Những giáo viên tâm huyết với cộng đồng

Cùng với nhiệm vụ 'gieo chữ, trồng người', nhiều giáo viên còn nhiệt huyết cống hiến vì cộng đồng và giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng những phần việc thiết thực. Những việc làm có ý nghĩa, xuất phát từ tâm ấy càng tôn vinh, tô thắm thêm hình ảnh đẹp đẽ của những thầy, cô giáo luôn biết sẻ chia những điều tốt đẹp.

Thầy giáo Nguyễn Văn Huynh cảm thấy ấm lòng khi vận động được những suất cơm ngon cho học sinh điểm trường Càng - Ảnh: Đ.V

Là một người con sinh ra và lớn lên ở thôn được ví như “ốc đảo” Hội Điền, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, thầy giáo Nguyễn Văn Huynh - giáo viên điểm trường Càng, Trường TH&THCS Hải Hòa rất thấu hiểu sự khó khăn của vùng đất cách trở này cũng như việc học gian nan của học sinh nơi đây. Thầy Huynh cho biết, điểm trường hiện có 61 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, đa phần các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, thầy Huynh về dạy học tại điểm trường Càng. Thấu hiểu được con em quê hương vốn còn chịu nhiều khó khăn, thua thiệt nên song song với quá trình dạy chữ, thầy Huynh cũng quan tâm tìm hiểu hoàn cảnh của nhiều học sinh để kết nối, kêu gọi giúp đỡ.

Trong số nhiều học sinh đã được vận động hỗ trợ bằng nhiều cách khác nhau, học kỳ này thầy Huynh đã tự đóng tiền trường cho một học sinh mồ côi mẹ và có hoàn cảnh rất khó khăn. Trước đó, một học sinh lớp 2 có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn cũng được thầy Huynh và nhà trường giúp đỡ bằng nhiều hình thức, trong đó có việc phát động mô hình nuôi “Heo đất” để giúp đỡ lâu dài... Với đặc thù ở vùng thấp trũng, điểm trường Càng thường xuyên bị cô lập mỗi khi xảy ra mưa lớn liên tục, kéo dài hoặc có bão lũ.

Trong khi trường không tổ chức bán trú nên mỗi khi có lũ lụt học sinh thường mang theo mì tôm, cà mèn cơm để ở lại. Hoàn cảnh nhiều gia đình khó khăn nên bữa trưa đạm bạc khó có thể làm các em ấm lòng trong suốt một ngày dài học hành.

“Thấu hiểu và chứng kiến nỗi khó khăn đó, tôi đã mạnh dạn vận động, kết nối được nhiều tấm lòng chia sẻ và may mắn có nhiều người đã hỗ trợ các em. Đến nay, đã có hàng nghìn suất cơm trưa ấm nóng kịp thời chuyển đến ủng hộ các em. Chỉ tính riêng những ngày mưa bão, lũ lụt năm nay, đã có khoảng 400 suất cơm dinh dưỡng được gửi tặng các em. Thấy các em vui vẻ, ăn ngon tôi cảm thấy thật ấm lòng và vui lây”, thầy Huynh chia sẻ.

Không chỉ vậy, những năm qua thầy Huynh cũng đã vận động được hàng trăm áo phao giúp học sinh của điểm trường Càng nói riêng và nhà trường nói chung. Đợt mưa lũ đầu tháng 11/2023, thông qua thầy Huynh, nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ 61 áo phao cho toàn bộ học sinh điểm trường Càng để đi học an toàn. Cùng với đó, một số tấm lòng cũng ủng hộ toàn bộ chi phí tiền xăng phục vụ đò máy đưa đón các em đi đến trường khi đường đi bị ngập...

“Hiện tôi đang xin cặp xách, sách vở cho các em, các nhà hảo tâm đã đồng ý. Hy vọng món quà này sẽ sớm đến với các em nhằm chia sẻ phần nào khó khăn”, thầy Huynh nói.

Nhiều thế hệ học trò ở vùng trũng này nhờ những sự giúp đỡ thầm lặng của thầy Huynh đã vượt qua những khó khăn trước mắt để vững bước đến trường học chữ, vun đắp ước mơ tương lai tươi sáng.

Cô Lê Nam Linh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn cũng là một giáo viên tâm huyết với học sinh nghèo hiếu học. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết ngay từ năm 2009, khi còn công tác tại Trường THPT Chu Văn An (huyện Triệu Phong), cô Linh đã mở lớp dạy văn miễn phí cho học sinh với tên gọi là lớp học “Niềm vui”. Nhờ phương pháp truyền thụ gần gũi với cuộc sống, với những kiến thức luôn được cập nhật, mà học sinh đến với lớp học “Niềm vui” của cô Linh rất đông, tạo động lực giúp nhiều em yêu thích môn học này...

Cô Linh bảo rằng, học văn quan trọng nhất là văn hóa đọc và phải đọc nhiều, đồng thời với đó là đọc phải có phương pháp, phải hiểu. Đó cũng là lý do sau mỗi buổi dạy học, lớp học “Niềm vui” được cô dành thêm một khoảng thời gian giới thiệu sách. Ban đầu cô là người giới thiệu. Các buổi sau, mỗi học sinh trong lớp đều mang đến ít nhất một cuốn sách mà mình đã đọc và cảm thấy hay, có ý nghĩa để giới thiệu, tương tác cùng các bạn. Hành trình khơi dậy văn hóa đọc của cô Linh cũng là một câu chuyện thật dài.

Cô Linh còn tình nguyện làm cầu nối chuyển sách văn học đến những điểm trường tại những vùng đặc biệt khó khăn. Bằng nỗ lực không mệt mỏi, cô Linh đã tham gia chương trình Sách hóa nông thôn, một chương trình phi lợi nhuận đem tri thức đến những vùng miền xa xôi.

Cô cùng với anh Lê Minh Tuấn là “mạnh thường quân” của chương trình đã tặng hàng chục tủ sách cho hàng chục trường TH&THCS trên địa bàn tỉnh... Khi về công tác tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, cô Linh tình nguyện làm người trao truyền học bổng được tài trợ từ những cựu học sinh thành đạt đến các học sinh hiếu học của trường.

Cô Linh cũng đã trực tiếp bán đấu giá những cuốn sách quý hiếm của mình rồi dùng số tiền đó mua phiếu cơm giúp đỡ những học sinh nghèo vượt khó. Từ sau đợt COVID-19 đến nay, cô Linh tạm thời nghỉ dạy lớp học “Niềm vui”, nhưng cô nói rằng sẽ tiếp tục vào một thời điểm thích hợp.

“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục vận động, ủng hộ chương trình “Bữa cơm gắn kết yêu thương” của nhà trường, tặng phiếu cơm cho học sinh mồ côi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang ở ký túc xá tại trường. Tiếp tục đồng hành với chương trình Sách hóa nông thôn; kết nối học bổng cho học sinh nghèo và học sinh trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia có hoàn cảnh khó khăn của trường; kêu gọi, vận động hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, áo quần, nhu yếu phẩm... cho học sinh vùng cao của tỉnh”, cô Linh bộc bạch.

Với những cống hiến thầm lặng của mình, cô giáo Lê Nam Linh đã được lãnh đạo các cấp nhiều lần khen thưởng và luôn được các đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh trân quý.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/nhung-giao-vien-tam-huyet-voi-cong-dong/181501.htm