Những đứa trẻ lỡ duyên với đời

Có những cuộc gặp gỡ đã định sẵn chia ly khi những đứa trẻ kém may mắn phải nhận sự ruồng bỏ lạnh lùng từ chính mẹ cha của chúng.

“Trần Dại. Ngày 23/11/2017. Quê quán: Trung Sơn, Sầm Sơn, Thanh Hóa”.

Lời chia tay ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn vài dòng là những điều duy nhất mà sản phụ trẻ tuổi nhắn nhủ tới sinh linh bé nhỏ từng là một phần máu thịt của cơ thể mình.

Thai nhi cùng mảnh giấy nhỏ được kẹp gọn trong chiếc túi đen, đặt kín đáo trước cửa phòng khám sản khoa của một bệnh viện tư giữa trung tâm thành phố Bắc Ninh. Cái tên vô danh được đặt vội theo họ bố, với mong muốn đứa trẻ xấu số sẽ luôn khắc cốt ghi tâm về gốc gác, nguồn cội của chính mình.

Dẫu vậy, Trần Dại vẫn là trường hợp may mắn, khi bố mẹ chủ động gửi gắm bác sĩ lo nơi chôn cất, so với những đứa trẻ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã phải nhận sự ruồng bỏ lạnh lùng của gia đình, bị gói vội tạm bợ, nằm lạnh lẽo ven đường, cạnh gốc cây, bên thùng rác.

'Biệt đội' tiễn đưa hàng nghìn hài nhi xấu số về nơi an lành Tìm kiếm các thai nhi xấu số bị bỏ rơi trước cửa các bệnh viện, phòng khám sản phụ khoa, anh Minh cùng nhóm Bảo vệ sự sống thai nhi Việt đã đưa hơn 50.000 thai nhi về nơi an nghỉ.

Nhận chiếc túi nhỏ từ một nữ bác sĩ trung tuổi, anh Minh - thành viên nhóm "Bảo vệ sự sống thai nhi Việt" thở dài. "Không hiểu sao độ này, người ta phá thai nhiều quá".

Hàng ngày, khoảng 20h30, người đàn ông 30 tuổi lại rong ruổi trên con đường tìm kiếm các thai nhi xấu số bị bỏ rơi trước cửa các bệnh viện, phòng khám sản phụ khoa.

- Chậm chân vài phút là thai nhi có thể không còn nguyên vẹn. Đàn chó, lũ chuột luôn rình rập “con mồi” bất kỳ lúc nào. Anh Minh giải thích.

Dừng xe trước cửa một phòng khám sản, anh Minh tỉ mỉ kiểm tra từng chiếc túi nylon màu đen. Thi thể thai nhi thường bị bỏ sót vì lẫn cùng rác thải y tế. Công việc này cũng gặp không ít nguy hiểm. Có lần, thành viên trong nhóm bị kim tiêm cắm phập vào chân. Máu chảy thành từng giọt. Họ chỉ còn cách nặn hết máu độc, rửa vết thương. Bao năm qua, nhiễm những mầm bệnh gì, họ cũng không quan tâm nữa.

Công việc này đã trở thành thói quen, đến mức cứ thấy bố dắt xe ra khỏi nhà, bé Sóc lại lật đật nói với theo: "Bố lại đi tìm các em à?". Cô bé 4 tuổi chưa hiểu hết ý nghĩa hành động của bố, phía bên kia cánh cổng.

Dạo thêm vài lượt quanh các phòng khám khác, anh Minh dẫn chúng tôi về nhà ở vùng ven thị trấn Chờ, giáp với khu công nghiệp (KCN) Yên Phong. Thị trấn Chờ mang dáng vóc của một vùng nông thôn đang dần được đô thị hóa, “vỏ phố hồn làng”. Những cánh đồng bị bỏ hoang, không có dấu hiệu canh tác. Người trẻ lựa chọn làm việc chân tay tại các KCN.Con đường vào nhà anh Minh ồn ào bởi tiếng còi xe, rú ga của trai làng giữa đêm, thi thoảng xuất hiện vài chiếc xe tải nhỏ. 23h, những cửa hàng tạp hóa, quán nước, quầy thuốc và vài khách sạn treo biển hiệu tiếng Hàn Quốc vẫn nhộn nhịp khách ra vào. Khi ấy, công nhân, chủ yếu là nữ, từ các nhà máy thuộc khu công nghiệp Yên Phong mới tan ca làm đêm. Họ đi thành từng tốp, trò chuyện với nhau. Vài người tỏ rõ sự mệt mỏi trên khuôn mặt, sau một ngày làm việc áp lực.

Ở góc sân, gian nhà nhỏ vẫn sáng đèn, tiếng tụng kinh từ băng cát xét da diết giữa đêm khuya. Anh Minh đang cặm cụi phân loại những rác thải y tế. Mùi thuốc tiệt trùng trộn lẫn với mùi xác phân hủy nồng nặc, mùi tanh của máu. Phóng viên không khỏi bàng hoàng, cảm giác buồn nôn, khó thở.

Trong khi chúng tôi chưa kịp bình tĩnh lại, anh Minh tiếp tục mở túi nylon khác, lấy ra một thai nhi lớn hơn. Làn da tím tái, nhăn nheo, đôi môi trắng bệnh, cặp mắt nhắm rịt. Đứa bé chỉ khoảng 2 kg được để lẫn với bông gạc, kim tiêm. Không một cái tên, không ngày tháng năm sinh, không gốc gác quê quán và cũng không một lời nhắn nhủ. Anh Minh đã quen với những trường hợp như vậy, anh luôn tay lượm nhặt những cục máu còn sót lại nằm lẫn với các rác thải y tế.

Công việc cứ lặp lại như vậy mỗi đêm, trở thành một phần cuộc sống của anh cũng như thành viên nhóm “Bảo vệ sự sống thai nhi Việt”. Túi thai nhỏ kèm những cục máu được gói gọn bằng khăn vải xô. Thi hài thai nhi lớn hơn thì được tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo. Cứ đến ngày chủ nhật cách tuần, nhóm của anh lại đưa những thi hài xấu số về nghĩa trang Đồi Cốc, Sóc Sơn, Hà Nội.

Khi anh Minh đang mải miết với những túi nylon lẫn xác thai nhi, vợ anh đảo qua nhà và lấy thêm chút đồ phục vụ ở quán nước. Có với nhau 2 mặt con, anh Minh hàng ngày hành nghề nha sĩ tại nhà, còn chị thì tối ngày bận bịu với quán nước gần KCN Yên Phong. "Mai em mua chút hoa quả, lễ lạt anh thắp hương cho bọn nhỏ nhé", chị nhẹ nhàng nói với chồng.

Cứ như vậy, ròng rã 5 năm qua, căn nhà của họ đã bao bọc, đưa hơn 50.000 thai về nơi yên nghỉ cuối cùng. Tháng cao điểm, nhóm của anh chôn cất được 800-1.000 bé. Có lẽ, con số vô tri nhưng phần nào phản ánh phần nào nỗi đau của những đứa trẻ đáng thương.

Hành trình của mỗi đứa trẻ đến căn phòng nhỏ ở góc sân nhà anh đều rất đặc biệt. Chúng có chung số phận là không được bố mẹ chào đón xuất hiện trên cuộc đời. Cặp vợ chồng trẻ vẫn không quên được cảm giác vỡ òa hạnh phúc khi đón Tít về nuôi dưỡng. Thằng bé cứng cỏi, mạnh mẽ mà cũng may mắn đến lạ thường. Tít bị chính mẹ ruột bỏ rơi ở phòng mổ khi vừa mới lọt lòng. Cậu bé giãy giụa, thoi thóp, khoảng cách giữa sự sống và cái chết mong manh như chính hơi thở yếu ớt của em.

Ngày nhận Tít về chăm sóc, anh Minh chạy vạy nhờ cậy khắp nơi để cứu sống con. Thật may, Tít cũng kiên cường chiến đấu với định mệnh và dần trở thành mảnh ghép của gia đình anh Minh. Tít sống vui vẻ với sự chăm sóc, yêu thương của ông bà, cha mẹ và chị Sóc.

“Hiếm đứa trẻ nào sống sót như vậy. Giờ nhìn bé khỏe mạnh, vui đùa là phấn khởi rồi”, anh Minh nói rồi quay đi, tránh ánh nhìn của mọi người. Anh lo lắng một ngày Tít biết mình bị mẹ ruồng sẽ tủi thân, tự ti với bạn bè.

- Khi Tít trưởng thành, mong thằng bé sẽ tha thứ cho mẹ đẻ của nó. Anh Minh giãi bày.

Một sự thật hiển nhiên rằng các khu công nghiệp luôn mất cân bằng tỷ lệ giới tính, chủ yếu là công nhân nữ. Phía sau cuộc sống kiểu vợ chồng hờ là ngôi mộ của những đứa trẻ lỡ duyên làm người. Mong muốn tìm kiếm thai nhi dấy lên mạnh mẽ khi anh Minh chứng kiến về những đứa trẻ bị bỏ rơi, nằm lạnh lẽo bên cổng chùa, thùng rác gần nhà. Anh đau đáu về số phận đáng thương của những đứa trẻ kém may mắn. Đến năm 2013, anh Minh cùng vài người bạn mới có đủ điều kiện để thực hiện mong ước. Khởi đầu nào cũng thật nhiều chông gai, khi những chàng trai, cô gái trẻ tuổi năm ấy run rẩy, sợ hãi trong những ngày đầu tiên đi tìm kiếm, đón những thi hài bé nhỏ về nhà.

Hàng xóm kháo nhau họ là những kẻ ăn trộm, buôn bán trẻ em, có vấn đề về thần kinh. Người thân thì cho rằng họ bao đồng, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Trong khi đó, bạn bè nghi ngờ anh Minh được trả lương cao để làm công việc quái gở này. Anh chỉ cười đáp: “Lương cao lắm, nhưng lương để ở trong tâm, là lương tâm bảo mình làm vậy thôi”.

Nâng niu thi thể của những đứa bé xấu số, anh Minh càng xót thương và quyết tâm bền bỉ với hành trình của mình, không quản ngại khó khăn. Anh buồn khi số lượng thai nhi thu nhặt được ngày càng tăng, đặc biệt là khoảng thời gian sau dịp lễ như 14/2, 20/10 hay 8/3.

Gác lại công việc riêng, vượt qua mọi định kiến xã hội, anh Minh vẫn cùng những cộng sự hàng đêm lên đường, âm thầm đi tới khắp các phòng khám sản ở thành phố Bắc Ninh để đón về những thi hài xấu số. Họ từ chối xuất hiện hình ảnh trên mặt báo. "Mình làm từ tâm, từ lòng thương các bé. Nhiều người không hiểu lại nghĩ để PR bản thân, thế buồn lắm", anh Minh chia sẻ.

Tại những khu công nghiệp tập trung đông nữ, chuyện phá thai “chui” không phải là hiếm, lạ và chăm sóc sức khỏe sinh sản lại càng là xa xỉ. Mang theo nỗi trăn trở đó, chúng tôi đến gặp chị Thanh (tên nhân vật đã được thay đổi), nữ công nhân đang làm việc tại KCN Yên Phong. Chị là một trong số ít sản phụ phá thai chủ động liên lạc với anh Minh, nhờ anh chôn cất và an táng cho con mình.Gần 30 tuổi, chị vẫn đang trên hành trình tìm kiếm người bạn đời. Khuôn mặt người phụ nữ đượm buồn, đôi mắt long lanh chỉ chực khóc. Có lẽ chị đã chôn chặt nhiều tâm sự, nỗi lòng khó nói. Yêu người đàn ông có gia đình mà chị không hề hay biết. Chị Thanh phát hiện mình mang thai ở tháng thứ 3, ngỡ tưởng đó là trái ngọt cho tình yêu của 2 người. Song, anh yêu cầu chị bỏ đứa bé vì “Anh sợ mẹ con em khổ”.

Câu nói ấy lạnh lùng, tàn nhẫn làm sao. Đứa bé thực sự không có tội, nhưng chị sợ một thân một mình không nuôi nổi con, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình anh và cả tương lai của chính mình.

Căn phòng thủ thuật lạnh lẽo, chị đã khóc. Lẽ ra, đó là giọt nước mắt hạnh phúc khi con chào đời, nhưng giờ, nó lại là giọt nước mắt tủi nhục, hối hận muộn màng. Nằm trên bàn mổ, chị cảm giác như bác sĩ đang cắt bỏ từng bộ phận của đứa con thơ. Hóa ra, có những cuộc gặp gỡ đã định sẵn chia ly, từ biệt.

“Yêu người có gia đình đã là tội lỗi lớn, vậy mà tôi còn tước đi sự sống đứa con của chính mình. Tôi… đã quá sai rồi”, chị nghẹn ngào, giàn giụa nước mắt. Chị Thanh vẫn không ngừng trách bản thân, nỗi ám ảnh vẫn đeo bám chị hàng đêm.

Italo Calvino, nhà văn Italy dùng từ "thảm sát" để mô tả nỗi đau đó. "Sau mỗi ca phá thai, người phụ nữ như bị 'thảm sát' cả về thể chất và nhân cách", ông viết.

Chị Thanh đã trở thành nạn nhân trong chính bi kịch do mình tạo ra. Có lẽ, cây bút của Italo cũng không thể diễn tả hết những đau khổ, tội lỗi mà chị Thanh đang đối mặt mỗi ngày.

Theo thống kê của Ban Quản lý các KCN, trong số hơn 230.000 lao động tại các KCN ở Bắc Ninh, có tới 153.000 lao động là nữ, chiếm 68%. Hầu hết công nhân sống trong ký túc xá công ty, các phòng trọ bên ngoài hoặc thậm chí “góp gạo thổi cơm chung” với người yêu. Cuộc sống xa nhà cùng những áp lực của cuộc sống mưu sinh khiến họ luôn muốn tìm một bờ vai để san sẻ nỗi buồn. Tuy nhiên, kiến thức về sức khỏe sinh sản lại chưa đủ để giúp họ sẵn sàng quan hệ tình dục an toàn.

Khi được hỏi về những hiểu biết của công nhân về các biện pháp phòng tránh có thai ngoài ý muốn, chị Thanh chỉ lắc đầu: “Cứ tự tìm hiểu thôi, làm gì có ai dạy đâu”. Trong khi đó, với năng suất làm việc 9-12 giờ/ngày, thì ngoài thời gian ngủ và sinh hoạt cá nhân, khó có thể khiến công nhân dành thời gian cập nhật kiến thức về các vấn đề xã hội khác, đặc biệt là vấn đề sức khỏe sinh sản vốn được coi là “tế nhị”.

Vào vai cô gái trẻ có nhu cầu phá thai, chúng tôi được bác sĩ tại một phòng khám sản khoa tại TP Bắc Ninh nhiệt tình tư vấn các thủ thuật, nghe có vẻ khá đơn giản. Sản phụ được bác sĩ kê đơn, tự uống thuốc tại nhà để đẩy thai ra ngoài, hoặc nạo hút ở phòng khám. Chi phí cho từng phương pháp dao động từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng là có thể “giải quyết” xong. Thông thường, biện pháp uống thuốc được nhiều thai phụ lựa chọn hơn vì đơn giản mà không gây đau đớn.

Đằng sau những ám ảnh thương tâm về đứa con bị phá bỏ của mình là cả những ngày tháng đau ốm liên miên, là cuộc gọi điện hỏi thăm chớp nhoáng từ người cũ, hay nỗi lo lắng về khả năng làm mẹ.Bác sĩ Lương Tâm Phúc, Phó khoa Kế hoạch hóa Gia đình, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chia sẻ chỉ trong 2 giờ, ông đã làm thủ thuật phá thai cho 18 cô gái. Đó cũng chẳng phải con số đặc biệt gì suốt nhiều năm làm nghề của ông.

“Họ không có sự e dè, mà tương đối mạnh dạn. Dường như cả xã hội không còn ác cảm với việc có thai ngoài ý muốn. Việc phá thai hiện nay khá an toàn, nên các sản phụ, kể cả ở độ tuổi vị thành niên, đến giải quyết rất bình thường, không e ngại hay sợ hãi”, bác sĩ bần thần.

WHO đánh giá Việt Nam là một trong 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Mỗi năm tại Việt Nam, 250.000 đến 300.000 ca phá thai được thông báo chính thức. Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (thuộc Bộ Y tế), trung bình mỗi người phụ nữ trải qua 2 lần phá thai trong đời, trong đó, 80% thai nhi trên 12 tuần tuổi.

Đôi khi, những cảm xúc tiêu cực sau khi trải qua phá thai có thể không xuất hiện ngay sau đó. Nó cứ dai dẳng tới vài năm sau và bất chợt gắn liền với một sự kiện đau buồn như tai nạn, mất mát người thân.

Khi quyết định thực hiện bài viết này, chúng tôi hiểu rằng mỗi người mẹ có những lý do, nỗi khổ tâm riêng khi dứt bỏ đứa con mang trong bụng. May mắn được sinh ra, được học hành và trưởng thành, dường như chúng ta lại đang vô tâm tước đi quyền làm người của sinh linh bé nhỏ khác. Thay vì ôm ấp đứa con nhỏ trong vòng tay, thật đau đớn khi phải từng ngày chiến đấu với nỗi ám ảnh, sự day dứt từ lương tâm. Sẽ thật không công bằng khi một mạng người mất đi chỉ vì hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế hay danh dự… Tất cả có lẽ chỉ để bào chữa cho hành động dại dột của bản thân.

Có lẽ, chị Thanh sẽ mất rất lâu nữa để nguôi ngoai nỗi ám ảnh, thương nhớ con. Anh Minh và các cộng sự sẽ lại lặng thầm trước mỗi phòng khám sản, xót xa những đứa trẻ bơ vơ, xấu số. Vì chúng mãi yên nghỉ ở nơi thiên đường lạnh lẽo, thèm khát vòng tay âu yếm, lời cưng nựng của cha mẹ và người thân.

Trà My - Mỹ Hà
Đồ họa: Châu Châu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-dua-tre-lo-duyen-voi-doi-post824849.html