Những giả thuyết phi lý về đại dịch

Trong quá khứ, khi nhân loại chưa có câu trả lời chính xác về nguồn gốc của dịch bệnh, nhiều thời kỳ đặt những giả thuyết giải thích phi lý, dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng.

Nhiều thiên niên kỷ trước, dịch bệnh đã trở thành nỗi ám ảnh và sự tò mò với nhân loại.

Thời điểm y học chưa phát triển, con người đổ lỗi cho sự trừng phạt của thần linh hay do một nhóm người bị kỳ thị trong xã hội.

Điển hình như quan niệm cho rằng dịch hạch Cyprian cổ đại có thể lây nhiễm khi nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của người mang bệnh, theo History.

Cuộc thảm sát chấn động và thuyết âm mưu

Dịch bệnh cổ xưa và thậm chí ngày nay tạo ra những định kiến và ngờ vực sâu sắc. Nó là mồi lửa thúc đẩy các thành kiến nung nấu từ lâu.

Trong quá khứ, khi chưa có đủ hiểu biết về y học, các cộng đồng bị tổn thương tìm cách đổ lỗi cho người khác, vội vàng kết án họ là “những kẻ ô uế”.

Thời trung cổ, trên khắp châu Âu, dịch hạch trở thành lý do để chế giễu và tàn sát người Do Thái. Theo bài nghiên cứu The Massacre of St. Bartholomew: Reappraisals and Documents của Robert J. McCue, không tìm ra nguyên nhân gây ra dịch hạch, ngày 14/2/1349, 1.500 đến 2.000 người Do Thái bị thiêu sống tại thành phố Strabourg. Vụ thảm sát chấn động trở thành nỗi ám ảnh lịch sử.

Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dịch tả lan rộng khắp châu Âu. Một lần nữa, nguyên nhân thuyết âm mưu lại được đưa ra để lý giải về dịch bệnh.

Cụ thể, theo History, những người nghèo và nhóm bị thiệt thòi buộc tội giới cầm quyền sử dụng thuyết âm mưu giai cấp để tiêu diệt hàng ngũ của nhóm người yếu thế.

 Bức tranh "Ngày tận thế" trong bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật, Vienne, Pháp. Nguồn: Getty.

Bức tranh "Ngày tận thế" trong bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật, Vienne, Pháp. Nguồn: Getty.

Đổ lỗi cho thần linh và đấng tối cao

Khi hàng loạt người dân bắt đầu chết một cách không thể giải thích, nhiều nền văn hóa sơ khai tìm cách lấy câu trả lời từ những vị thần linh, thần báo thù hoặc sự không tha thứ của đấng tối cao.

Trong tác phẩm sử thi kinh điển Iliad và Odyssey của Homer, dịch bệnh bắt nguồn từ mũi tên của thần Apollo. Cuộc chiến thành Troia nổ ra vì Agamemnon khinh bỉ thầy tế của Apollo. Thần ánh sáng nổi cơn thịnh nộ, bắn mũi tên mang mầm bệnh sang doanh trại của quân đội Hy Lạp.

Năm 1348, vua Philippe IV của Pháp yêu cầu những bộ óc y học vĩ đại nhất của Đại học Paris truy tìm nguyên nhân của dịch hạch. Trong số những tài liệu gửi về cho nhà vua, có một ghi chép chi tiết đổ lỗi dịch bệnh do lỗi của thiên đàng và các vì sao.

Cụ thể, họ viết: Khoảng 1 giờ sau buổi trưa 20/3/1345, sự kết hợp của sao Thổ, sao Hỏa, sao Mộc gây ra nguyệt thực và khiến mầm bệnh từ lòng đất trỗi dậy, giết chết nhân loại.

Theo quan niệm xưa, bệnh tật là đại diện của ác quỷ trừng phạt con người thời trung cổ ở Pháp. Nguồn: Getty.

Các nhà triết học cổ đại như Albertus Magnus hay Aristotle tiếp tục kết nối dấu hỏi từ dịch hạch với các hành tinh.

Sao Mộc ẩm ướt và nóng lên khiến hơi độc bốc lên khỏi mặt đất. Sau đó, sao Hỏa tiếp tục nung nóng hơi độc, đốt cháy chúng.

Kết quả là có mưa, sấm, sét, hơi độc tràn lan qua không khí. Những cơn gió gieo rắc dịch bệnh đi khắp nơi khiến bất kỳ ai hít phải khói độc cũng bị tổn thương phổi, nhiễm bệnh rồi chết.

Vài thế kỷ sau, những hơi độc mang bệnh tật tiếp tục được gọi với cái tên khác - miasma. Bất kỳ không khí nào có mùi khó chịu sẽ là dấu hiệu về mầm bệnh.

Điều đó lý giải vì sao trong trận dịch năm 1665, xuất hiện một số bác sĩ đeo mặt nạ hình mỏ chim chứa đầy hoa thơm để khỏi bị chướng khí xâm nhập cơ thể.

Không chỉ có những giả thuyết trên, năm 1889, cúm Nga hoành hành khiến nhiều quan điểm quái gở ra đời. Theo History, tờ New York Herald thời bấy giờ suy đoán cúm có thể lây truyền qua các dây điện tín sau khi thấy một lượng lớn người làm trong ngành này mắc bệnh.

Nhiều người khác đưa giả thuyết mầm bệnh bắt nguồn từ những lá thư gửi từ châu Âu bởi những người đưa thư bắt đầu ngã bệnh.

Tại Detroit, nhóm giao dịch viên ở ngân hàng nhiễm bệnh khiến nhiều người vội vàng kết luận cúm Nga lây lan từ việc xử lý tiền giấy. Các thủ phạm bất đắc dĩ khác là bụi, tem thư và sách.

Những quan niệm sai và đổ lỗi khi chưa hiểu rõ về một hiện tượng kỳ lạ nào đó xảy ra khá phổ biến trong quá khứ. Nhờ có sự phát triển của khoa học, con người đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm là virus, vi khuẩn.

Các đại dịch đã được đẩy lùi nhờ phát minh vaccine và thuốc. Tuy nhiên, đến nay, nhiều dịch bệnh vẫn là ẩn số chờ giải mã.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-gia-thuyet-phi-ly-ve-dai-dich-post1071878.html