Những hành động vô tình của cha mẹ khiến con tổn thương và khó dạy con tính kỷ luật

Cha mẹ ai cũng muốn rèn luyện kỷ luật cho con cái. Tuy nhiên, những hành động vô tình của bạn dưới đây sẽ khiến con bạn cảm thấy bị tổn thương và bạn rất khó dạy được con như mong muốn.

Nhiều cha mẹ rất yêu thương, chiều chuộng con nhưng những hành động vô tình dưới đây lại khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương do không được cha mẹ tôn trọng.

Ngay từ khi bé Hùng được 2 tuổi, cha mẹ bé đã thống nhất đưa ra những phép tắc giới hạn của việc "được phép" và "không được phép" để dạy con tính kỷ luật.

Nhân dịp cưới cô út, cả nhà bé Hùng về quên nội ăn cưới cô không quên mang theo giỏ đồ chơi của con về quê để bé có trò chơi. Khi về Hà Nội, lục lại trong giỏ đồ chơi, bé Hùng thấy thiếu vài món đồ chơi yêu thích, mẹ giải thích những món đồ chơi ấy đã cũ nên đã cho đứa em họ dưới quê và chị sẽ mua cho con đồ chơi mới. Thế là Hùng nước mắt giàn dụa khóc và bắt đền.

Bố mẹ Hùng ngay lập tức đã phải dắt con đi siêu thị để mua lại mấy món đồ chơi đã cho ở dưới quê hoặc mua đồ chơi khác nhưng Hùng vẫn không chịu, nhất định chỉ muốn lấy lại những món đồ chơi cũ của mình đã bị mẹ cho mất.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tương tự, bạn chị Thu An mang con gái đến nhà chị chơi. Trong lúc chơi đùa ngoài sân vườn, con gái người bạn bị ngã bẩn quần áo nên chị Thu An lấy tạm chiếc váy của con mình cho con gái bạn mặc. Buổi chiều, con gái chị Thu An đi học về đến nhà, thấy chiếc váy yêu thích của mình đang mặc trên người cô bé khác nên lăn đùng ra khóc ầm ĩ, đòi bạn trả váy cho bằng được khiến chị Thu An xấu hổ, mẹ con người bạn thì lúng túng không biết phải làm thế nào.

Chị Thu An đã cố gắng giải thích với con rằng: bạn gặp sự cố bẩn quần áo nên mẹ chỉ cho bạn mượn tạm váy của con và sẽ trả lại ngay ngày hôm sau. Tuy nhiên, mẹ càng giải thích, con gái càng khóc to hơn vì cho rằng "mẹ tùy tiện, không hỏi ý của con đã cho bạn mượn".

Theo nhà tâm lý Đinh Đoàn, những bậc cha mẹ ở trường hợp trên đã vô tình xâm phạm sự tự do của trẻ, khiến trẻ thấy tổn thương vì không được cha mẹ tôn trọng. Rất nhiều bậc cha mẹ vì sợ con lớn lên sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống do không biết giới hạn những đòi hỏi của bản thân nên đã dạy con rèn tính kỷ luật. Tuy nhiên, nếu muốn rèn luyện cho trẻ nếp sống kỷ luật thì trước tiên chính các bậc cha mẹ phải thực hiện nghiêm túc những phép tắc đã đặt ra.

Chẳng hạn, nếu đặt ra nguyên tắc :"không cho trẻ tự lục lọi đồ đạc của bố mẹ" thì cha mẹ cũng không được tự ý cho hay vứt bỏ đồ đạc của trẻ khi chưa hỏi ý kiến chúng. Hoặc khi cha mẹ dạy con tính thật thà nhưng lại thường xuyên nói dối trước mặt trẻ thì sẽ rất khó rèn luyện cho trẻ vì trẻ thường noi gương từ chính cha mẹ mình.

Lan Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-hanh-dong-vo-tinh-cua-cha-me-khien-con-ton-thuong-va-kho-day-con-tinh-ky-luat-169230326170057382.htm