Những đột phá trong công tác cải cách hành chính của Hà Nội

Thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp lớn từ việc chuyển đổi số, phân cấp, ủy quyền, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, Hà Nội đang thể hiện rõ quyết tâm tạo bước đột phá trong cải cách hành chính (CCHC), phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư. Thực tế, chỉ số PCI, PAPI, PAR của Hà Nội luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.

Tăng cường chuyển đổi số

UBND TP Hà Nội đã triển khai thực hiện chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm CCHC, hiện đại hóa, xây dựng một chính quyền hiệu lực, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đó, Hệ thống thông tin báo cáo triển khai kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ tại Văn phòng UBND TP Hà Nội; các ban, sở, ngành; UBND quận, huyện, thị xã; các đơn vị trực thuộc và 579 xã, phường, thị trấn. Cùng với đó là Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành tập trung đi vào hoạt động sẽ hình thành cơ sở dữ liệu hành chính, phục vụ chỉ đạo, điều hành của UBND và Chủ tịch UBND Thành phố đến các cấp, các ngành trực thuộc, kết nối trục liên thông văn bản Quốc gia.

Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình chia sẻ, quận đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chuyển đổi số, số hóa trước tiên ở các lĩnh vực liên quan trực tiếp người dân như: Hộ tịch - tư pháp, đất đai, lao động - thương binh và xã hội, đô thị, di tích; y tế, thanh toán không dùng tiền mặt...

“Cùng với đó, quận đã triển khai số hóa các văn bản của quận, thành phố để phục vụ hoạt động điều hành nội bộ liên thông từ quận tới phường. Trong quá trình triển khai, quận đã chỉ đạo các bộ phận liên quan tạo thuận lợi cho người dân. Người dân được tham gia vào quá trình thực thi và phản biện chính sách; từ đó, tăng cường tính công khai, minh bạch”, ông Tạ Nam Chiến nhấn mạnh.

Còn tại quận Long Biên, công tác CCHC luôn được triển khai bài bản gắn thực hiện kỷ cương hành chính, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Ông Nguyễn Mạnh Hà Chủ tịch UBND quận Long Biên chia sẻ, cơ chế một cửa, một cửa liên thông và cung cấp dịch vụ công mức độ 3,4 được quận duy quận trì và thực hiện tốt. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính đúng hạn năm 2022 vừa qua đạt 100%. Chỉ số CCHC đứng thứ 3/30 quận, huyện; Chỉ số SIPAS đạt trên 97,74% tăng 12,74% so với kế hoạch, xếp thứ 3/13 quận, thị xã; xếp thứ 7/30 quận, huyện.

 Thời gian qua Hà Nội đã có nhiều đột phá trong công tác cải cách hành chính. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân).

Thời gian qua Hà Nội đã có nhiều đột phá trong công tác cải cách hành chính. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân).

Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, các thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện sẽ tối ưu hóa, giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Các rào cản về giấy tờ, không gian, thời gian trong thực hiện TTHC cũng sẽ dần được xóa bỏ. Mọi thông tin từ quy định về thủ tục, tiến độ giải quyết, xử lý thủ tục hành chính đều được công khai, minh bạch. “Đây cũng sẽ là một công cụ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình quản lý nhà nước”, ông Trương Việt Dũng nhấn mạnh.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để CCHC

Xuất phát từ thực tế công tác CCHC chưa đạt yêu cầu, quy trình giải quyết TTHC còn cản trở việc phát huy các nguồn lực đầu tư phát triển nên lãnh đạo TP Hà Nội chủ trương phải làm bằng được phân cấp, ủy quyền.

Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền, với quan điểm, nguyên tắc xây dựng phân cấp, ủy quyền theo đề xuất từ dưới lên và từ trên xuống; phân cấp, ủy quyền triệt để cho cấp huyện, cấp xã.

Thành phố tiếp tục điều chỉnh bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện đối với 9 lĩnh vực liên quan đến các vấn đề dân sinh, với ít nhất 210 nhiệm vụ chính được phân cấp. Cùng với đó, Thành phố phân cấp, ủy quyền đối với 708/1.910 TTHC, đạt tỷ lệ khoảng 37%.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, việc phân cấp, ủy quyền bước đầu mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC; giúp các chính sách, quy định của pháp luật được thực hiện nhanh chóng, chính xác; rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp; đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, qua đó, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.

Ghi nhận thực tế trên địa bàn huyện Gia Lâm, đến nay có tổng số 404 TTHC, trong đó, có 245 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện và 110 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của xã, thị trấn, 49 TTHC liên thông. Huyện đã thực hiện đơn giản hóa 58 TTHC cấp huyện, cắt giảm 212 ngày làm việc. Tại cấp xã, căn cứ vào tình hình thực tế tiến hành đơn giản hóa trung bình 20 TTHC/đơn vị, trong đó, chủ yếu là rút ngắn thời gian giải quyết TTHC đối với cá nhân, tổ chức.

Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, tới đây, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về công tác CCHC, tăng cường các hình thức tuyên truyền trực quan, tương tác với người dân về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết TTHC, về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cũng như việc phân cấp ủy quyền trong việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND quận Hoàng Mai.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ

Năm 2023 được Thành phố xác định là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” gắn với đẩy mạnh CCHC, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Vì vậy, công tác CCHC của các địa phương, đơn vị sẽ được đoàn kiểm tra của Thành phố kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, kết quả kiểm tra CCHC là căn cứ quan trọng để xác định chỉ số CCHC của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã.

Theo Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng, vừa qua UBND Thành phố cũng đã thành lập và thúc đẩy hoạt động Tổ công tác kiểm tra, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND Thành phố và Chủ tịch UBND Thành phố thông qua nền tảng Hệ thống quản lý, theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ. Qua đó, Thành phố khẳng định quyết tâm siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, bảo đảm hoàn thành hiệu quả chương trình công tác năm 2023.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, có 18 nhiệm vụ UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố đã giao các đơn vị xử lý, trong đó 4 nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng chưa cập nhật trên hệ thống; 14 nhiệm vụ chưa hoàn thành và quá hạn.

“Để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ đúng tiến độ và hiệu quả, Tổ công tác đã đề nghị các sở, UBND các địa phương khẩn trương kiểm tra, làm rõ lý do chậm muộn, tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố”, đồng chí Trương Việt Dũng cho biết.

Bài, ảnh: LINH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nhung-dot-pha-trong-cong-tac-cai-cach-hanh-chinh-cua-ha-noi-721839