Những hạn chế, bất cập trong chỉ đạo, quản lý các hoạt động văn học, nghệ thuật hiện nay

Hơn10 năm trước, ngày 16-6-2008 Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản ViệtNam khóa X đã ra Nghị quyết 23 - NQ/TW về 'Xây dựng và phát triển nềnvăn học, nghệ thuật Việt Nam đáp ứng với tình hình mới của đất nước' (NQ23). Đây là một Nghị quyết quan trọng của Đảng về văn học, nghệ thuậtthiết thực phục vụ cho nghiệp xây dựng con người mới Việt Nam, nền vănhóa Việt Nam trong thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển.

1. Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện NQ 23 của Bộ Chính trị khóa X, đời sống nền văn học, nghệ thuật Việt Nam về căn bản vẫn duy trì được sự ổn định và phát triển. Hằng năm, với sự lao động bền bỉ, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, vẫn có hàng ngàn sáng tác mới xuất hiện. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật về mảng đề tài cách mạng và kháng chiến vẫn được một số các nhà văn khai thác; đặc biệt là các tác phẩm về đề tài phản ánh hiện thực đất nước và con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã xuất hiện nhiều.

Một số nhà nghiên cứu phê bình qua các hội thảo cho rằng, ở mảng đề tài này chất lượng tác phẩm đã có những đột phá trong tư tưởng, nghệ thuật, đặc biệt là trong tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ. Ở nhiều tác phẩm, bản chất hiện thực của cuộc sống, xã hội, con người Việt Nam thời kỳ mới đã được các tác giả thể hiện một cách sâu sắc, hiện thực được phản ánh với cách nhìn chân thực, đi vào những góc khuất của đời sống, con người. Ở một số tác phẩm như văn xuôi, kịch, sân khấu điện ảnh,…các tác giả đã chỉ ra những giá trị mới của con người Việt Nam; đồng thời, nêu rõ những cái xấu, cái ác, những tiêu cực trong đời sống xã hội. Những yếu tố này của các tác phẩm văn học, nghệ thuật đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng đang diễn ra quyết liệt hiện nay. Tác phẩm văn học, nghệ thuật với lợi thế của nó, đã đề cập tới con người với những số phận éo le và phức tạp. Trong khi đó, việc phản ánh các giá trị tốt đẹp về nhân cách, lối sống cũng như việc phơi bày lối sống suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lý tưởng… thông qua các hình tượng văn học, nghệ thuật cũng là một khía cạnh quan trọng, góp phần giáo dục con người và định hướng xã hội.

Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện NQ 23 của Bộ Chính trị về văn học, nghệ thuật cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo, quản lý văn học nghệ thuật. Mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các bộ, ban, ngành hữu quan và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tiến hành kiểm tra, đánh giá việc thực hiện NQ 23 của Đảng về văn học, nghệ thuật tại địa bàn một số tỉnh, thành khu vực trong cả nước (như Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh; Bình Dương; Phú Thọ; Bắc Giang; Tây Nguyên) và một số Bộ (như Bộ Nội Vụ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cho thấy nhiều vấn đề rất đáng quan tâm trong lĩnh vực này.

Một là, ở một số tỉnh và thành phố cũng như ở một vài cơ quan Trung ương còn coi nhẹ việc thực hiện NQ 23 của Bộ Chính trị, chưa xác định đúng vai trò, vị trí của văn học, nghệ thuật trong văn hóa, không coi trọng văn nghệ sĩ như là một bộ phận quan trọng của trí thức. Nghị quyết của Đảng đã xác định, các tổ chức văn học, nghệ thuật là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp do Đảng lãnh đạo, nhưng ở một số văn bản chỉ đạo lại đánh đồng tổ chức chính trị nghề nghiệp với một vài hội đặc thù. Trong các cuộc làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng luôn khẳng định vai trò, vị trí, trách nhiệm xã hội của lực lượng văn học, nghệ thuật trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, là tinh hoa, cốt lõi của nền văn hóa Việt Nam mới. Trong khi đó, một số cấp ủy đảng, chính quyền còn có những biểu hiện đánh giá sai các giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật; thậm chí cá biệt có hiện tượng áp đặt, quy chụp tư tưởng nội dung các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Đây là một thái độ sai trái với quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác trí thức, văn nghệ sĩ.

Hai là, Nghị quyết của Đảng về văn học đã được ban hành, tuy nhiên còn chậm được thể chế hóa thành các chính sách cụ thể. Một số đề án, dự thảo các nghị định được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành hữu quan thực hiện dành cho văn nghệ, văn nghệ sĩ nhưng đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực. Vai trò phản biện của trí thức văn nghệ sĩ trong các hoạt động văn học, nghệ thuật, trong đời sống xã hội ít được các cơ quan quản lý nhà nước coi trọng, quan tâm. Ví dụ như ở một số các công trình kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa dân gian, các di tích thắng cảnh, các giá trị âm nhạc truyền thống… các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các Hội.

Ba là, quá trình hội nhập và phát triển trước ảnh hưởng của những khuynh hướng nghệ thuật từ nước ngoài đối với giới trẻ và công chúng, đặc biệt là trong bối cảnh truyền thông phát triển rộng rãi và phổ cập tới mọi người dân như hiện nay, đã có tác động không nhỏ tới một số ngành nghệ thuật truyền thống. Trong đó, sân khấu tuồng, chèo, cải lương, hát bội và nhiều loại hình văn hóa dân gian khác vừa bị mai một vừa bị biến tướng để kinh doanh trục lợi; không ít di sản văn hóa chưa quan tâm trùng tu, tôn tạo; văn hóa, nghệ thuật các dân tộc thiểu số cũng thiếu sự quan tâm đúng mức… Báo chí văn học, nghệ thuật trong nhiều năm nay thực hiện theo cơ chế mới, dường như chưa có sự đầu tư thích đáng của Nhà nước, nên việc phổ cập tới công chúng rất hạn chế. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về mặt tư tưởng, nghệ thuật ít đến được với công chúng, bạn đọc…

Bốn là, trong cuộc đấu tranh trên mặt trận văn học, nghệ thuật hiện nay, các thế lực thù địch, chống phá vẫn luôn lợi dụng văn học, nghệ thuật để tấn công vào quan điểm đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; đặc biệt trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Lợi dụng tự do dân chủ, những kẻ xấu luôn tận dụng những văn nghệ sĩ có quan điểm sai trái, lệch lạc để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và những thành tựu của đất nước trước những khó khăn, thách thức của đời sống.

Năm là, những năm gần đây Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm tới đời sống văn học, nghệ thuật, song hoạt động của một số hội văn học, nghệ thuật hiện nay, nhất là những hội ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc và một số địa phương kinh tế chưa phát triển còn đang gặp nhiều khó khăn. Từ năm 1999 đến nay, nhờ có kinh phí hỗ trợ sáng tạo của Nhà nước nên hoạt động văn học, nghệ thuật phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước đã bớt đi phần nào khó khăn. Tuy nguồn kinh phí hoạt động ít ỏi, nhưng cũng tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ đầu tư cho những sáng tác mới, hoàn thành những công trình văn học, nghệ thuật mới; đưa văn nghệ sĩ đi thực tế, tổ chức các trại sáng tác, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, bồi dưỡng tài năng trẻ… Nhờ đó, hoạt động của các hội vẫn giữ được sự ổn định.

2. Một vấn đề cốt lõi mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra là tiếp tục đổi mới tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong văn học, nghệ thuật. Sự đổi mới quyết liệt và mạnh mẽ, phải bắt đầu từ trong các cấp ủy đảng đến chính quyền, từ Trung ương đến địa phương. Một khi ở đâu đó vẫn chưa coi văn học, nghệ thuật là cốt lõi, là lĩnh vực tinh tế của văn hóa, góp phần tạo nên nền tảng tinh thần của nhân dân, cội nguồn sức mạnh của dân tộc trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, thì ở đó vẫn còn những trở ngại, hạn chế cho quá trình phát triển của văn học, nghệ thuật.

Đi cùng với vấn đề nhận thức là những quyết sách về cơ chế chính sách dành cho văn nghệ và văn nghệ sĩ. Nhiều năm nay, các hoạt động văn học, nghệ thuật của các hội luôn gắn kết với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Chính sách hỗ trợ sáng tạo hằng năm, hay đặt hàng cho văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo các tác phẩm văn học về đề tài cách mạng và kháng chiến, giáo dục truyền thống yêu nước, đề cao các giá trị đạo đức, nhân đạo, lối sống lành mạnh cho các thế hệ trẻ hôm nay... luôn là một khát vọng của người nghệ sĩ chân chính.

Cùng đó, tổ chức các hội văn học, nghệ thuật cần phải được chăm lo, vì đây là mắt xích quan trọng của công tác tư tưởng - văn hóa. Thực tiễn cho thấy, trong quá trình hội nhập và phát triển, các thế lực thù địch, cơ hội, chống phá cách mạng luôn tìm mọi cách len chân vào chốt chặn này, với từng đối tượng văn nghệ sĩ cụ thể, hòng phá vỡ mặt trận văn nghệ bằng nhiều hình thức tinh vi như trao các giải thưởng, tiền bạc, lợi dụng các diễn dàn trao đổi mang tính học thuật nghiệp vụ để công kích, kích động, phủ nhận các giá trị truyền thống của nền văn nghệ dân tộc. Bản thân các hội văn học, nghệ thuật cũng cần đổi mới về phương thức hoạt động, chống hình thức hành chính hóa các tổ chức hội, đề cao tính chuyên nghiệp hóa. Tổ chức hội phải là mái nhà chung tập hợp các văn nghệ sĩ, phát huy tài năng sáng tạo của từng cá nhân, để có thêm nhiều tác phẩm phục vụ mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng con người Việt Nam mới, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển.

Đặc biệt, mỗi người văn nghệ sĩ cũng cần phải nâng cao trách nhiệm công dân, đổi mới tư duy của chính mình khi tiếp cận hiện thực của đất nước, lịch sử của dân tộc ở thời kỳ thông tin được rộng mở.

Hiền tài là nguyên khíquốc gia”! Để có một thế hệ các văn nghệ sĩ làm nên các giá trị của nền văn nghệ cách mạng như Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Xuân Diệu, Đỗ Nhuận, Tô Ngọc Vân, Diệp Minh Châu, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nam Cao, Nguyên Hồng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh... là cả một quá trình chuyển hóa của cách mạng và văn học, nghệ thuật Việt Nam trong suốt thế kỷ XX. Việc đào tạo và bồi dưỡng văn nghệ sĩ cho đất nước hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải lưu tâm giải quyết, khi mà môi trường và điều kiện đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ này còn gặp nhiều bất cập và khó khăn./.

Nhà văn Đỗ Kim Cuông

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/van-hoa/nhung-han-che-bat-cap-trong-chi-dao-quan-ly-cac-hoat-dong-van-hoc-nghe-thuat-hien-nay-115703