Những dự án FDI vốn 'khủng' ở Đồng Nai

Đến cuối năm 2023, Đồng Nai thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được hơn 34 tỷ USD. Trong đó có 10 dự án FDI vốn 'khủng' đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Đức. Các dự án FDI trên có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và phát triển công nghiệp của tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp FDI trong năm 2023. Ảnh: Ngọc Liên

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, có 3 tập đoàn đang dẫn đầu các dự án FDI đầu tư vào tỉnh gồm: Tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc với hơn 2,2 tỷ USD; Tập đoàn Formosa đến từ Đài Loan với gần 1,64 tỷ USD và Tập đoàn SMC của Nhật Bản với gần 670 triệu USD.

Công nghiệp hỗ trợ trở thành ngành “hot” ở Đồng Nai

Trong 10 dự án FDI có vốn đầu tư vào tỉnh lớn nhất, có đến 7 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành: dệt may, sản xuất máy móc, ô tô, thiết bị. Sản phẩm của các tập đoàn trên hầu hết xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và là đầu vào quan trọng cho nhiều nhà máy của các nhãn hàng quốc tế.

Đơn cử, Tập đoàn Hyosung đang đầu tư 4 dự án tại Đồng Nai là Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai, Nhà máy sản xuất Nylon - VN2 và Nhà máy sản xuất Motor tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (H.Nhơn Trạch). Các dự án đa số sản xuất sợi vải mành và các loại sợi khác cho nhiều ngành hàng. Đồng thời, sản lượng sợi của Hyosung sản xuất tại Đồng Nai đang chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường thế giới. Năm 2007, Tập đoàn Hyosung đầu tư vào Đồng Nai dự án đầu tiên với tổng vốn hơn 1 tỷ USD. Đến năm 2015, Hyosung đã đầu tư thêm dự án thứ 2 với tổng vốn 660 triệu USD và sau đó thêm 2 dự án mới. Sau đó, Hyosung tiếp tục bổ sung thêm vốn ở Đồng Nai để mở rộng các nhà máy nhằm tăng công suất, đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG, Đồng Nai là nơi thu hút được nhiều tập đoàn FDI lớn trên thế giới đầu tư vào. Các tập đoàn đầu tư vào tỉnh đa số phát triển tốt và sau vài năm đều tăng vốn mở rộng sản xuất như: Hyosung, Nestlé, Bosch… Các tập đoàn FDI lớn đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại và góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp liên kết trong nước chuyển đổi sang sản xuất xanh.

Theo ông Yoo Sun Hyung, Giám đốc điều hành Hyosung Việt Nam, hiện Hyosung đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 3,5 tỷ USD, riêng Đồng Nai hơn 2,2 tỷ USD. Thời gian qua, Hyosung liên tục tăng vốn, mở rộng sản xuất ở Đồng Nai. Hoạt động của doanh nghiệp tại Đồng Nai khá thuận lợi, Hyosung cũng có nhiều đóng góp cho tỉnh trên lĩnh vực xuất - nhập khẩu, thu ngân sách, công tác xã hội.

Năm 2001, Tập đoàn Formosa đã đầu tư vào Khu công nghiệp Nhơn Trạch III (H.Nhơn Trạch) thông qua Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa. Lĩnh vực Tập đoàn này đầu tư là sản xuất các loại sợi nhân tạo, hạt polyester, dệt, nhuộm, chế biến sợi. Sản phẩm đa số xuất khẩu qua hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ. Hơn 20 năm đầu tư vào tỉnh, Formosa đã có nhiều lần tăng vốn để tăng sản lượng sợi phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Sau gần 10 năm thành lập và hoạt động tại Đồng Nai, Tập đoàn SMC đã không ngừng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và đăng ký tăng vốn. Lĩnh vực SMC đầu tư là sản xuất các thiết bị điều khiển tự động như: các loại xi lanh, van, cụm van, đế van…

Trưởng phòng Kế hoạch sản xuất cao cấp Công ty TNHH SCM Manufacturing Việt Nam (ở Khu công nghiệp Long Đức, H.Long Thành) Vũ Hải Bình cho biết: “Vào đầu tháng 10-2023, công ty đã đăng ký tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư vào Đồng Nai lên đến gần 670 triệu USD. Hiện công ty thuê thêm đất trong khu công nghiệp để xây dựng các nhà máy mới, dự kiến năm 2024 sẽ đi vào hoạt động”.

Cũng theo ông Bình, tuy tình hình kinh tế thế giới suy thoái, song SMC vẫn có đầu ra khá ổn định, bởi doanh nghiệp luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ để có sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Công ty TNHH Bosch Việt Nam kỷ niệm 15 năm thành lập nhà máy tại Khu công nghiệp Long Thành (H.Long Thành)

Tương tự, Tập đoàn Lixil (Nhật Bản) đầu tư nhà máy ở Khu công nghiệp Long Đức sản xuất các sản phẩm từ nhôm; Tập đoàn Bosch (Đức) có nhà máy ở Khu công nghiệp Long Thành (H.Long Thành) sản xuất linh kiện phụ tùng cho ô tô cũng đã có nhiều lần tăng vốn vào Đồng Nai; Tập đoàn Hualon đầu tư nhà máy ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch) chuyên sản xuất các loại sợi, vải. Các tập đoàn trên đã góp phần đưa Đồng Nai trở thành trung tâm cung ứng, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ lớn của Việt Nam.

Hình thành chuỗi cung ứng xanh

Các “ông lớn” FDI đang dẫn đầu dòng vốn vào Đồng Nai đều rất quan tâm đến đầu tư công nghệ hiện đại để tham gia vào sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững. Đơn cử như: Tập đoàn Nestlé, Bosch, Lixil, SMC, Hyosung…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị (thứ 2 từ phải sang) và Giám đốc điều hành Tập đoàn Nestlé Mark Schneider (thứ 3 từ trái sang) tại lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Nestlé Việt Nam và Bộ NN-PTNT tổ chức tại Đồng Nai

Giám đốc Đối ngoại và truyền thông Công ty TNHH Nestlé Việt Nam Khuất Quang Hưng cho hay: “Nestlé đầu tư vào Việt Nam 4 nhà máy thì có 3 nhà máy đặt tại các khu công nghiệp ở TP.Biên Hòa. Các nhà máy đều tham gia vào chuyển đổi số để giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, sản xuất theo mô hình tuần hoàn góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều năm qua, Nestlé Việt Nam luôn được vinh danh là doanh nghiệp sản xuất bền vững”.

Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai NGUYỄN TRÍ PHƯƠNG cho biết, 10 dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhất vào tỉnh thuộc các Tập đoàn: Hyosung, Formosa, SMC, Bosch, Nestlé, Hualon, Lixil, Shing Mark và Chang Shin. Tổng vốn đầu tư của các tập đoàn trên vào Đồng Nai là gần 7,19 tỷ USD.

Hiện tổng vốn đầu tư của Nestlé vào Đồng Nai là hơn 500 triệu USD. Lĩnh vực sản xuất là chế biến các loại cà phê để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Năm 2007, Tập đoàn Bosch (Đức) đã đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện ô tô đầu tiên ở Việt Nam tại Khu công nghiệp Long Thành (H.Long Thành). Lúc đầu, nhà máy chỉ có 10 nhân viên, nhưng đến nay tăng lên hơn 1,8 ngàn người. Những năm qua, Tập đoàn Bosch không ngừng tăng vốn đầu tư vào Đồng Nai và số vốn lên đến hơn 530 triệu USD. Đây cũng là một trong những nhà máy đầu tiên của tỉnh được Bộ KH-CN công nhận ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đến nay, Nhà máy Bosch tại Đồng Nai đã sản xuất 50 triệu sản phẩm để xuất khẩu vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Mỹ. Ngoài sản xuất, Tập đoàn Bosch còn liên kết với một số trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công nghiệp.

Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam Domink Meichle, từ năm 2020, Tập đoàn Bosch với hơn 400 địa điểm trên toàn thế giới đã đạt trung hòa carbon. Tại Việt Nam, Nhà máy Bosch cũng đầu tư vào các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng không khí và đặt mục tiêu giảm 15% lượng khí thải ở thượng nguồn và hạ nguồn vào năm 2030. Với mức đầu tư khoảng 1 triệu USD, nhà máy đã vận hành hệ thống tái chế nước thải chiếm 65% tổng lượng nước tiêu thụ của nhà máy vào năm 2020.

Nhà máy Bosch ở Khu công nghiệp Long Thành (H.Long Thành) sản xuất linh kiện cho các loại xe ô tô trên thế giới

Hiện nay, người tiêu dùng, các quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm và đòi hỏi các nhà máy sản xuất phải theo mô hình tuần hoàn, giảm phát thải, những sản phẩm xanh sẽ được ưu tiên lựa chọn nhiều hơn. Vì thế, hầu hết các tập đoàn FDI đều đặt ra lộ trình giảm phát thải, sử dụng nguyên liệu tái chế, dùng năng lượng sạch và yêu cầu đối tác liên kết cung ứng sản phẩm đầu vào cho mình cũng phải thực hiện. Mục tiêu của những “ông lớn” FDI là xây dựng và hình thành chuỗi cung ứng xanh toàn cầu.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam cho biết, Lixil đã đầu tư vào Đồng Nai khoảng 441 triệu USD và là một trong 10 nhà đầu tư FDI lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, công ty liên tục có những đầu tư về công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Do đó, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang hàng chục quốc gia trên thế giới. Vì đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo các yêu cầu về sản xuất xanh để phát triển bền vững nên đầu ra của Lixil tương đối ổn định.

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/bao-xuan-2023/202402/nhung-du-an-fdi-von-khung-o-dong-nai-9a03f42/