẫn cán của Đảng. Đầu năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam và kết án 7 năm tù, bị lưu đày qua các nhà tù: Nam Định, Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, Chợ Chu (Thái Nguyên). Trong những năm tháng bị giam cầm trong các nhà tù của thực dân Pháp, đồng chí luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, dù bị đọa đày, tra tấn bằng nhiều cực hình dã man, nhưng quyết một lòng một dạ kiên trung với Đảng, không khai báo với kẻ thù về bản thân cũng như tổ chức của Đảng; tích cực tham gia các tổ chức hoạt động bí mật của Đảng, tuyên truyền, vận động binh lính địch và giáo dục, tổ chức cho anh em tranh đấu đòi thực dân Pháp tôn trọng và bảo đảm quyền sống, quyền dân sinh, dân chủ cho tù nhân. Năm 1943, đồng chí được tổ chức chỉ định làm Bí thư Chi bộ nhà tù Chợ Chu. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ nhà tù, đồng chí cùng anh em tù nhân đoàn kết, sát cánh cùng nhau đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ và bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù và tích cực tổ chức cho anh em vượt ngục, trở về với cách mạng.

Thượng tướng Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (thứ hai, từ phải sang) trao cờ tặng đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân, năm 1976. Ảnh tư liệu.

Được sự chỉ đạo và giúp đỡ của tổ chức, tháng 10-1944, đồng chí cùng 11 đồng chí tổ chức vượt ngục thành công, trở về hoạt động ở Tuyên Quang, Thái Nguyên. Tháng 12-1944, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ. Trên cương vị được giao, đồng chí đã cùng tập thể Phân khu ủy bàn bạc, quyết nghị nhiều chủ trương đúng đắn, thiết thực để lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đứng lên tranh đấu, duy trì và phát triển phong trào cách mạng ngày càng rộng khắp trong phân khu, chủ động xây dựng lực lượng, đón đợi thời cơ chín muồi vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Tháng 8-1945, đồng chí được cử làm đại biểu đi dự Đại hội Quốc dân tại Tân Trào, nhưng đồng chí không kịp dự, mà trực tiếp phụ trách các lực lượng cách mạng giành chính quyền tại hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Cuối năm 1945, đồng chí được cử làm Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách liên tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Đến tháng 7-1947, đồng chí giữ trọng trách là Chính trị Ủy viên Khu 10. Sau khi Khu 10 và Khu 14 được sáp nhập thành Liên khu 10 (tháng 1-1948), đồng chí Song Hào tiếp tục được bổ nhiệm làm Chính trị Ủy viên Liên khu 10.

Những năm trực tiếp hoạt động trong quân đội, đồng chí đã trải qua nhiều cương vị, trọng trách. Trên bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng luôn tỏ rõ là người cán bộ, đảng viên mẫu mực của Đảng, có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, đặc biệt là xây dựng quân đội về chính trị và giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (1960), lần thứ IV (1976) và lần thứ V (1982) của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử giữ chức Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương (khóa III) và được Ban Chấp hành Trung ương cử vào Ban Bí thư (khóa IV), phân công làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương.

2. Người cán bộ lãnh đạo chính trị sắc sảo của Đảng, của nhân dân, có công lao to lớn trong lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền từ tay thực dân, phát xít và xây dựng chính quyền cách mạng trong những ngày tiền khởi nghĩa.

Đồng chí Song Hào là một cán bộ lão thành cách mạng, đã có nhiều công lao to lớn đóng góp vào quá trình xây dựng lực lượng cách mạng ở thời kỳ tiền khởi nghĩa; đồng thời rất tích cực tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân đi theo ngọn cờ cách mạng của Đảng, khi thời cơ đến, cùng đồng loạt đứng lên giành chính quyền.

Tháng 8-1945, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, cục diện thế giới có sự biến chuyển mau lẹ. Trước tình hình ấy, để chuẩn bị phát động toàn dân đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Hội nghị đại biểu toàn Đảng đã được tiến hành trọng thể ở Tân Trào. Tại đây, các đại biểu của Đảng từ Bắc-Trung-Nam đã sôi nổi thảo luận và quyết nghị nhiều chủ trương, chiến lược hết sức đúng đắn để lãnh đạo, chỉ đạo phát động toàn dân tộc đứng lên giành chính quyền. Đặc biệt, hội nghị đã thông qua nghị quyết “Tổng khởi nghĩa”, cử ra Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc... Đồng chí Song Hào khi đó là đại biểu được cử tham dự hội nghị. Ngay từ nửa đêm 15-8-1945, đồng chí đã quay trở về Tuyên Quang phụ trách cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang... Quán triệt và lĩnh hội tinh thần của hội nghị, đồng chí đã nhanh chóng trở về Phân khu Nguyễn Huệ cùng Phân khu ủy lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng chí được giao trực tiếp phụ trách các lực lượng cách mạng giành chính quyền tại hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Quá trình lãnh đạo nhân dân và LLVT đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, đồng chí có nhiều ý kiến sắc sảo trong nhận định, đánh giá, phân tích tình hình, đề ra những chủ trương đúng đắn, sáng tạo để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Đồng chí đã cùng Phân khu ủy đề ra phương châm đánh địch bằng cả quân sự, chính trị và binh vận; tùy tình hình, có lúc sẽ đẩy mạnh hoạt động về quân sự, có lúc địch vận, có lúc cả hai mặt cùng đi song song; đồng thời, huy động sức mạnh tổng hợp của các cơ sở nòng cốt của cách mạng trong khắp vùng đứng lên làm cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đến thành công.

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, đồng chí lần lượt được giao đảm trách trên các cương vị: Chính trị Ủy viên Khu 10, Chính trị Ủy viên Liên khu 10; Chính ủy Mặt trận Tây Bắc, Bí thư Ban Cán sự Lào Bắc; Chính ủy Đại đoàn 308, Bí thư Đại đoàn ủy; Ủy viên Tổng Quân ủy, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương; Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội; Chủ tịch lâm thời Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Trên bất kỳ cương vị, trọng trách nào, đồng chí cũng luôn tỏ rõ là người cán bộ lãnh đạo chính trị sắc sảo của Đảng, của quân đội và của nhân dân.

3. Người cán bộ mẫu mực, có nhiều công lao, đóng góp trong sự nghiệp xây dựng chính quyền nhà nước.

Năm 1939, đồng chí Song Hào gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương; được cử đảm nhiệm cương vị Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội. Ở cương vị này, đồng chí đã tích cực tham gia hoạt động, hăng hái tuyên truyền vận động anh em thợ thuyền đi theo Đảng, đứng lên tranh đấu với bọn thực dân, đế quốc đòi tự do, độc lập cho dân tộc, đòi cải thiện đời sống, quyền dân sinh, dân chủ cho anh em công nhân. Đồng chí luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được tổ chức phân công, có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của Liên đoàn Lao động Hà Nội.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới được thành lập thì đã phải đối mặt với tình thế hiểm nghèo "thù trong, giặc ngoài". Ở miền Bắc, quân Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa thay mặt quân Đồng minh vào tước vũ khí quân đội Nhật; ở miền Nam, thực dân Pháp dàn xếp với đế quốc Anh hòng xâm lược nước ta một lần nữa. Trong bối cảnh đó, đồng chí Song Hào được Xứ ủy cử về vùng Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên để tiếp tục hoạt động, chiến đấu, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Trên cương vị Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Chính trị Ủy viên Khu 10 rồi Chính trị Ủy viên Liên khu 10, đồng chí đã cùng tập thể cấp ủy bàn bạc, quyết nghị nhiều chủ trương đúng đắn để xây dựng LLVT, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ. Đồng chí luôn thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của V.I.Lênin: Giành chính quyền đã khó, giữ vững chính quyền và xây dựng củng cố chính quyền còn khó hơn. Trên tinh thần đó, đồng chí đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân và LLVT Liên khu 10 dũng cảm chiến đấu chống quân xâm lược Pháp và tiễu trừ bọn thổ phỉ, Việt gian bán nước, đập tan mọi âm mưu, hành động chống phá chính quyền cách mạng, giữ vững thành quả cách mạng và khẩn trương chuẩn bị lực lượng sẵn sàng cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).

Từ tháng 4-1982 đến tháng 2-1987, đồng chí được Đảng, Nhà nước tin tưởng cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). Trên cương vị mới, đồng chí đã trực tiếp tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác thương binh, xã hội, nhất là chính sách đối với người có công và thương binh, gia đình liệt sĩ; đồng thời trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển Bộ Thương binh và Xã hội, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực chính sách, xã hội.

Sau một thời gian được Bộ Chính trị giao chuẩn bị thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam, từ tháng 2-1990 đến tháng 12-1992, đồng chí được Ban Bí thư quyết định làm Chủ tịch lâm thời Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Đây là tổ chức chính trị-xã hội mới ra đời trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, nhưng có vị trí, vai trò quan trọng trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trên cương vị Chủ tịch lâm thời hội, đồng chí đã có nhiều đóng góp, nhất là trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ của hội, tạo dựng hành lang pháp lý, cơ chế quản lý, điều hành, phương thức hoạt động của hội, tạo tiền đề, cơ sở cho xây dựng và phát triển Hội Cựu chiến binh như ngày nay.

4. Vị tướng tài ba, nhà quân sự thao lược, người hết lòng yêu thương, chăm lo cho bộ đội, nhân dân.

Đồng chí Song Hào là vị tướng trưởng thành từ cơ sở. Xuyên suốt những năm đấu tranh giành chính quyền và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, trên bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng luôn thể hiện rõ là một cán bộ lãnh đạo, chỉ huy năng nổ, đầy tài năng, có tư duy quân sự tài ba của quân đội. Ngay từ khi được giao chỉ huy các lực lượng cách mạng đấu tranh giành chính quyền ở hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, đồng chí đã thể hiện rõ khả năng thiên bẩm của người chỉ huy quân sự. Trên các cương vị: Chính trị Ủy viên Khu 10, Liên khu 10, rồi Chính ủy Mặt trận Tây Bắc, đồng chí đã trực tiếp tham gia chỉ huy các chiến dịch: Nghĩa Lộ, Yên Bình Xã 1, Yên Bình Xã 2, Lê Hồng Phong 1.

Khi được giao trọng trách làm Chính ủy Đại đoàn 308, đồng chí tiếp tục thể hiện rõ vừa là người lãnh đạo chính trị sắc sảo, đồng thời là nhà quân sự thao lược tài ba. Đồng chí đã lãnh đạo, tham gia chỉ huy Đại đoàn Quân Tiên Phong tham gia các chiến dịch: Tây Bắc, Thượng Lào, Hòa Bình, Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí trực tiếp tham gia lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Trị-Thiên. Suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy quân-dân chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí luôn thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, tham gia nhiều ý kiến với Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng trong xây dựng, phát triển nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân và phát huy sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân. Xây dựng và phát triển LLVT nhân dân, tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng đất nước. Đồng chí không chỉ giỏi về lãnh đạo chính trị, mà còn mạnh về chỉ huy tác chiến. Trong nhiều chiến dịch cũng như các trận chiến đấu cụ thể, đồng chí đã đóng góp nhiều ý kiến, đưa ra nhiều quyết định sáng suốt, táo bạo để chỉ huy đơn vị lập nên nhiều chiến công, góp phần đưa hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Với tài năng, đức độ và công lao to lớn đóng góp cho Đảng, Nhà nước và quân đội, năm 1959, đồng chí vinh dự được Chủ tịch nước phong quân hàm Trung tướng; năm 1974, đồng chí được Chủ tịch nước thăng quân hàm Thượng tướng và được giao đảm đương nhiều trọng trách ở cấp chiến lược.

Là một vị tướng tài ba, thao lược, đồng chí Song Hào đồng thời là một vị tướng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, vì đồng chí, đồng đội; giàu lòng nhân ái, yêu thương con người; luôn quan tâm, chăm lo cho bộ đội từ bữa cơm, manh áo. Đồng chí vinh dự được Bác Hồ gọi vui là "Tướng rau muống". Trong hồi ký của mình, chính đồng chí đã kể lại nhiều mẩu chuyện xúc động về tình đồng chí, đồng đội, về sự yêu thương, chăm sóc đối với cán bộ, chiến sĩ. Đồng chí thật sự là tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ phấn đấu noi theo, là động lực tinh thần cổ vũ, động viên đồng chí, đồng đội yên tâm dũng cảm chiến đấu, lao động, sản xuất, lập nhiều chiến công hiển hách.

5. Người cán bộ chính trị, người chính ủy, chính trị ủy viên xuất sắc, có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng QĐND Việt Nam về chính trị và chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam.

Đồng chí Song Hào là một trong những vị tướng quân sự tài ba, nhà lãnh đạo chính trị sắc sảo. Những phẩm chất, tài năng quân sự, chính trị của đồng chí được hình thành ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, trong quá trình tham gia lãnh đạo, chỉ huy LLVT và toàn dân đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền và tiếp tục được hun đúc, phát triển trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược. Tài năng lãnh đạo chính trị là điểm nổi trội trong con người đồng chí Song Hào. Nhờ có tài năng lãnh đạo chính trị và vận động quần chúng, đồng chí đã trở thành người đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh giành chính quyền thắng lợi tại tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang. Đồng chí có những đóng góp rất quan trọng cho sự nghiệp xây dựng quân đội về chính trị, về giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đồng chí là hình mẫu tiêu biểu của người cán bộ chính trị, người chính ủy, chính trị viên mẫu mực, là tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ chính trị trong quân đội học tập và noi theo.

Cả cuộc đời, đặc biệt là trong gần 22 năm trên cương vị Phó chủ nhiệm và Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, đồng chí Song Hào đã có nhiều công lao đóng góp trong xây dựng cơ quan Tổng cục Chính trị và chỉ đạo hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong toàn quân. Đặc biệt, đồng chí đã có nhiều công lao đóng góp cho xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh. Theo đồng chí: LLVT muốn hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình là công cụ bạo lực của giai cấp công nhân thì “trước hết Đảng bộ của Đảng trong LLVT phải luôn được xây dựng và củng cố vững mạnh”(1). Đó là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và của Đảng bộ Quân đội trong xây dựng LLVT nhân dân. Đồng chí chỉ rõ: Đảng phải nắm quyền lãnh đạo "tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện" LLVT; muốn vậy phải xây dựng một Đảng bộ vững mạnh trong LLVT; phương hướng xây dựng Đảng trong quân đội lúc này là phải xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, làm cho Đảng bộ Quân đội có lập trường giai cấp công nhân kiên định, ý chí đấu tranh giai cấp triệt để, ý thức tổ chức kỷ luật cao, luôn đoàn kết chặt chẽ, trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, làm cho tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đội ngũ đảng viên có chất lượng cao; có trình độ lãnh đạo toàn diện, vững chắc và nhạy bén về chính trị... Đồng thời, phải quán triệt và thực hiện tốt những nguyên lý, nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân vào xây dựng Đảng bộ Quân đội.

Đồng chí cũng là người có nhiều đóng góp trong đổi mới và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và phát triển chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội qua các thời kỳ. Bản thân đồng chí từng trải qua các cương vị Chính trị ủy viên khu và liên khu, Chính ủy đại đoàn và trực tiếp tham gia vận hành 3 cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội (từ năm 1944 đến 1982): 1) Cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội thông qua hệ thống tổ chức Đảng dọc và ngang; dọc là chính, ngang là để giải quyết vấn đề với địa phương và trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ủy các cấp, ở các đơn vị thực hiện chế độ song quyền người chỉ huy và chính trị viên (1944-1948); 2) Cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội thông qua hệ thống chính trị ủy viên, gọi tắt là cơ chế chính ủy tối hậu quyết định (1948-1952); 3) Cơ chế tập thể Đảng ủy lãnh đạo, thủ trưởng quân chính phân công tổ chức thực hiện theo chức trách (1952-1982).

Trên các cương vị chính trị ủy viên, chính ủy các cấp, đồng chí đã trực tiếp tham gia vận hành các cơ chế, tiến hành sơ-tổng kết, rút kinh nghiệm và kiến nghị với cấp trên để không ngừng đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội qua các thời kỳ. Đặc biệt, đồng chí có rất nhiều đóng góp cho việc thiết lập và vận hành, không ngừng tăng cường hiệu lực, hiệu quả CTĐ, CTCT trong quân đội. Những sáng kiến và công lao nổi bật của đồng chí trong thời kỳ công tác tại Tổng cục Chính trị là chỉ đạo, triển khai biên soạn điều lệnh, điều lệ, quy định về tổ chức, biên chế của quân đội, nhất là kiện toàn biên chế tổ chức, xác định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chính trị và chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ chính trị các cấp; yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ CTĐ, CTCT trong quân đội; điều lệ, quy chế, quy định, tài liệu về CTĐ, CTCT, công tác tư tưởng, công tác tổ chức. Đặc biệt, đồng chí có những đóng góp quan trọng vào kiện toàn chế độ tập thể cấp ủy lãnh đạo, thủ trưởng quân sự và thủ trưởng chính trị phân công tổ chức thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ (1952-1982).

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Song Hào, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác tổ chức, công tác cán bộ, công tác dân vận, công tác địch vận, công tác bảo vệ an ninh nội bộ... trong quân đội từng bước đi vào nền nếp và phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị tư tưởng, tổ chức. Đồng chí đã có nhiều công trình, bài viết về xây dựng Đảng trong quân đội, về CTĐ, CTCT trong quân đội, tiêu biểu như: "Sự lãnh đạo của Đảng-nguồn gốc trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta"; "Về nhiệm vụ công tác chính trị trong Quân đội nhân dân"; "Đào tạo, bồi dưỡng những người cán bộ của LLVT cách mạng"; "Rèn luyện đạo đức cộng sản chủ nghĩa, phát huy truyền thống vẻ vang của quân đội cách mạng"; "Kỷ luật của Quân đội nhân dân ta"; "Chiến tranh nhân dân và xây dựng LLVT địa phương"; "Xây dựng và củng cố đơn vị cơ sở vững mạnh, nâng cao chất lượng quân đội đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"; "Rèn luyện bản lĩnh người chỉ huy"; "Phấn đấu trở thành đoàn viên thanh niên ưu tú"; "Hồi ký và tác phẩm"... Trong các tác phẩm, bài viết của mình, đồng chí Song Hào đã để lại cho chúng ta nhiều quan điểm lý luận và những kinh nghiệm, chỉ dẫn cụ thể, thiết thực về nhiều mặt, đặc biệt là về công tác xây dựng Đảng bộ Quân đội, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị và CTĐ, CTCT trong QĐND Việt Nam.

Cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Song Hào với Đảng, Nhà nước và quân đội đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là tài sản tinh thần quý giá đối với cách mạng Việt Nam, với Đảng Cộng sản Việt Nam, với QĐND Việt Nam và làm phong phú cơ sở lý luận, thực tiễn công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng QĐND Việt Nam "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại" trong tình hình mới.

Thượng tướng LƯƠNG CƯỜNG (Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)

---------------------

(1) Thượng tướng Song Hào, Xây dựng Đảng trong LLVT nhân dân, Nxb QĐND, Hà Nội, 1968, tr. 5.

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-dong-gop-cua-thuong-tuong-song-hao-voi-cach-mang-viet-nam-515521