Những 'gã du mục' và biểu tượng Cá chuồn

Những năm gần đây, Ðà Nẵng nổi lên như một thành phố khởi nghiệp năng động đầy sức hút. Nhiều người từ trong và ngoài nước tìm về Ðà Nẵng sinh sống và làm việc. Họ làm màu mỡ thêm hệ sinh thái khởi nghiệp ở thành phố biển này.

SURF là cơ hội để các startup kết nối với các chuyên gia và các nhà đầu tư. Ảnh: DNES.

Ươm mầm khởi nghiệp xanh

Đà Nẵng có một Phiên chợ nông dân đông đúc tấp nập dưới chân cầu Trần Thị Lý. Chợ họp mỗi tháng một lần và chỉ bán những sản phẩm nông sản sạch và an toàn, từ các loại rau củ đến nước mắm, kẹo, bánh... Lúc đầu chỉ là một phiên chợ nhỏ, thu hút khoảng đôi ba trăm người. Sau hơn một năm, Phiên chợ và cả trang web healthyfarm.org – phiên chợ nông dân online - trở thành địa chỉ mua sắm quen thuộc của những bà nội trợ Đà Nẵng. Dự án này do Công ty hỗ trợ khởi nghiệp Evergreen Labs của đôi vợ chồng Kasia Weina (người Mỹ) và Jan Zellmann (người Đức) sáng lập, điều hành.

Tôi gặp Kasia và Jan lần đầu tại một buổi hội thảo về Khởi nghiệp xanh trong khuôn khổ chương trình Make a change Weekend của Viện Nghiên cứu Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng). Tôi khá bất ngờ khi Kasia cho biết, Cty của cô có trụ sở chính ở Đà Nẵng và là Cty tư vấn, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tập trung về lĩnh vực môi trường. Giải thích lý do lựa chọn Đà Nẵng, Kasia nói: “Đà Nẵng là thành phố có tốc độ phát triển nhanh với cơ sở hạ tầng tốt và hướng đến tăng trưởng bền vững. Đặc biệt, Đà Nẵng có những chính sách tốt đối với các doanh nghiệp. Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng và tin rằng mình là những người tiên phong”.

Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Sinh học và Hóa học tại Mỹ, cô gái sinh năm 1988 này tiếp tục sang London (Anh) học Thạc sĩ về Dược học rồi làm luận án Tiến sĩ Sinh học tại Đức. Đầu năm 2016, Kasia quyết định tạm gác công việc nghiên cứu ở Cambrigde (Anh) và Heidelberg (Đức) để đến Đà Nẵng, sáng lập Evergreen Labs. Trước khi chuyển đến trụ sở hiện tại, Evergreen Labs có một văn phòng nho nhỏ tại “Không gian làm việc chung” của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) ở 31 Trần Phú. Đến nay, Evergreen Labs đã hỗ trợ khoảng 40 ý tưởng khởi nghiệp ở Việt Nam và khu vực Mekong. Công ty cũng đang phát triển 10 dự án khởi nghiệp và doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển bền vững. “Cộng đồng khởi nghiệp ở Đà Nẵng đang phát triển nhanh chóng với sự hỗ trợ tốt từ chính quyền. Ý chí và tư duy khởi nghiệp của các bạn trẻ ở đây rất đáng ghi nhận. Tôi rất vui vì Evergreen Labs cũng góp phần thúc đẩy và hỗ trợ những dự án khởi nghiệp ở Đà Nẵng”, Kasia chia sẻ.

Ngoài niềm tự hào về Phiên chợ nông dân được tổ chức hàng tháng, Kasia cũng háo hức kể về dự án du lịch cộng đồng tại các ngôi làng của người dân tộc thiểu số. Trước mắt, cô và các cộng sự sẽ tập trung vào phát triển ngôi làng du lịch cộng đồng A Hưa (ở A Lưới, Thừa Thiên - Huế) mới khai trương hồi tháng 9/2017.

Những “gã du mục” mộng mơ

Khoảng đầu năm 2017, lần đầu tiên tôi biết về cụm “du mục kỹ thuật số” qua một bài đăng trên facebook “DNC – Danang Coworking Space” thuộc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES). Bài đăng về Chris Mosek (người Ba Lan) đang “hot” trên mạng xã hội vì bức ảnh “chàng Tây bán hoa quả đẹp trai ở Hội An”. Chris cho biết mình là kỹ sư phần mềm và là dân du mục kỹ thuật số. Lần hồi mới biết, hóa ra, ở Đà Nẵng có cả một hội du mục kỹ thuật số kết nối với nhau qua nhóm facebook “Digital Nomads in Danang” với trên dưới 700 thành viên đến từ khắp nơi trên thế giới.

Edwin Merino (34 tuổi, quốc tịch Mỹ) là người thành lập nhóm. Sau khi bỏ việc, đi du lịch 8 nước trong vòng 6 tháng trời mà không có định hướng, Edwin tìm thấy Đà Nẵng. “Tôi đã dự định sẽ bắt đầu một cuộc sống mới ở Nhật Bản. Rồi tôi đến Đà Nẵng. Đà Nẵng có nắng vàng, biển xanh, có cả núi đồi và ruộng lúa, có một đô thị năng động và phát triển. Không phải suy nghĩ nhiều, tôi quyết định dọn đến Đà Nẵng”, Edwin kể lại. Ở Đà Nẵng, Edwin bắt tay vào làm một startup nho nhỏ nhưng thất bại. Khởi nghiệp không thành, anh chuyển sang kinh doanh các mặt hàng cosplay qua mạng.

Phiên chợ nông dân do Evergreen Labs tổ chức trở thành địa chỉ uy tín về các sản phẩm nông sản sạch ở Ðà Nẵng. Ảnh: NVCC.

Sau đó Edwin thành lập “Digital Nomads in Danang” với mục đích kết nối những gã du mục kỹ thuật số ở Đà Nẵng. Trong nhóm, có người startup hoặc các công việc liên quan đến các startup, có người sở hữu những doanh nghiệp nhỏ, có người làm lập trình viên, có người làm thiết kế hoặc freelancers liên quan đến công nghệ...

Những gã du mục của “Digital Nomads in Danang” cũng thường tổ chức các buổi workshop, chia sẻ về kỹ thuật, công nghệ, kinh doanh... tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng. “Họ là những gã du mục, họ đi khắp nơi và lựa chọn Đà Nẵng là nơi dừng chân. Đa số làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Họ có những kiến thức, kỹ năng mà những người làm startup có thể học hỏi, nhất là khi xu hướng khởi nghiệp công nghệ đang rất phát triển trong cách mạng công nghiệp 4.0”, anh Phạm Đức Nam Trung, Phó Giám đốc DNES, cho biết.

Những bầy cá chuồn đang bơi về Ðà Nẵng

Trần Vũ Nguyên, Giám đốc DNES, thường bắt đầu bài nói chuyện tại các hội nghị, các chương trình khởi nghiệp một cách quen thuộc: “Tôi là Bung, tôi đến từ Đà Nẵng. Tôi muốn mời các bạn đến Đà Nẵng, uống bia và cùng khởi nghiệp bên bờ biển”. Tại sự kiện Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp SURF 2017 diễn ra hồi tháng 7/2017, Đà Nẵng thực sự đã tổ chức được một bữa tiệc khởi nghiệp bên bờ biển, đúng cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Sự kiện quy tụ 45 diễn giả về khởi nghiệp trong và ngoài nước, 25 bài phát biểu, phiên thảo luận, tọa đàm bàn tròn trực tiếp đề cập đến nhiều chủ đề “nóng” về làn sóng khởi nghiệp hiện tại như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data)..., 70 gian hàng triển lãm với gần 2.000 lượt người tham dự.

SURF 2017 mang “ông trùm khởi nghiệp” Jeff Hoffman (Mỹ) đến Đà Nẵng để chia sẻ, truyền cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam. Trần Vũ Nguyên nói rằng “ai đi du lịch trên thế giới đều phải chi tiền cho Jeff”. Quả vậy, Jeff là người tạo ra những cỗ máy checkin tự động được đặt ở tất cả các sân bay trên thế giới, là ông chủ của đế chế Priceline – nơi điều hành các trang web về du lịch nổi tiếng thế giới như booking.com, hotel.com, agoda.com... SURF 2017 cũng “kéo” được dự án khởi nghiệp Mojitok của Hàn Quốc đến Đà Nẵng để tranh tài với 48 startup khác đến từ Hà Nội, TPHCM, Huế, Nha Trang và Đà Nẵng.

Biểu tượng của SURF 2017 là những chú cá chuồn. Theo ông Võ Duy Khương, đó cũng là biểu tượng của tinh thần và triết lý khởi nghiệp mà Đà Nẵng lựa chọn lan tỏa. Đó là tinh thần của đàn cá chuồn: biết bơi, biết bay và luôn đi theo bầy.

Đà Nẵng là thành phố đầu tiên có Hội đồng điều phối Mạng lưới khởi nghiệp. Đà Nẵng cũng là nơi đầu tiên xây dựng một Vườn ươm doanh nghiệp được đầu tư bằng cả vốn nhà nước và vốn tư nhân. Chính sách ở Đà Nẵng thông thoáng và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Người ta gọi Đà Nẵng là “thành phố đáng sống”. Đó là lý do Kasia cùng đội ngũ Evergreen Labs hay Edwin và những gã bạn du mục của mình lựa chọn Đà Nẵng để ở lại.

Sau SURF, xóm khởi nghiệp ở 31 Trần Phú đón thêm bạn mới Mojitok từ Hàn Quốc, Btaskee từ TP Hồ Chí Minh (những startup giành chiến thắng tại cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong khuôn khổ SURF). Qua năm 2018, anh bạn lớn Đi chung – của CEO 8x Nguyễn Thành Nam từ Hà Nội cũng dọn về 31 Trần Phú. Là một doanh nghiệp xã hội được thành lập từ năm 2013 và đã có những thành công nhất định nhưng Đi chung lựa chọn trở thành một doanh nghiệp ươm tạo trong khóa tới của DNES để xây dựng đường hướng phát triển mới. Những bầy cá chuồn khởi nghiệp đã và đang hướng về Đà Nẵng để nhập đàn, cùng bơi và cùng bay.

Giang Thanh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/nhung-ga-du-muc-va-bieu-tuong-ca-chuon-1240234.tpo