Những giọt nước mắt trên nóc nhà trong bão lũ

Giữa dòng nước lũ, hàng nghìn người dân tuyệt vọng, chỉ biết leo lên nơi cao nhất là mái nhà kêu cứu. Cùng lúc đó, những trái tim thiện nguyện cũng liên tục hướng về miền Trung.

Lũ bắt đầu dâng lên từ ngày 17/10, vợ chồng chị Nguyễn Thị Sen (40 tuổi, trú tại thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) giúp nhau kê bớt bếp ga, quạt điện, xe đạp - những đồ đạc được xem là có giá trị trong nhà - lên cao.

Đến đêm 18/10, nước ngập tràn khắp nơi, xoáy ầm ầm cùng từng cơn gió hú.

Trong màn đêm đen kịt, gia đình 6 người gồm chị Sen mang bầu ở tháng thứ 3, bố mẹ chồng đã ngoài 70 tuổi, chồng, con và em chồng chị bị mắc kẹt trên mái nhà, không thể di dời.

Đứa con đang học lớp 6 của chị Sen ôm chầm lấy mẹ, bật khóc. Những người lớn cũng không giấu được sự hoảng loạn. Trong cơn tuyệt vọng, Trung Kiên - em chồng chị Sen - đã lên mạng đăng bài cầu cứu cả đêm nhưng không có ai đến.

“Bao nhiêu năm nay chưa từng thấy trận lũ lớn thế này. Nước xoáy dữ lắm. Cả nhà ôm nhau khóc vì hoảng, chỉ biết leo lên nóc nhà kêu cứu. Sách vở của con cũng trôi hết, không có học nữa rồi”, chị Sen kể lại với Zing.

 Gia đình 6 người mắc kẹt trên nóc nhà, không có đồ ăn, nước uống giữa cơn lũ, anh Trung Kiên (Quảng Bình) đã đăng bài lên mạng nhờ cứu giúp. Ảnh: Trung Kiên.

Gia đình 6 người mắc kẹt trên nóc nhà, không có đồ ăn, nước uống giữa cơn lũ, anh Trung Kiên (Quảng Bình) đã đăng bài lên mạng nhờ cứu giúp. Ảnh: Trung Kiên.

Những tiếng kêu cứu xé màn đêm

Đêm 17 và 18/10 cũng là những đêm dài kinh hoàng với hầu hết người dân Quảng Trị, Quảng Bình khi mưa không ngớt, lũ dâng nhanh, nhấn chìm tất cả. Nhiều người tuyệt vọng, chỉ còn biết leo lên nóc nhà, đăng thông tin địa chỉ, khu vực bị cô lập và số điện thoại lên mạng để nhờ sự giúp đỡ.

Những khung cảnh mất mát, tang thương dồn dập, đau xót ở khúc ruột miền Trung liên tục được cập nhật.

Đó là hình ảnh các cụ già ngồi co ro trên mái nhà, ánh mắt nhìn xa xăm kiếm tìm sự cứu giúp giữa mênh mông biển nước.

Đó là khoảnh khắc những em nhỏ nằm ngủ trên chiếc bè chuối làm vội, trong khi người lớn thức canh cả đêm, sốt ruột cầu mong nước đừng lên cao nữa.

Đó là cảnh những em bé sơ sinh khóc xé màn mưa. Hay chiếc quan tài của người đã khuất treo trên nóc nhà suốt nhiều ngày nhưng chưa thể đưa đi an táng.

“Rất đau thương khi có những gia đình ngồi kêu cứu cả đêm lúc nước lũ lên”, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, nói.

Chính quyền, lực lượng xung kích, vũ trang, quân đội, biên phòng, công an ở các địa phương này cũng đã có những đêm trắng đầy căng thẳng, khẩn trương ứng cứu nhân dân trong cơn nước lớn.

Người dân Quảng Trị leo lên nóc nhà để tránh lũ. Ảnh: Ngọc Tân.

Bên cạnh các đội ứng cứu lũ lụt của chính quyền và cơ quan chức năng, nhiều ngày qua, sự xuất hiện của những biệt đội cano, nhóm giải cứu bằng thuyền, bè do người dân lập ra cũng trở thành tia hy vọng cho bà con vùng ngập lũ.

Trong đó, Biệt đội cano 0 đồng, do anh Trần Đăng Vinh (Đà Nẵng) thành lập, đã liên tục huy động cano, thuyền hoạt động hết công suất để đưa bà con từ nơi ngập lụt đến chỗ trú ẩn an toàn.

Sau Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, đội của anh Vinh hiện tập trung toàn lực cho việc cứu hộ, di tản người dân tại Quảng Bình. Những ngày qua, số điện thoại cứu trợ của nhóm liên tục trong tình trạng cháy máy.

Chỉ cần nhận được lời kêu cứu, các thành viên lại sẵn sàng lên đường, chạy hết công suất, bằng mọi giá điều động cano tải trọng lớn, khẩn trương cứu hộ hàng trăm người bị mắc kẹt.

Như chia sẻ trên fanpage, tối 19/10, vừa về đến chỗ nghỉ ngơi thì nghe tin có vụ chìm thuyền, các anh em của Biệt đội cano 0 đồng lại lập tức lên đường đi cứu nạn. Họ ăn nhanh phần cơm người dân nấu còn sót lại trên xe để có sức chiến đấu.

Biệt đội cano 0 đồng tích cực ứng cứu bà con vùng lũ trong hơn 10 ngày qua. Ảnh: Biệt đội cano 0 đồng.

Dựa vào tình hình nước lũ lên nhanh, người dân vùng bị ngập lụt gặp nguy hiểm, ngay trong đêm 18/10, CLB Xuồng hơi Miền Bắc đã xuất phát vào miền Trung để góp sức hỗ trợ cùng bà con.

Anh Hữu Hạnh (quê Nghệ An), thành viên CLB, chia sẻ với Zing sáng 19/10 rằng một nhóm bị mắc kẹt trên đường quốc lộ do ảnh hưởng từ vụ tai nạn, còn lại các thành viên đã có mặt ở vùng lũ khẩn trương tập trung cứu hộ ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).

"Mọi người đang leo lên nóc nhà, trời mưa to, nước chảy xiết rất nguy hiểm", anh chỉ kịp chia sẻ ngắn gọn trước khi quay trở lại điều hành công tác cứu hộ.

Những ngày qua, CLB Đà Nẵng Tình Người phối hợp với CLB Thuyền hơi Đà Nẵng và CLB Thuyền hơi Hà Nội cũng gấp rút tập trung nguồn lực cho cano cứu hộ cứu nạn, xe múc dọn dẹp sau bão lũ.

Tất cả hướng về miền Trung

Ngay khi biết về hoạt động cứu hộ, cứu nạn của Biệt đội cano 0 đồng, nhiều ngày qua, chị Hoàng Thị Phương Thảo (Đà Nẵng) liên tục tìm thuê cano để chuyển ra tiếp tế cho đội của anh Trần Đăng Vinh.

Sau khi điều được 2 cano, chị Thảo nhờ xe tải cẩu để chở vào Quảng Bình. Bên cạnh đó, chị còn đứng ra kêu gọi và thu gom đồ quyên góp cho bà con vùng lụt.

Nói với Zing, chị Thảo cho hay sáng 20/10, nhóm của chị xuất phát từ Đà Nẵng chở 20 tấn hàng hóa gồm gạo, mì tôm, lương khô, bánh, thuốc, nước, sữa, 2.000 chiếc bánh chưng, bánh tét và 3.000 áo phao ra Quảng Bình.

Do giao thông ách tắc, không thể di chuyển, nhóm của chị kẹt lại ở khu vực xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy.

"Có đến tận nơi mới thấy sự hoang tàn, khủng khiếp của thiên nhiên. Mọi ngả ngập chìm trong biển nước, đường mà cứ ngỡ là sông, sóng đánh dồn dập. Bà con co ro đội mưa, gió chờ nhận chút ít lương thực để cầm cự qua ngày. Nhìn xót xa thực sự", chị Thảo cho biết.

Tình trạng ách tắc tại đoạn đường qua xã Lệ Thủy, huyện Hồng Thủy, tỉnh Quảng Bình chiều 20/10. Ảnh: Phương Thảo.

Khi đọc được thông tin, xem hình ảnh về nhiều nơi bị ngập, sạt lở, trẻ em được cứu từ dưới bùn lên, bà con trèo lên nóc nhà kêu cứu, chị Trịnh Thị Viết - Phó chi hội phụ nữ xóm Yên Hội (xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) - bật khóc vì xót xa.

Với mong muốn san sẻ gánh nặng với đồng bào, chị cùng một số người khởi xướng hoạt động gói bánh chưng cứu trợ cho bà con vùng lụt và kêu gọi sự giúp đỡ của người dân trong xóm. Từ 14h chiều 19/10 tới sáng 20/10, hơn 1.000 chiếc bánh chưng được gói xong và mang đi luộc.

Ngoài bánh chưng, từ nhiều ngày qua, chị Viết đã gom thực phẩm thiết yếu, tiền quyên góp từ nhiều mạnh thường quân. Đến nay, chị ước lượng đã thu được gần 2.000 thùng mì tôm, 100 thùng lương khô, hơn 100 thùng sữa, quần áo, thuốc men. Toàn bộ hàng cứu trợ được vận chuyển tới vùng lũ lụt Quảng Bình, Quảng Trị vào sáng 21/10.

Hơn 3 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán, nhưng hình ảnh người dân cả nước hối hả gói bánh chưng để gửi tới đồng bào vùng lũ lụt được liên tục chia sẻ, khiến cộng đồng mạng cảm thấy ấm lòng.

Hiện tại, mưa đã tạnh dần, nước lũ đang rút nhưng không có nghĩa khó khăn của người dân vùng lũ sẽ vơi đi. Bởi vậy, những lời kêu gọi ủng hộ vật chất, tiền bạc cho đồng bào miền Trung vẫn được hưởng ứng nhiệt tình.

Người dân xóm Yên Hội (Nghệ An) thức đêm gói hơn 1.000 chiếc bánh chưng để ủng hộ bà con vùng lụt. Ảnh: Trịnh Thị Viết.

Sau gần 3 ngày cả nhà không có gì ăn, phải hứng nước mưa để cầm cự, gia đình 6 người của chị Nguyễn Thị Sen đã được đội cứu trợ do ông Nguyễn Duy Tiễn - Chủ tịch xã Võ Ninh dẫn đoàn - tiếp tế cơm, thức ăn, mì tôm, nước uống vào 10h sáng 20/10.

Vừa thấy thuyền tiến sát nhà, con chị Sen đã reo lên vui mừng vì biết rằng trưa không phải nhịn đói nữa.

Chị Sen cho hay những ngày qua, cả nhà chị thấp thỏm, không thể ngủ ngon vì lo sợ nước lũ. Nhưng may mắn là tình hình sức khỏe các thành viên trong gia đình vẫn ổn. Hiện nước lũ rút dần, còn ngập khoảng 1 m.

"Giờ chỉ mong mọi người giúp đỡ gia đình vượt qua được khó khăn là mừng rồi. Nếu còn bão nữa thì sợ chắc không còn chi nữa. Đồ đạc trôi hết, ngập hết rồi. Mong nước mau rút để gom góp xây cái nhà kiên cố hơn, cuộc sống trở lại bình thường", chị Sen nói giữa căn nhà bị cô lập giữa biển nước mênh mông.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-giot-nuoc-mat-tren-noc-nha-trong-bao-lu-post1144353.html