Những giờ 'trực chiến' cùng bão của lực lượng cứu nạn tàu

Điện thoại vừa đặt xuống đã lại đổ chuông; giám đốc, thuyền trưởng tàu SAR cùng toàn bộ nhân viên Phòng phối hợp cứu nạn đều có mặt để xử lý từng thông tin báo nạn một cách khẩn trương và chính xác nhất. 50 tiếng đồng hồ qua, lực lượng cứu nạn hàng hải đã thức cùng ngư dân trong cơn chạy bão số 10.

Tàu SAR 412 ra biển cứu ngư dân trong bão số 10, ngày 14-9.

Tàu SAR 412 ra biển cứu ngư dân trong bão số 10, ngày 14-9.

NDĐT – Điện thoại vừa đặt xuống đã lại đổ chuông; giám đốc, thuyền trưởng tàu SAR cùng toàn bộ nhân viên Phòng phối hợp cứu nạn đều có mặt để xử lý từng thông tin báo nạn một cách khẩn trương và chính xác nhất. 50 tiếng đồng hồ qua, lực lượng cứu nạn hàng hải đã thức cùng ngư dân trong cơn chạy bão số 10.

Chạy đua với bão cứu ngư dân

Trước khi đổ bộ vào đất liền ngày 15-9, bão số 10 đã càn quét qua Biển Đông với sức gió cực lớn. Hàng trăm nghìn lượt tàu thuyền đã được thông báo quay về bờ tránh bão. Nhưng trên con đường trở về ấy, không may có những con tàu chết máy, gặp sự cố khiến thuyền viên đối mặt với nguy cơ bỏ mạng trên biển. Và những người họ cầu cứu đầu tiên chính là lực lượng cứu nạn hàng hải.

Khi chúng tôi đặt chân đến Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 ở Đà Nẵng vào chiều 15-9 thì bão đã đi qua biển vào đất liền. Trưởng phòng phối hợp cứu nạn Nguyễn Hữu Thịnh cho biết, hơn 50 tiếng đồng hồ ông chưa về nhà. Ca trực của ông kéo dài từ 18 giờ ngày 13 tới ngày 15-9 vẫn chưa kết thúc.

Trong ngày cao điểm 14-9, từ năm giờ sáng, Trung tâm 2 bắt đầu nhận thông tin nhiều tàu trong quá trình di chuyển vào bờ bị ảnh hưởng. Đến tám giờ sáng, phòng huy động 100% quân số túc trực, cứ vừa thả điện thoại xuống là có chuông reo báo nạn. Trung tâm phải điều thêm người từ phòng khác sang trực tăng cường cho phòng Phối hợp cứu nạn. Giám đốc, thuyền trưởng cũng lên phòng nghe thông tin để nhận định vụ việc nào nóng nhất để triển khai.

Hai ngày qua, người dân kéo tới ngồi đầy tại Trung tâm. Những tiếng cầu cứu, tiếng khóc nỉ non của người vợ ngóng tin chồng, của người mẹ cầu xin cứu con trai, của những ngư dân khổ hạnh ngóng về biển, chờ tin cứu vớt con tàu – gia sản cả cuộc đời mình… vốn là nỗi ám ảnh da diết lại làm lay động trái tim những người cứu nạn. Trung tâm phải bố trí riêng một bộ phận tiếp người thân của gia đình thuyền viên tàu gặp nạn, trấn an tinh thần của người những người trên bờ.

Phòng phối hợp cứu nạn đổi ca cho nhau để tiếp nhận thông tin cho tới 18 giờ chiều tối 14-9. Kíp trực đêm được tăng cường thêm hai chuyên viên để bảo đảm không để lọt thông tin cứu nạn. Khi bão mạnh lên, các phương tiện tàu thuyền vào gần hết trong bờ, anh em mới thở phào nhẹ nhõm.

Căng mình tìm cách cứu ngư dân

Trung tâm khu vực 2 chịu trách nhiệm vùng biển từ Quảng Trị đến phía nam Bình Định. Khi có bão, Trung tâm cập nhật thông tin liên tục từ Đài khí tượng thủy văn T.Ư và từ Hồng Công (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản để đánh giá tình hình hướng di chuyển, cấp độ của bão. Từ đó, Trung tâm sẽ gửi thông tin cho đài thông tin duyên hải, lực lượng biên phòng, thông báo cho các phương tiện trong vùng chịu ảnh hưởng của bão để có phương án tránh bão.

Phòng phối hợp cứu nạn tổ chức ê-kíp trực thường xuyên, tăng cường chuyên viên của phòng. Ngày 13 và 14-9 gần như bố trí lực lượng 100%.

“Những ngày qua có thể gọi là chúng tôi cháy máy điện thoại. Vừa đặt điện xuống lại phải nhấc lên, quay cuồng xử lý thông tin, quay cuồng trấn an người dân yên tâm để Trung tâm tìm cách phối hợp cứu nạn”, ông Nguyễn Hữu Thịnh chia sẻ.

Hơn 10 tin báo nạn trong những ngày qua nhưng có những vụ tàu gặp nạn ở rất xa, ngoài tầm với của Trung tâm vì điều kiện sóng to, gió lớn của bão. Cả Trung tâm phải “cân não”, xử lý ưu tiên cho những tàu đang trong tình trạng nguy hiểm nhất. sau đó sẽ tiếp tục xử lý đối với những tàu ở mức độ nguy hiểm nhẹ hơn.

Nhờ làm tốt công tác dự đoán và thông báo cho tàu thuyền ở khu vực nên trong cơn bão số 10, thiệt hại về tàu thuyền giảm nhẹ so với những năm trước. Chỉ có những tàu ở quá xa bờ, trong quá trình di chuyển bị ảnh hưởng cơn bão thì bị tổn thất nhưng rất may mắn đến giờ mới ghi nhận những thiệt hại về mặt vật chất.

Ngày 13 và 14-9, Trung tâm 2 tiếp nhận 11 thông tin, trong đó có những chủ tàu có bốn tàu gặp nạn trên biển đã tới cơ quan và cả người thân gia đình tới cơ quan yêu cầu cứu nạn. “Chúng tôi cố gắng bằng mọi biện pháp phối hợp với biên phòng, hải quân vùng 3, cảnh sát biển vùng 2, kiểm ngư để hỗ trợ quyết liệt, giảm thiệt hại về tài sản và người cho ngư dân”, ông Nguyễn Hữu Thịnh nói.

Điều khiến những người cứu nạn băn khoăn nhất là do phương tiện còn thiếu thốn, không đáp ứng được với sự mong muốn của ngư dân. Có lúc nhận 2-3 vụ việc xảy ra cùng lúc nhưng ít tàu nên phải ưu tiên trường hợp nguy hiểm nhất, sau đó mới tính phương án di chuyển về hoặc phối hợp lực lượng khác huy động ứng cứu ngư dân.

Nhìn cảnh bà con ngư dân vợ gặp chồng, mẹ gặp con, những người cứu nạn như ông Thịnh rất cảm động. “Chỉ tiếc có những trường hợp phương tiện của mình tầm với không tới do vụ việc xảy ra quá xa không thể cứu được ngư dân”, ông Thịnh tiếc nuối.

Sau 50 tiếng trực xuyên hai đêm, ông Thịnh xúc động nghẹn ngào nói, kỳ tích lớn nhất của Trung tâm trong cơn bão số 10 qua là cứu được 11 thuyền viên của tàu ĐNa 90876 TS do ông Nguyễn Cu thường trú tại số 23 đường Đào Duy Kỳ, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng.

Tàu bị hỏng máy lúc 9 giờ ngày 14-9, ở vùng biển Thừa Thiên-Huế. Dưới tác động của gió bão, tàu trôi dạt về phía đông với tốc độ nhanh (gần ba hải lý/giờ). Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sóng cao 3-4m, 11 thuyền viên trên tàu hoang mang hoảng loạn vì tàu mất khả năng cơ động, hoàn toàn không có khả năng chống đỡ trước gió bão, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II đã lập tức cho phát thông báo hàng hải khẩn cấp, giữ liên lạc với tàu, động viên trấn an tinh thần thuyền viên, đồng thời phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng kêu gọi tàu thuyền gần khu vực hỗ trợ.

Sau đó, Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam ngay lập tức điều động tàu SAR 412 tại Đà Nẵng đi cứu nạn. Sau nhiều giờ chạy đua với thời gian, trong điều kiện sóng gió vô cùng khắc nghiệt, tàu SAR 412 đã cứu được 11 thuyền viên và hỗ trợ lai dắt đưa tàu ĐNa90875TS cập cảng X50 - Đà Nẵng an toàn lúc 14 giờ cùng ngày.

Sau đây là một số thông tin về hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển do ảnh hưởng của bão số 10 trên khắp cả nước:

Theo báo cáo của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, lúc 7 giờ 15 phút ngày 14-9, tàu QNg 98687 TS bị hỏng máy thả trôi tại vị trí 16-23N, 108-30E (cách Đà Nẵng 20 hải lý) trên tàu có hai thuyền viên. Lúc 9 giờ 15 ngày 14-9, tàu cá ĐNa 090875 TS cùng 11 thuyền viên hỏng máy thả trôi, không thể khắc phục được, vị trí tàu cách Đà Nẵng tám hải lý về phía bắc. Tại khu vực biển này, do ảnh hưởng của bão, có gió cấp 7-8, sóng cao từ 3-4m. Trung tâm 2 đã điều động tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 412 đi cứu nạn hai vụ việc trên. Đến thời điểm 15 giờ ngày 14-9, tàu SAR 412 đã đưa được tàu ĐNa 90875 TS về nơi trú ẩn an toàn. Tàu QNg 98687 TS đang được tàu KN 360 tiếp cận hỗ trợ.

Lúc 8 giờ 15 phút ngày 14-9, tàu cá BĐ 93065 TS có tám thuyền viên bị hỏng máy thả trôi tại vị trí cách Nha Trang 70 hải lý về phía bắc đông bắc, trong điều kiện thời tiết tại khu vực rất xấu. Trung tâm đã điều động một tàu cá BĐ 93593 TS tới hỗ trợ tàu BĐ 93065 TS, đến 3 giờ 40 phút ngày 15-9, tàu bị nạn ở vị trí 13-38N, 109-23E tốc độ kéo 3-4 hải lý/giờ, tất cả thuyền viên đều sức khỏe bình thường. Dự kiến 15 giờ ngày 15-9 tàu về đến Cảng Đề Di, Bình Định.

Lúc 14 giờ 55 phút ngày 14-9, tàu cá QNg 44011 có ba thuyền viên, hỏng máy, nước tràn vào tàu tại vị trí cách tàu cá QNg 98687 TS khoảng tám hải lý. Tàu KN 360 đến hỗ trợ, tàu KD 360 đã tiếp cận, đưa toàn bộ ba thuyền viên lên tàu về Đà Nẵng lúc 20 giờ ngày 14-9.

Tàu cá QB 98789 TS trên đường vào bờ tránh bão, do máy yếu nên di chuyển chậm, yêu cầu trợ giúp, trên tàu có 19 thuyền viên. Tàu cách Quảng Bình 60 hải lý về hướng đông. Trung tâm đã thông báo hàng hải, huy động phương tiện hỗ trợ tại chỗ. Tàu chạy về Cửa Gianh, Quảng Bình với tốc độ 3-5 hải lý/giờ. Lúc 0 giờ 5 phút ngày 15-9, tàu đã về đến khu vực Cửa Gianh an toàn.

Lúc 7 giờ ngày 15-9, tàu cá Bình Định 95984 TS bị hỏng máy thả trôi không khắc phục được, trên tàu có năm thuyền viên. Lúc 16 giờ 15 phút ngày 15-9, tàu đã tạm thời khắc phục được sự cố hỏng máy và di chuyển về Quy Nhơn.

Lúc 6 giờ ngày 15-9, tại vị trí phao 14, 15 luồng Hải Thịnh, Nam Định tàu cá KG 9262 TS có một thuyền viên rơi xuống nước khi đang neo tại vị trí trên. Trung tâm đã phối hợp điều động tàu của Cảng vụ hàng hải Nam Định, Biên phòng cửa khẩu Hải Thịnh, các phương tiện KG 94748 TS và KG 9262 TS tham gia hoạt động tìm kiếm.

Lúc 15 giờ ngày 15-9, tàu cá KG 98496 TS hỏng máy thả trôi, trên tàu có năm thuyền viên. Lúc 17 giờ 30, Trung tâm đã điều động tàu SAR 411 xuất phát từ vịnh Lan Hạ đến khu vực tàu bị nạn để trợ giúp tàu và thuyền viên.

Thông tin từ các Cảng vụ hàng hải Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, tính đến 16 giờ ngày 15-9 chưa có thiệt hại nào về người và phương tiện. Các phương tiện chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn tiếp tục trực tại các vị trí có nguy cơ tai nạn, sự cố xảy ra cao gồm: tàu SAR 273 tại khu vực Cửa Lò (Nghệ An), tàu SAR 412 tại khu vực Đà Nẵng; tàu SAR 274 tại khu vực biển Nha Trang.

Đến tối 15-9, vẫn còn một tàu của Thanh Hóa đang đánh bắt ở khu vực biển Đà Nẵng bị mất liên lạc, trên tàu có 11 thuyền viên, mất liên lạc từ 18 giờ chiều. Mặc dù đã thông báo qua hàng hải cho các phương tiện đánh bắt khu vực đó quan sát nhưng hiện tại vẫn chưa có thông tin gì về số phận của con tàu này.

THẢO LÊ - THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/34103502-nhung-gio-%E2%80%9Ctruc-chien%E2%80%9D-cung-bao-cua-luc-luong-cuu-nan-tau.html