Những group theo chủ đề cho người dùng thứ quyền lực ảo

Dù có kiểm duyệt, nhưng những bài đăng ở các group trên mạng xã hội đều tương đối dễ dãi, thiếu sự kiểm chứng thế nên không phải câu chuyện nào của các thành viên trong group cũng đáng tin cậy.

Ấy thế nhưng lại không phải thành viên nào cũng ý thức được điều ấy, thậm chí họ còn chẳng quan tâm. Cái mà các thành viên “được” qua các câu chuyện họ nghe, đọc trên group, đó là được bày tỏ quan điểm một cách tự do, được nói những gì mình thích và quan trọng hơn, đó là họ được phán xét. Có lẽ, đó mới chính là cái mà những group có tính chất tiêu cực lại dễ dàng thu hút thành viên đến vậy.

Những group trên mạng xã hội được lập thường sẽ hướng vào một nội dung, một trạng thái nhất định để hút người tham gia. Ví dụ group về ô tô sẽ hút những thành viên đã và đang sử hữu xe bốn bánh, hoặc những người có liên quan, group về yêu bếp sẽ là nơi tụ tập các mẹ, các chị, thậm chí là các anh yêu thích nội trợ và khéo léo bếp núc, group tâm sự eva sẽ là những câu chuyện bức bối thường ngày của các nàng dâu, của các mẹ, các bà vợ… về cuộc sống của mình… Và không thiếu nhưng group được thành lập riêng để xả bức xúc như group nói xấu chồng/mẹ chồng, những group chỉ để chửi bới, hoặc những group để trút giận...

Và các group đôi khi lại là những cứu cánh cho không ít người. Những câu chuyện không thể kể, không thể nói bỗng dưng lại được xả một cách công khai, không e dè cho hàng nghìn, thậm chí hàng vạn người nghe. Về cuộc sống thực, có lẽ cũng chẳng giải quyết gì nhiều, nhưng với những thành viên tham gia, đôi khi nó lại là một liều thuốc tâm lý khá hữu hiệu. Có lẽ vì thế nên các group này thu hút rất đông thành viên.

Chủ đề của các cuộc chiến trên mạng xã hội không có giới hạn. Ảnh minh họa

Chủ đề của các cuộc chiến trên mạng xã hội không có giới hạn. Ảnh minh họa

Nhưng không chỉ có vậy, những group này không chỉ để những thành viên được chia sẻ, được kể lể, mà ở đây, họ còn tự do… chửi, lăng mạ. Trên các nhóm thế này, bất cứ chủ đề nào cũng có thể dẫn tới những "cuộc thánh chiến khiến huynh đệ tương tàn, bạn bè ly tán". Chủ đề của các cuộc chiến này là không giới hạn, từ ăn chay ra sao, nuôi con thế nào, giữ hay phá cái nhà thờ, nên hay không nên giải cứu dưa hấu...

Ở những group này, chuyện “chửi thuê” hay dùng ngôn ngữ của mạng xã hội đó là “ném đá”, giờ đây cũng có nhiều biến tướng: “ném đá” lại những người “ném đá”. Ai cũng ném, việc gì cũng ném, nhất cử nhất động của bất cứ người nào, khi đưa lên mạng đều dễ dàng, nhanh chóng trở thành đối tượng nhận “đá”. Không chỉ với một hai bình luận lẻ tẻ, các “anh hùng bàn phím” còn hiệu triệu nhau ném hội đồng.

Nhiều tấm ảnh bình thường khi đưa lên mạng cũng thành đề tài xỏ xiên, chửi rủa của số đông. Một nữ sinh viên đăng tấm hình dự sinh nhật cùng nhóm bạn tại một trung tâm thương mại sang trọng lên facebook. Ngay sau đó, cô nhận được những bình luận chê bai nặng nề: nào là không có trách nhiệm với xã hội, trong lúc người dân miền Trung bị lũ lụt thì lại đi ăn uống xa xỉ. Nhưng thực tế, bạn sinh viên này từng tham gia mùa hè xanh, các CLB, đội nhóm tình nguyện, không hề vô cảm, dửng dưng như những gì mà họ quy kết, lên án.

Có những lúc, những group kiểu này còn có chức năng… đòi nợ thuê. Một sinh viên đi làm thêm, một nhân viên cho bạn bè vay nợ… chưa lấy được tiền, do bức bối, họ đưa lên mạng. Và chỉ sau ít giờ, có đến hàng trăm bình luận vào mổ xẻ, chửi bới. Thậm chí có người còn nhanh chóng tìm bằng được số điện thoại, facebook cá nhân kia để thi nhau “khủng bố”.

Ở mạng xã hội, người ta được là tòa án, và họ cho mình luôn cái quyền thi hành án. Ảnh minh họa

Cũng có group chuyên để thành viên phản hồi về đồ ăn ở các quán xá, nhà hàng. Tất nhiên có những nhận xét, những giới thiệu về ẩm thực khách quan, tinh tế. Nhưng cũng không thiếu những bài viết mang yếu tố cá nhân, chủ quan, và không trung thực. Cũng không loại trừ đối thủ của chính những quán xá, nhà hàng đó dựng lên câu chuyện nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Nhiều khi tính chân thực ở những bài viết như thế này là một điều gì đó quá xa xỉ, chỉ cần đọc qua là cư dân mạng vung tay bấm phím… Hàng loạt những kêu gọi vào fanpage của nhà hàng đó để hạ sao, để bình luận và “đấu tố”. Có lẽ để giải quyết những câu chuyện thế này, mỗi chủ quán xá hoặc nhà hàng sẽ vất vả, mệt nhọc thậm chí còn tốn kém rất nhiều mới có thể tạm êm xuôi.

Nghịch lý lại là có những kiểu người khi trên mạng, họ mặn mà, tích cực “khẩu nghiệp” nhưng khi rời cái điện thoại, rời mạng xã hội lại chẳng ai cạy miệng họ được lấy một lời nói thẳng. Có lẽ, con người ta có xu hướng cởi mở hơn ở thế giới ảo vì nó đem lại cảm giác mình làm chủ được mọi tình huống. Thỏa mãn bình luận, thỏa mãn phán xét và thỏa mãn thể hiện cái mà trong thực tế, họ phải gìn giữ, phải giấu mình… đó là thứ quyền lực mà chỉ khi tham gia mạng xã hội, họ mới có. Ở mạng xã hội, người ta được là tòa án, và họ cho mình luôn cái quyền thi hành án.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-group-theo-chu-de-cho-nguoi-dung-thu-quyen-luc-ao-188790.html