Những gã lang thang kiếm tìm nhục dục trong mỗi chúng ta

'Nhà khổ hạnh và gã lang thang' khiến độc giả mê say qua những chuyến phiêu lưu thể xác và những cú lăn xả vào đời sống của gã lang thang, nơi xác thịt chống lại tinh thần.

Hermann Karl Hesse (2/7/1877 - 9/8/1962) là một nhà thơ, tiểu thuyết gia và họa sĩ người Thụy Sĩ gốc Đức, nổi tiếng với những tác phẩm Sói thảo nguyên, Siddhartha, Nhà khổ hạnh và gã lang thang. Đây đều là những tác phẩm phản ánh cuộc truy tầm cá nhân hướng đến chân lý, cuộc sống tâm linh và minh triết muôn đời. Năm 1946, ông nhận giải thưởng Nobel về văn học vì những thành tựu của mình.

Sách Nhà khổ hạnh và gã lang thang. Ảnh: Nancy

Sinh thời, Hesse là một tác giả nổi tiếng và có ảnh hưởng trong giới nói tiếng Đức; danh tiếng trên toàn cầu chỉ đến sau khi ông qua đời. Cuốn tiểu thuyết vĩ đại đầu tiên của Hesse mang tên Peter Camenzind được đón nhận nhiệt tình bởi những người Đức trẻ mong muốn một lối sống khác biệt và “tự nhiên” hơn vào giai đoạn chứng kiến những tiến bộ kinh tế và công nghệ lớn lao ở nước này. Demian có một ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài đối với thế hệ những người trở về từ Thế chiến thứ nhất.

Vào thời điểm Hesse qua đời năm 1962, các tác phẩm của ông vẫn còn ít được đọc ở Mỹ dù ông đoạt giải thưởng Nobel danh giá. Một bài viết được công bố trên tờ New York Times tuyên bố rằng các tác phẩm của Hesse phần lớn là “không thể tiếp cận” đối với độc giả Mỹ. Tình hình thay đổi vào giữa những năm 1960, khi các tác phẩm của ông đột nhiên trở thành sách bán chạy nhất ở Mỹ. Hiện tượng này được cho là có liên quan đến phong trào phản văn hóa (hay hippie) vào thập niên 1960. Chủ đề tìm kiếm giác ngộ của Siddhartha, Hành trình về phương Đông Nhà khổ hạnh và gã lang thang đã “cộng hưởng” với những lý tưởng phản văn hóa, được nhiều người quan tâm và đón nhận.

Từ Mỹ, danh tiếng của Hesse tiếp tục lan sang các nơi khác trên thế giới, thậm chí trở lại Đức: Hơn 800.000 bản đã được bán vào năm 1972-1973. Trong một khoảng thời gian chỉ vài năm, ông trở thành tác giả châu Âu được đọc và dịch nhiều nhất trong thế kỷ 20. Hesse đặc biệt phổ biến trong các độc giả trẻ, trong đó có Việt Nam.

Đơn độc giữa các nhà văn hiện đại, Hesse thường quay về tìm kiếm những bối cảnh xưa cũ, lựa chọn những truyện ngụ ngôn thời trung cổ để làm nổi bật lên những suy nghiệm về ý nghĩa đời sống trong những câu chuyện về sự thức tỉnh của tuổi trẻ. Trong số đó phải kể đến Nhà khổ hạnh và gã lang thang, tác phẩm được cho là một trong những tiểu thuyết sâu sắc và huyền diệu nhất được xuất bản trong thời đại chúng ta.

Tác phẩm xoay quanh câu chuyện của hai chàng trai trẻ dường như đối lập về tính cách và số phận. Narcissus là một thanh niên duy lý, coi trọng trí tuệ, học vấn, sống trong tu viện; chính sự nhấn mạnh vào lý trí này cũng ngăn anh ta có những mối quan hệ thực sự và ý nghĩa trong cuộc sống. Nhưng tất cả điều này thay đổi khi một cậu bé tên là Goldmund bị cha mình bỏ rơi. Goldmund chỉ được cha nuôi dưỡng, một người cha làm mọi thứ trong khả năng để xóa đi những ký ức của cậu bé về người mẹ di-gan của mình. Cha của Goldmund muốn con trai phải hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa để bù đắp cho tội lỗi của người mẹ hoang đàng. Nhưng Narcissus giúp Goldmund nhận ra rằng cuộc sống của nhà tu hành không phải dành cho anh và chẳng bao lâu sau, Goldmund biết rằng Narcissus nói đúng và lập tức chạy trốn khỏi tu viện.

Cuốn tiểu thuyết chủ yếu xoay quanh cuộc phiêu lưu trần thế của Goldmund - gã lang thang chọn lối sống bản năng, chiều theo những nhục dục, rời bỏ tu viện để tìm kiếm sự cứu rỗi của mình trong thế giới bên ngoài như một Don Juan thời hiện đại. Cuộc tìm kiếm vô thủy vô chung bóng dáng người mẹ trong tuổi thơ bị đánh mất của gã lang thang trong thế giới bất toàn được đặt cạnh với sự hoàn hảo thánh thiện của nhà khổ hạnh Narcissus, hai lối sống cùng soi chiếu, làm sáng lẫn nhau trong cuốn tiểu thuyết. Hesse khiến độc giả mê say qua những chuyến phiêu lưu thể xác và những cú lăn xả vào đời sống của gã lang thang, nơi xác thịt chống lại tinh thần, đời sống hồng trần được lựa chọn thay vì những ý niệm cao vời, trừu tượng.

“Em nghĩ rằng một cánh hoa hay một con sâu nhỏ trên đường chứa đựng và nói nhiều điều hơn tất cả những cuốn sách của toàn thư viện. Người ta không thể nói nhiều chỉ bằng những chữ cái và những từ. Đôi khi em viết một chữ Hy Lạp nào đó, ví dụ như chữ theta hay omega, em chỉ cần xoay ngòi bút một tí là chữ ấy có một cái đuôi và biến thành một con cá, và trong một giây nó gợi lên tất cả những dòng suối, những con sông của trái đất, tất cả những gì mát lành và ẩm ướt, đại dương của Homer và những con nước mà thánh Peter đã bước chân lên; hoặc chữ ấy biến thành một con chim nhỏ dựng đuôi, xù lông, ưỡn ngực ra, cười rồi bay đi. Có lẽ anh không để ý lắm về những chữ ấy, phải không Narcissus? Nhưng nghe em nói này: chính bằng những chữ ấy Thượng đế đã viết nên thế giới này.”

Nhà văn Herman Hesse.

Bất cứ nơi nào anh ta đến, cho dù đó là trong một trang trại khiêm tốn, lâu đài của một hiệp sĩ hay một thành phố lớn, Goldmund đều là đầy tớ trung thành nhất cho những dục vọng của mình bằng cách quyến rũ vô số phụ nữ. Nhưng Goldmund không bao giờ ở một nơi đủ lâu để có một tình bạn lâu dài và sâu sắc như tình bạn anh đã có với Narcissus. Mặc dù Narcissus và Goldmund không gặp gỡ nhau nhiều năm, nhưng tình bạn của họ vẫn có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của cả hai.

Tuy nhiên, những điểm tương đồng giữa nhà khổ hạnh và gã lang thang cũng quan trọng như sự tương phản giữa hai người. Cả hai đều có một sự cởi mở trước những kinh nghiệm sống mới và né tránh những giáo điều xơ cứng trong tôn giáo. Cả hai (mặc dù có thể theo những cách không giống nhau) đều tìm kiếm hiền minh của đời sống, tin vào thượng đế nhưng không có những kỳ vọng vô ích vào sự cứu rỗi từ một đấng sáng thế.

Cuốn tiểu thuyết này cũng phản ánh vài khía cạnh quan trọng của Trung đạo trong giáo lý nhà Phật, mặc dù được đặt trong bối cảnh Kitô giáo ở Đức thời trung cổ.

Quan trọng hơn, mặc dù, cuốn tiểu thuyết cho thấy sự phát triển của hai cá nhân liên quan thông qua một tình bạn, trong đó mỗi người nhận ra điểm mạnh ở người khác mà bản thân họ thiếu thay vì bảo vệ lựa chọn cá nhân.

Trong mỗi chúng ta đều có một nhà khổ hạnh và một gã lang thang, cùng đấu tranh và tương hỗ lẫn nhau trong hành trình đời sống. Sự hợp nhất (và xung đột) của cá nhân là một chủ đề mà văn học Đức đặc biệt theo đuổi, thông qua các nhà văn như Goethe, Thomas Mann và Hermann Hesse. Trong văn học Anh, chủ đề tương tự cũng được George Eliot theo đuổi, với Goethe là người truyền cảm hứng.

Nhà khổ hạnh và gã lang thang là một câu chuyện triết học và ngụ ngôn về tình bạn của hai hình tượng nhân vật đối lập. Mối xung khắc giữa xác thịt và linh hồn, giữa con người duy cảm và duy lý, chính là một mảnh đất màu mỡ để Hesse đào sâu những suy tưởng về cuộc sống và đồng thời đó cũng là một chủ đề xuyên suốt tự cổ chí kim.

Nancy Nguyễn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-ga-lang-thang-kiem-tim-nhuc-duc-trong-moi-chung-ta-post961850.html