Những FTA mới của Mỹ

Mỹ hiện có 20 hiệp định thương mại tự do song phương (FTA), đa số đã ký trước khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Nền tảng của chính sách thương mại mới do ông Donald Trump đưa ra là chuyển từ các hiệp định tự do khối sang song phương và đàm phán lại các FTA song phương cũ khi Mỹ thấy lợi ích của mình bị suy giảm.

Vì vậy, các FTA song phương của Mỹ rất ít, và nổi bật lại là Hiệp định Thương mại Tự do mới Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) được ký kết thay thế cho Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Đáng chú ý nữa là quyết định của Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau USMCA, giờ đây Washington đang hướng tới một FTA mới với các nền kinh tế lớn.

Về FTA giữa Mỹ và Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2-10 đã ký FTA mới. Thỏa thuận này còn chờ quốc hội 2 nước phê chuẩn, được xem là một thỏa thuận cùng thắng. Nhật Bản sẽ giảm thuế cho các nông sản Mỹ như thịt bò, thịt heo, lúa mì và bắp, trị giá khoảng 7 tỷ USD/năm. Mỹ sẽ giảm thuế ô tô, thép, nhôm và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản. Theo CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa cho Nhật Bản một sự lựa chọn rõ ràng: Mở thị trường cho xuất khẩu nông sản của Mỹ, hoặc phải đối mặt với thuế quan của Mỹ đối với ô tô và các mặt hàng công nghiệp khác.

FTA Mỹ - Anh cũng đang đàm phán, được cho là sẽ mang đến lợi ích lớn của cả 2 nước, nhất là sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Hiện Mỹ không chấp nhận yêu cầu của EU giảm giá dược phẩm của các công ty Mỹ và dán nhãn các sản phẩm nông nghiệp biến đổi gien hay thịt bò điều chỉnh hormone của Mỹ theo tiêu chuẩn khắt khe của EU. Mỹ muốn tăng xuất khẩu nông sản sang Anh một khi nước này rời EU và khi đó Anh sẽ không còn tuân theo các quy định của EU hạn chế nhập khẩu thịt gà và thịt bò của Mỹ. Tuy nhiên, đánh giá của người Anh về nông sản Mỹ vẫn đáng lưu ý. Bộ Nông nghiệp Mỹ gần đây đã tiến hành một cuộc thăm dò thông qua Viện Gallup, theo đó đa số người Anh không đánh giá cao thực phẩm Mỹ. Các phương pháp xử lý bằng Clor mà Mỹ còn sử dụng đã bị cấm ở Anh từ năm 1997, do lệnh cấm ban hành trên toàn EU.

Mỹ cũng đang xúc tiến FTA với Ấn Độ, và dự kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thăm Ấn Độ vào tháng 11, trong đó ông sẽ ký FTA với Ấn Độ. Hồi đầu năm 2019, Mỹ đã loại Ấn Độ khỏi chương trình Hệ thống ưu đãi tổng quát (GSP) cho phép New Delhi nhập cảnh miễn thuế với trị giá xuất khẩu hàng năm lên tới 5,6 tỷ USD sang Mỹ. New Delhi đã phản ứng với mức thuế trả đũa cao hơn đối với 28 sản phẩm của Mỹ, trong đó có hạnh nhân, táo và quả óc chó.

Các FTA mới của Mỹ với các nước tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho người lao động Mỹ, bao gồm các quy tắc xuất xứ được tôn trọng và kỷ luật thao túng tiền tệ. Bên cạnh đó, lợi ích của nông dân, chủ trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Mỹ cũng tăng lên. Ngoài ra, FTA còn hỗ trợ nền kinh tế thông qua các biện pháp bảo vệ mới đối với tài sản trí tuệ của Mỹ.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhung-fta-moi-cua-my-620567.html