Những đứa trẻ 'không được lớn': Những câu chuyện cười ra nước mắt

7, 8 tuổi vẫn được bố mẹ xúc cho từng thìa cơm; 19, 20 tuổi không biết giặt đồ, quét nhà; 30, 40 tuổi vẫn đợi bố mẹ nói gì làm nấy… đó là những 'đứa trẻ không chịu lớn' và không có cơ hội được trở thành người lớn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Xã hội càng hiện đại lại xuất hiện càng nhiều những “đứa trẻ” to xác, chỉ ngồi một chỗ nhận sự chăm sóc, phục dịch của cha mẹ.

Câu thần chú “Mẹ ơi”

Chị Lê Anh (quận 2, TPHCM) kể câu chuyện khi đưa cô con gái đang học lớp 1 đi ăn sáng ở quán phở gần nhà. Con gái chị rất ngạc nhiên khi thấy trong quán có một chị lớn học khoảng lớp 7, lớp 8 cứ ngồi yên trên ghế, đợi bà mẹ ngồi bên cạnh hì hụi xúc phở vào thìa, thổi cho nguội rồi đút vào miệng. Cô bé lớp 1 quay sang mẹ thắc mắc: “Chị đó không biết tự xúc hả mẹ? Chị lớn hơn con mà, sao chị để mẹ xúc cho vậy?”.

Chị Lê Anh tâm sự: “Tôi không biết phải trả lời con như thế nào. Chị chủ quán nói, ngày nào gia đình đó cũng vào đây ăn sáng và ngày nào cô con gái cũng chỉ ngồi yên đợi xúc. Hôm nào không có mẹ thì có bà nội ngồi phục vụ từng thìa”.

Nhìn rộng ra, những hình ảnh tương tự như thế đang xuất hiện ngày một nhiều trong xã hội hiện đại. Cô Hà Vy, giáo viên một trường THCS kể lại câu chuyện “cười ra nước mắt” về một học trò của mình. Cô bé đó 14 tuổi, đã dậy thì, hôm đó cô bé “tới tháng” khi đang trong giờ học. Nhìn thấy vết bẩn dây ra trên váy đồng phục, cô bé chỉ biết luôn miệng gọi “mẹ” và khóc nức nở.

Thầy giáo đang giảng bài cũng khó xử, phải gọi cô giáo đến. Cô dẫn vào nhà vệ sinh thì mới ngã ngửa khi biết, mỗi khi “đến kỳ”, cô bé này được mẹ làm cho toàn bộ, từ lau rửa đến thay băng vệ sinh, giặt giũ nên khi bị “sự cố” ở trường, cô bé hoàn toàn “bó tay”, không biết tự làm vệ sinh cho chính mình.

Sau sự cố đó, cô bé nằng nặc đòi mẹ phải cho chuyển trường vì xấu hổ với các bạn trong lớp.

Minh Thu (19 tuổi) đang là sinh viên một trường đại học. Ngoài việc học, cô không biết làm bất cứ việc gì, ngay cả những việc nhỏ nhất từ rửa bát đến quét nhà. Bởi ngay từ khi còn nhỏ, cô đã luôn được mẹ dặn: Chỉ cần học cho giỏi, mọi việc cứ để mẹ làm. Vì thế, ngoài giờ học ở trường, về đến nhà mỗi khi cần cái gì, cô chỉ biết gọi “Mẹ ơi!”.

Thậm chí có nhiều bạn trẻ đi du học nước ngoài nhưng chưa đầy 1 tháng đã đòi về vì không thể hội nhập môi trường học tập quốc tế đòi hỏi tinh thần tự lập cao. Các bạn này gần như không có kỹ năng sống tập thể, khi phải tự làm mọi việc, từ đi siêu thị, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa…, những việc mà khi còn ở nhà các bạn chẳng bao giờ chạm tay vào.

Đến sự ích kỷ tột cùng

Kỳ thi THPT năm trước, tại Hội đồng thi THPT Trưng Vương, nhiều phụ huynh đã chứng kiến một cậu con trai quát mẹ ngay trước cổng trường chỉ vì người mẹ đã quên không mang theo thẻ dự thi và bút viết cho cậu làm bài. Người mẹ vội vàng xin lỗi, vỗ về, xoa dịu con rồi cấp tốc gọi điện cho người nhà mang thẻ dự thi đến trường cho con.

Chị Ánh Ngọc (quận 7, TPHCM) buồn bã tâm sự: “Hai đứa con tôi đã lớn cả rồi, một đứa 18, một đứa 22 tuổi. Nhà cũng dư dả về kinh tế nên ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã để cho các con không phải thiếu thứ gì, cần là có, từ quần áo đến đồ chơi, đồ dùng. Việc nhà các con cũng không phải làm vì đã có giúp việc theo giờ, tôi chỉ cần các con không phải khổ sở, vất vả là được.

Hôm vừa rồi tôi bị mệt, chị giúp việc xin về quê, hai đứa con vẫn thản nhiên đi học, đi làm rồi đi chơi, về đến nhà là vào phòng riêng, không đứa nào hỏi mẹ lấy một câu xem mẹ mệt ra sao, muốn ăn gì không. Đến bữa cơm thấy chưa có gì ăn, hai đứa cáu gắt rồi ra ngoài đi ăn với bạn, chẳng thèm để ý xem tôi đã ăn gì chưa. Không lẽ tôi đã nuôi con sai hay sao?”.

Cũng trong tình trạng tương tự như chị Ngọc, bà Hiền (quận 5, TPHCM) đã ngoài 60 tuổi vẫn tất bật từ sáng đến tối… chăm cả con lẫn cháu. Chồng mất sớm, bà chỉ có một cậu con trai nên có gì tốt nhất bà đều dành cho con, thằng bé chỉ phải làm mỗi một việc là học cho giỏi. Ra trường, đi làm, con trai bà gặp và kết hôn với một cô gái cũng thuộc dạng “tiểu thư” của một gia đình giàu có.

Mặc dù sống riêng nhưng cả hai vợ chồng không biết làm bất cứ việc gì, từ đi chợ, nấu cơm đến là ủi quần áo nên cứ sáng sớm, bà Hiền lại phải qua chuẩn bị từ đồ ăn sáng đến dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Hôm nào bà bận công việc khác hoặc mệt mỏi, hai vợ chồng trẻ lại đi ăn hàng hoặc kéo sang nhà ngoại ăn ké. Đến khi cô con dâu có bầu, sinh cháu, đứa nhỏ được giao hẳn cho bà nội chăm bẵm để hai vợ chồng tiếp tục tung tẩy như thời còn son rỗi.

“Khi tôi đến tuổi về hưu, kinh tế không còn dư dả để thuê người làm nữa thì hai đứa con tôi, dù đã trưởng thành, thậm chí bước vào tuổi 30 vẫn duy trì thói quen chỉ biết sống hưởng thụ, ăn xong cũng không muốn thò tay rửa chén, lau nhà.

Quen được nuông chiều từ thuở nhỏ, lớn lên chúng càng ỷ lại và không muốn sống tự lập dù đã tốt nghiệp và đi làm. Dù cho được nhắc nhở phụ việc nhà, tự dọn dẹp phòng ốc và có ý thức sống tự lập, chúng vẫn lười biếng, chấp nhận cách sống bê bối, nhà cửa lộn xộn”, cô Ái Hòa (quận Tân Phú, TPHCM) ngậm ngùi chia sẻ về hai đứa con “có lớn mà không có khôn” của cô.

Nhà tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa kể lại trường hợp một người quen của ông mới được cứu sống sau một lần tự tử. Người đàn ông đó đã gần 40 tuổi, lý do tự tử là vì cô người yêu đòi chia tay do không thể hầu hạ anh ta suốt đời.

Gần 40 tuổi, anh ta vẫn ở cùng bố, người cha tóc bạc vẫn hàng ngày lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho ông con trai to xác nên khi có người yêu, anh ta cũng đòi hỏi người yêu phải chăm sóc mình y như vậy.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Đức - Giám đốc Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình, chính sự o bế của cha mẹ khiến những “đứa trẻ” đó có lớn mà không có khôn, sống ích kỷ, vô tâm, non nớt về kỹ năng sống, èo uột về trách nhiệm. Khi xảy ra mâu thuẫn hoặc đổ vỡ trong bất kỳ mối quan hệ nào, họ lại đổ lỗi cho người khác mà không thấy trách nhiệm của mình.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/nhung-dua-tre-khong-duoc-lon-nhung-cau-chuyen-cuoi-ra-nuoc-mat-4051889-b.html