Những giải pháp thiết thực trong huấn luyện, quản lý tư tưởng bộ đội

Cán bộ các cấp bám sát bộ đội, nắm chắc khả năng, trình độ của từng chiến sĩ, chủ động phân loại đối tượng để có phương pháp huấn luyện, bồi dưỡng phù hợp. Đó là những kinh nghiệm, giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, quản lý tư tưởng bộ đội của Sư đoàn 316 (Quân khu 2).

Phút giải lao sau giờ huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 (Quân khu 2).

Cán bộ các cấp bám sát bộ đội, nắm chắc khả năng, trình độ của từng chiến sĩ, chủ động phân loại đối tượng để có phương pháp huấn luyện, bồi dưỡng phù hợp. Đó là những kinh nghiệm, giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, quản lý tư tưởng bộ đội của Sư đoàn 316 (Quân khu 2).

Coi trọng công tác chuẩn bị

Hằng năm, các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 316 đều được giao huấn luyện số lượng chiến sĩ mới gấp nhiều lần so với các đơn vị khác trong quân khu. Đại tá Nguyễn Quốc Triệu, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 cho biết, khó khăn lớn nhất khi chiến sĩ mới tăng đột biến là thiếu cán bộ và thao trường huấn luyện. Để tháo gỡ vấn đề này, đơn vị đã điều chuyển, dồn dịch cán bộ một cách hợp lý, huy động cả cán bộ binh chủng tham gia huấn luyện; tận dụng tối đa thao trường, bố trí xoay vòng đổi tập giữa các đơn vị...

Để đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ binh chủng hoàn thành nhiệm vụ, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, đã tích cực tổ chức tập huấn, bồi dưỡng thống nhất nội dung, phương pháp huấn luyện; bố trí xen kẽ giữa cán bộ binh chủng với cán bộ bộ binh để phối hợp giúp đỡ nhau trong huấn luyện. Bên cạnh đó, quá trình huấn luyện các đối tượng, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn thường xuyên chỉ đạo tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời. Cụ thể, cấp trung đội, đại đội tổ chức rút kinh nghiệm tuần đầu; cấp tiểu đoàn đến trung đoàn tổ chức rút kinh nghiệm tháng đầu huấn luyện.

Trung tá Lâm Dũng Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 174 cho rằng, việc tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời trong huấn luyện giúp đơn vị phân loại được từng đối tượng: Với các chiến sĩ có kết quả huấn luyện khá, giỏi thì cho trao đổi, thảo luận nhằm phổ biến kinh nghiệm hay, phương pháp tốt; các chiến sĩ có kết quả không đạt, hoặc đạt thấp thì phân tích tìm nguyên nhân để khắc phục theo hướng “yếu nội dung nào, rèn nội dung đó”. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, kết quả huấn luyện chiến sĩ mới của Trung đoàn 174 luôn đạt kết quả cao hơn so với các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 316.

Rèn cán rồi mới rèn binh

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, những năm qua, Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn 316 đặc biệt chú trọng rèn luyện đội ngũ cán bộ toàn diện cả về phẩm chất lẫn năng lực, nhất là đội ngũ sĩ quan trẻ mới ra trường, lần đầu tham gia huấn luyện, kinh nghiệm công tác còn yếu, còn thiếu. Để giải quyết bài toán này, đơn vị xác định đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, nhất là cấp tiểu đoàn, đại đội phải trực tiếp vào cuộc, thường xuyên sâu sát, tận tình bồi dưỡng, tích cực giúp đỡ các chiến sĩ từng bước trưởng thành, tiến bộ.

Đề cập vấn đề này, Thượng tá Hoàng Văn Giáp, Chính ủy Trung đoàn 98 cho biết: Để nắm chắc chất lượng đội ngũ cán bộ, Đảng ủy, Chỉ huy Trung đoàn thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tổ chức sinh hoạt tập trung, đối thoại giữa cấp ủy, chỉ huy với đội ngũ sĩ quan trẻ, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ để tìm cách tháo gỡ, tránh phát sinh tình hình tư tưởng, ảnh hưởng chất lượng huấn luyện tại đơn vị. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sử dụng rộng rãi phiếu thăm dò trong cán bộ, chiến sĩ về trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức của cán bộ để nắm chắc tình hình tư tưởng của đội ngũ cán bộ trong toàn đơn vị.

Đại tá Tô Quang Hanh, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 khẳng định, 100% hệ thống giáo án của cán bộ tham gia huấn luyện trong toàn sư đoàn đều phải viết bằng tay, do chính cán bộ thực hiện, tuyệt đối không cho phép sử dụng bản đánh máy. Đây là yêu cầu bắt buộc của sư đoàn. Anh Hanh lý giải, việc này nhằm tránh hiện tượng cán bộ sao chép giáo án, hoặc nhờ chiến sĩ chép. Bởi, mỗi lần soạn giáo án, trực tiếp chép tay là một lần người cán bộ có điều kiện luyện giáo án, trau dồi kiến thức. Bên cạnh đó, quá trình giao nhiệm vụ, cấp ủy, người chỉ huy đều căn cứ năng lực, trình độ, sở trường, sở đoản của từng người để bố trí công việc sao cho phù hợp; giao nhiệm vụ phải rõ ràng, quán triệt cụ thể, tránh hiện tượng cán bộ “không hiểu nhưng vẫn nhận, vẫn làm”, tức là, không biết mình có đảm đương được công việc hay không nhưng vẫn “sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ”, để rồi làm việc lơ mơ, không hiệu quả, thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ được giao, ảnh hưởng đến thành tích chung của đơn vị.

Để đội ngũ cán bộ, chiến sĩ luôn yên tâm công tác, đơn vị xác định, từ Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn đến đội ngũ cấp ủy, chỉ huy các cấp đều phải gần gũi, chia sẻ, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng cán bộ, chiến sĩ, qua đó giúp họ toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ được giao…

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38141602-nhung-giai-phap-thiet-thuc-trong-huan-luyen-quan-ly-tu-tuong-bo-doi.html