Những dự án siêu bí mật của Mỹ: Biến mèo thành gián điệp

Theo ý tưởng của các chuyên gia CIA, những con mèo được cho là có khả năng hoạt động yên lặng, nhẹ nhàng, phạm vi tiếp cận rộng và không gây nghi ngờ.

Kế hoạch biến mèo thành gián điệp của CIA cuối cùng thất bại và tiêu tốn của chính phủ 20 triệu USD. Ảnh minh họa : Oregon Live.

Khi các đặc nhiệm Thủy Bộ Không Phối hợp (SEAL) Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi năm 2011, họ không thực hiện nhiệm vụ một mình. Giúp họ phát hiện những chiếc bẫy bom trên đường là một chú chó Malinois Bỉ tên Cairo. Thực tế, Người Mỹ đã có truyền thống sử dụng động vật trong các chiến dịch đặc biệt từ rất lâu. Chúng thậm chí còn được huấn luyện làm gián điệp, theo War History Online.

Thời điểm Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, Mỹ và Liên Xô vẫn tiếp tục giả vờ về tình bạn giữa hai nước, ít nhất là cho tới khi thủ tướng Anh Winston Churchill đề cập tới điều này vào ngày 5/3/1946.

Lúc bấy giờ, ông có bài phát biểu tại Đại học Westminster ở thành phố Fulton, bang Missouri, Mỹ. Thay vì diễn thuyết để truyền cảm hứng về tương lai mà những sinh viên vừa tốt nghiệp có thể trông chờ, ông lại đưa ra bài phát biểu “Bức màn Sắt” nổi tiếng của mình, cáo buộc Liên Xô muốn thống trị thế giới.

Rất nhiều người cáo buộc Churchill là người kích động chiến tranh. Tuy nhiên, ông đã đúng một phần nào. Căng thẳng giữa hai siêu cường vẫn tiếp diễn sau cuộc chiến dù không ai thừa nhận. Một số nhà sử học cho rằng cuộc Chiến tranh Lạnh bắt đầu sau bài phát biểu của Churchill.

Luôn tìm cách giành lợi thế trước đối phương, Mỹ và Liên Xô không chỉ tham gia một cuộc chạy đua vũ trang và công nghệ mà còn nghĩ ra những phương pháp gián điệp độc đáo.

Mức độ sáng tạo trong những ý tưởng gián điệp của cả hai bên không được biết đến cho tới năm 2001, khi Cục Khoa học và Công nghệ CIA giải mật các tài liệu gửi cho Jeffrey Richelson, một thành viên cao cấp thuộc Trung tâm Lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ, trụ sở ở Washington.

Một trong các kế hoạch của CIA mang tên “Dự án Acoustic Kitty”, dùng mèo làm gián điệp. Dù vẫn còn nhiều chi tiết chưa rõ ràng, dường như chính phủ Mỹ đã bỏ ra hơn 10 triệu USD để nghiên cứu kế hoạch. Tuy nhiên, nó lại kết thúc trong thảm họa.

Dự án bắt đầu vào năm 1961. Những dữ liệu có sẵn không nêu rõ ai là người lên ý tưởng song dựa vào một số thông tin ít ỏi trong đó có thể thấy Văn phòng Kỹ thuật cùng Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển của CIA đã bật đèn xanh.

Ban đầu, nó có vẻ như một ý tưởng tuyệt vời. Mèo là loài động vật yên lặng, bé nhỏ, có thể đi tới bất kỳ đâu và không gây nghi ngờ. Vì sao không dùng chúng để do thám người Liên Xô? Chỉ cần gắn vào chúng một nguồn điện, một máy phát tín hiệu, một micro và một ăng-ten.

Để thành công, những thiết bị này phải đủ nhỏ để không gây chú ý và phải chịu được việc bị liếm hay cọ xát. Ngoài ra, các phản ứng sinh hóa, nhiệt độ, độ ẩm và bản tính tò mò bẩm sinh của loài mèo cũng là những yếu tố cần tính đến.

Đặt chúng vào một chiếc vòng cổ là không khả thi bởi công nghệ thời đó không cho phép. Giải pháp CIA đưa ra là cấy chúng vào cơ thể lũ mèo. Họ đã gọi các chuyên gia thiết bị âm thanh hàng đầu đến để xử lý vấn đề nhưng không nêu mục đích cụ thể. Sau vài mẫu thử trên hình nộm, họ tiến tới làm thử nghiệm trên sinh vật sống.

Một thiết bị phát tín hiệu dài chưa đầy 2 cm được cấy vào hộp sọ của mèo, bên cạnh một micro siêu nhỏ đặt trong ống tai. Pin được đặt trong khoang ngực. Một dây mảnh nối từ cổ xuống đuôi ngụy trang bằng lông đóng vai trò như ăng-ten. Những con mèo sau đó được theo dõi để xem cách chúng phản ứng với các thiết bị. Chúng bắt buộc phải hoạt động thoải mái giống như bình thường để không thu hút sự chú ý.

Bắt đầu cuộc thử nghiệm, CIA chọn một con mèo cái xám trắng và đưa nó vào ca phẫu thuật kéo dài một giờ để gắn thiết bị.

Sau khi hồi phục, con mèo tỏ ra thiếu tập trung và dễ chán, thường xuyên đi lung tung, làm mọi thứ nó muốn, đúng như tập tính vốn có của loài mèo. Với nó, thức ăn quan trọng hơn các vấn đề an ninh quốc gia.

Phần cuối cùng của kế hoạch là làm thế nào để đưa mèo gián điệp tham gia nhiệm vụ. Con mèo được huấn luyện và quá trình này khiến chi phí dự án đội lên 20 triệu USD.

Năm 1966, con mèo gián điệp sẵn sàng làm nhiệm vụ đầu tiên ở Washington. Mục tiêu của nó là hai người đàn ông ngồi trên băng ghế dài ở công viên bên ngoài Đại sứ quán Liên Xô trên đại lộ Wisconsin. Con mèo được thả ra cùng với các thiết bị gắn trên cơ thể. Các nhà khoa học trong lúc đó phấn khích vì tên tuổi mình sắp đi vào lịch sử.

Con vật băng qua phố nhưng không may một chiếc taxi phóng nhanh đã cán qua nó. Dù không thể hoàn thành nhiệm vụ, sứ mệnh đầu tiên cho thấy mèo gián điệp có thể tập trung vào mục tiêu mà không bị xao lãng.

Năm 2013, Robert Wallace, cựu giám đốc Văn phòng Kỹ thuật của CIA, khẳng định con mèo không chết sau cú đâm. Người ta sau đó đưa nó về cứu chữa, lấy các thiết bị ra khỏi cơ thể và con vật tiếp tục cuộc sống bình thường.

Nhưng không may với CIA, 20 triệu USD của họ không đem lại kết quả. Họ không thể điều khiển những con mèo theo ý và cuối cùng dự án bị hủy vào năm 1967.

Hoàng Phi

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhung-du-an-sieu-bi-mat-cua-my-bien-meo-thanh-gian-diep-post247900.html