Những gương mặt nữ nổi bật trong hệ thống tư pháp

Natalia Poklonskaya được chỉ định làm Bộ trưởng Tư pháp Crimea vào ngày 11-3-2014. Chỉ trong vòng 1 tuần sau khi nhậm chức, Poklonskaya nhanh chóng trở thành ngôi sao truyện tranh manga nổi tiếng Nhật Bản cũng như nhân vật gây sốt trên Internet.

Phụ nữ da màu đầu tiên lãnh đạo Bộ Tư pháp Mỹ

Ngày 8-11-2014, nữ công tố viên liên bang gốc Phi Loretta Lynch chính thức được Tổng thống Brack Obama chỉ định vào chức vụ Bộ trưởng Tư pháp thay thế ông Eric Holder - người tuyên bố từ chức sau gần 6 năm lãnh đạo cơ quan.

Bà Lynch là công tố viên độc lập hàng đầu phụ trách các vấn đề hình sự và dân sự ở quận phía đông thành phố New York bao gồm Brooklyn cùng với Queens, Staten Island và một phần Long Island.

Tổng thống Barack Obama đánh giá: “Loretta Lynch có lẽ là luật sư duy nhất ở Mỹ chiến đấu với bọn cướp, trùm ma túy, bọn khủng bố và luôn nổi tiếng là người có sức mê hoặc đối với mọi người”.

Loretta Lynch chào đời ở thành phố Greensboro nằm về phía bắc bang Bắc Carolina ngày 21-5-1959. Cha của Lynch mở nhà thờ dành riêng cho những sinh viên chống phân biệt chủng tộc và ông thường cõng cô con gái nhỏ trên vai đến mỗi cuộc họp trong nhà thờ. Sau khi tốt nghiệp trường luật Đại học Havard năm 1984, Loretta Lynch làm trợ lý trong công ty luật Cahill Gordon & Reindel ở Manhattan suốt 6 năm.

Tiếp đến, Lynch lãnh đạo một trong những văn phòng công tố hàng đầu nước Mỹ ở quận phía đông New York. Trong vai trò công tố viên, Lynch xử lý mọi vấn đề từ tội phạm mạng cho đến tội phạm có tổ chức, tham nhũng trong chính quyền, gian lận tài chính và khủng bố. Nhờ sự chú tâm vào công việc, Lynch nhanh chóng nổi tiếng là nhà điều tra có tài và một luật sư có óc phán xét tuyệt vời.

Zachary W. Carte, cựu luật sư phụ trách quận phía đông New York, nhận xét: “Lynch thật sự là phụ nữ duyên dáng chịu nhiều sức ép. Bà là người hết sức điềm tĩnh. Tôi không bao giờ nhìn thấy bà tỏ ra giận dữ hay thất vọng thái quá. Bà cũng là người giúp những người khác trở nên bình tĩnh hơn”.

Một trong những thành công đáng khâm phục nhất của Loreta Lynch là vụ truy tố nhóm sĩ quan cảnh sát New York vào năm 1999 với tội danh sử dụng cán chổi đánh đập dã man, đồng thời xâm hại tình dục tàn bạo đối với Abner Louima - người nhập cư da đen Haiti. Trong vụ án này, Abner phải chịu đựng 3 cuộc phẫu thuật và nằm viện suốt 2 tháng vì những nội thương trầm trọng, bao gồm rách bàng quang và trực tràng.

Bà Loretta Lynch.

Vụ án Abner dẫn đến mối quan hệ cực kỳ căng thẳng chưa từng có giữa cộng đồng người da đen và Sở Cảnh sát New York (NYPD). Ken Thompson, luật sư cùng làm việc với Loretta Lynch ở Brooklyn, phát biểu: “Căng thẳng bùng phát xung quanh vụ án bởi vì đây là một trong những hành động tàn bạo kinh khủng của cảnh sát NYPD. Cộng đồng người da đen trong thành phố giận dữ đến mức hàng ngàn người tuần hành trên cầu Brooklyn đòi công lý. Không chỉ người dân New York theo dõi diễn tiến vụ án mà cả nước cũng hết sức quan tâm. Vụ án cho thấy các sĩ quan cảnh sát vẫn phải chịu trách nhiệm về hành động của họ nếu họ vượt qua lằn ranh giới hạn”.

Trong phiên tòa xét xử, sĩ quan cảnh sát Justin Volpe thừa nhận hành vi xâm hại tình dục thô bạo đối với Louima Abner.

Trước khi nhận nhiệm vụ mới từ Obama, Loretta Lyncho làm việc cho văn phòng luật sư Hogan & Hartson (nay là Hogan Lovells) ở New York, tập trung vào những vụ tranh chấp thương mại và tội phạm cổ cồn trắng. Trong cả 2 lần bổ nhiệm này, Lynch luôn nhận được sự nhất trí ủng hộ từ Thượng viện.

Văn phòng công tố của Loretta Lynch truy tố thành công các thành viên mafia và những vụ án khủng bố lớn bao gồm âm mưu đánh bom Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FRB) và đường xe điện ngầm thành phố New York. Năm 2011, Loretta Lynch truy tố hơn 120 thành viên mafia - vụ án lớn nhất thuộc loại này trong lịch sử Mỹ - và ngân hàng toàn cầu HSBC, tổ chức tài chính bị buộc tội giúp tội phạm ma túy rửa hàng trăm triệu USD thông qua các chi nhánh của mình.

Lynch được ca ngợi là người có cách cư xử đúng mực khi truy tố những vụ án quan trọng nhất của thành phố mà không cố gắng làm nổi bật cá nhân mình lên như những quan chức tư pháp khác. Tổng thống Obama cũng đánh giá cao: “Loretta Lynch không phải là người tìm cách đánh bóng tên tuổi. Bà không muốn mọi người chú ý đến mình”.

Nữ Bộ trưởng Tư pháp Crimea “gây sốt” trên Internet

Natalia Poklonskaya được chỉ định làm Bộ trưởng Tư pháp Crimea vào ngày 11-3-2014. Chỉ trong vòng 1 tuần sau khi nhậm chức, Poklonskaya nhanh chóng trở thành ngôi sao truyện tranh manga nổi tiếng Nhật Bản cũng như nhân vật gây sốt trên Internet. Hình ảnh video về cuộc họp báo ngày 13-3-2014 của Poklonskaya được đăng tải trên YouTube tiếng Nhật đã thu hút hơn 800.000 lượt truy cập trong vòng 1 tuần và tràn ngập những bình luận ca ngợi.

Trước khi trở thành Bộ trưởng Tư pháp Cộng hòa Tự trị Crimea, theo tờ báo Nga Rossiyskaya gazeta, Poklonskaya là công tố viên liên vùng về môi trường ở thành phố Simferopol trước khi được thuyên chuyển đến Văn phòng Tổng Công tố ở Kiev của Ukraina. Poklonskay là người thân Nga và bị chính quyền Kiev đưa vào danh sách truy nã với tội danh âm mưu lật đổ chính quyền. Lệnh truy nã của Kiev đối với Poklonskaya được phát đi sau khi Bán đảo Crimea tách khỏi Ukraina và chính thức sáp nhập vào Liên bang Nga.

Natalia Poklonskaya trong cuộc họp báo.

Poklonskaya tốt nghiệp Đại học Bộ Nội vụ ở thành phố Evpatoria phía đông Bán đảo Crimea. Tháng 2-1014, Poklonskay quyết định từ chức để phản đối “sự kiện Maidan” chống chính quyền hợp pháp ở Ukraina. Làn sóng hâm mộ Poklonskay không chỉ dừng lại ở video thành công trên YouTube tiếng Nhật. Mà, sau đó người Nhật đã bất tử hóa hình ảnh Poklonskaya khi biến hóa bà thành nhân vật truyện tranh manga truyền thống của nước này.

Trên trang Pixiv của Nhật Bản - dịch vụ mạng xã hội làm trung gian giữa nghệ sĩ hoạt hình và người hâm mộ - cũng tràn ngập những hình ảnh của Poklonskaya được thể hiện như nhân vật hoạt hình.

Tháng 2-2014, người Nhật cũng từng háo hức thể hiện nữ ngôi sao trượt băng Nga Ioulia Lipnitskaya theo phong cách manga. Nhưng đây là một nhà vô địch Thế vận hội Mùa đông Sochi 2014 được cả thế giới ngưỡng mộ tôn vinh là “thiên thần trượt băng”, còn Poklonskaya là nhân vật quan trọng trong hệ thống tư pháp của Crimea.

Theo giải thích của trang web Otaku.ru, hình ảnh phụ nữ xinh đẹp rất phổ biến trong manga Nhật Bản đồng thời thể hiện ý chí mang lại sự bình đẳng cho nữ giới trong một xã hội mà nam giới luôn nắm quyền tối thượng.

Trong đời thực, phụ nữ Nhật Bản thường ít có cơ hội thăng tiến trong môi trường cảnh sát hay quân đội. Những cô gái nhỏ nhắn xinh đẹp mặc sắc phục trong các truyện tranh manga phản ánh giấc mơ của tác giả cũng như bạn đọc nữ muốn nhìn thấy phụ nữ được giữ những chức vụ cao trong chính quyền Nhật Bản. Do Nhật Bản là đất nước của manga cho nên ngay từ nhỏ mọi người đã bắt đầu quen thuộc với những hình ảnh xinh đẹp của các nhân vật.

Thậm chí, một số họa sĩ còn muốn thể hiện những vật thể vô hồn như là máy bay chiến đấu hay tàu chiến thành những cô gái xinh xắn. Có lẽ đó là lý do khiến hình ảnh của nữ Bộ trưởng Tư pháp Poklonskaya trở nên sốt trong con mắt người Nhật.

Laura Codruta Kovesi, nữ công tố chống tham nhũng

Laura Codruta Kovesi gây nên sự bất đồng sâu sắc ở Romania. Những người ủng hộ Kovesi đánh giá bà là ngôi sao chống tham nhũng dám truy tố những nhân vật từng được coi là bất khả xâm phạm. Trong khi đó, phe chỉ trích lập luận rằng cơ quan chống tham nhũng do Kovesi lãnh đạo vi phạm quyền công dân nghiêm trọng.

Bà Laura Kovesi.

Nữ công tố trưởng, đứng đầu Cơ quan Chống tham nhũng Romania (DNA), tuyên bố bà sẽ không trả lời những người này mà “tôi sẽ trả lời cho mọi công dân”. Sự thành công của DNA dưới sự điều hành của Laura Kovesi đã giúp bà trở thành ngôi sao chống tham nhũng ở Romania. Tuy nhiên, một số đề xuất thay đổi luật ở Romania có thể gây khó khăn cho công việc của Kovesi.

Mới đây nhất, chính quyền Bucharest buộc phải rút lại một sắc lệnh (có thể làm suy yếu bộ luật chống tham nhũng của Romania) sau khi những cuộc biểu tình chống đối bùng phát dữ dội trên đường phố nước này.

DNA được thành lập năm 2002 với trách nhiệm chống tham nhũng. Năm 2007, Liên minh châu Âu (EU) đặt Romania và Bulgaria vào một cơ chế giám sát hành động cải cách tư pháp và cuộc chiến chống tham nhũng. Năm 2013, Kovesi được chỉ định làm Giám đốc DNA và cơ quan bắt đầu nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ người dân.

Dưới sự điều hành của Kovesi, DNA mở những cuộc điều tra quy mô chống lại một thủ tướng, một số cựu bộ trưởng, các ông trùm truyền thông, thẩm phán và cả các công tố viên. Kovesi phát biểu với phóng viên hãng tin Anh BBC trong một cuộc phỏng vấn: “Người dân Romania hoàn toàn tin tưởng vào DNA, đặc biệt là tầng lớp công dân trẻ tuổi. Ngày càng có thêm nhiều người đến cơ quan nộp đơn tố cáo. Họ sẵn sàng làm nhân chứng trong những vụ án tham nhũng. Công dân Romania tin rằng luật pháp là bình đẳng đối với tất cả mọi người”.

Kovesi là cựu vận động viên bóng rổ và từng giành ngôi vô địch môn thể thao này tại châu Âu năm 1989, lúc bà đang học trung học. Kovesi được giới truyền thông trong nước mô tả là một người “ăn nói mềm mỏng” và “trầm lặng”.

Trong vòng vài năm qua, DNA truy tố khoảng 1.170 vụ với chi phí tốn kém đến 1 tỷ euro. Công việc của Kovesi được quốc tế đánh giá cao và bà được Chính phủ Pháp trao huân chương cao quý Bắc đẩu Bội tinh vào năm 2016. Mặc dù vậy, Kovesi vẫn phải đối mặt với những người chỉ trích - họ cho rằng bà được trao quá nhiều quyền lực và nhiệt tình chống tham nhũng đã biến bà thành “kẻ săn phù thủy” đáng sợ.

Theo lập luận của họ, DNA đã không công bằng khi chỉ nhắm mục tiêu vào một số nhân vật và đảng phái nào đó đồng thời hợp tác điều tra với Cơ quan Tình báo Romania (SRI) cũng như với những thẩm phán mà chính bà đã sa thải. Họ cũng tố cáo DNA sử dụng những kỹ thuật nghe lén thời Chiến tranh Lạnh của tình báo Romania mà Kovesi vốn không chấp nhận.

Tuy nhiên, Kovesi phản bác rằng mọi kỹ thuật (bao gồm nghe lén) mà DNA sử dụng đều được tòa án cho phép và những vụ án truy tố đều có bằng chứng thuyết phục.

Hàng ngàn người dân Romania biểu tình trên đường phố chống sắc lệnh làm suy yếu luật chống tham nhũng của chính quyền.

Trước khi lãnh đạo DNA, Kovesi là Tổng Công tố Romania. Năm 1998, Kovesi làm việc cho Cục Điều tra tội phạm có tổ chức và Khủng bố (DIICOT), trực thuộc Bộ Tư pháp Romania. Năm 2015, tờ báo Anh The Guardian mô tả Kovesi là “nữ công tố khiêm tốn” và lãnh đạo “một cơ quan chống tham nhũng không giống như bất kỳ quốc gia nào khác ở Đông Âu”.

Một cuộc điều tra thực hiện năm 2015 tiết lộ 60% dân số Romania tin tưởng vào DNA. Vai trò của Kovesi cũng được cho là giúp gia tăng niềm tin vào cơ quan nhà nước của người dân Romania. Laura Kovesi chào đời năm 1973 ở thành phố Sfantu Gheorghe thuộc hạt Covasna của Romania, tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Babes-Bolyai (UBB) năm 1995.

Diên San (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/nhung-guong-mat-nu-noi-bat-trong-he-thong-tu-phap-498215/