Những 'hậu phương' vững chắc nơi cửa biển

Không phải hình ảnh quen thuộc mòn mỏi chờ chồng, ngóng con ngoài khơi xa và ngày ngày quanh quẩn với con tôm, con cá để lo cho bữa cơm gia đình, giờ đây những phụ nữ làng biển đã tìm cho mình một 'vị thế' vững vàng hơn. Họ là điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.

Chị Nguyễn Thị Dung đang phân loại, đóng thùng hải sản để nhập hàng cho thương lái.

Đến thăm nhà chị Nguyễn Thị Hòa, ở thôn Quang Minh, xã Hải Thanh (Tĩnh Gia), trong ngôi nhà khang trang, người phụ nữ dáng người nhỏ nhắn, đón chúng tôi với nụ cười tươi tắn. Đưa chúng tôi đến với xưởng sản xuất rộng hàng nghìn m2, chị Hòa chia sẻ: Để có được thành quả ngày hôm nay, chị đã trải qua biết bao tháng ngày gian nan, vất vả. Những trăn trở với khát vọng thoát nghèo đã khiến chị có thêm động lực để vượt lên gian khó.

Là người con làng biển, lớn lên cùng con tôm, con cá, chị Hòa đã quá quen với những công việc nhặt cá, làm mắm của mẹ trong những ngày ra khơi đằng đẵng của cha. Với vai trò là chị cả đảm đang trong gia đình có 9 chị em, chị Hòa đã cùng mẹ gánh gồng những khó khăn để nuôi đàn em thơ ăn học. Khi mới ở tuổi 16, chị theo mẹ đạp xe rong ruổi khắp nơi đi bán nước mắm. Len lách từng con ngõ nhỏ, gõ cửa từng nhà khắp từ thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) đến cả các vùng quê nơi miền núi xa xôi để bán chai nước nước mắm đã khiến chị sớm thấu hiểu được nỗi vất vả của bà, của mẹ mình.

Hồi tưởng lại những ký ức của tuổi trẻ đến với nghề, chị Hòa xúc động: Ngày đó, mình cũng không nghĩ được nhiều, chỉ biết giúp mẹ bán được nhiều nước mắm để chiều về có tiền đong gạo, lo đủ bữa ăn cho các em là vui lắm rồi. Hôm nào bán được hàng thì nhà có thêm thức ăn đổi món nhưng cũng nhiều hôm tối mịt mới về, nhìn đàn em hớn hở chạy ra đón, chị lại thấy buồn và tủi thân. Dần dần, chị nghĩ tới việc cần phải làm cách gì đó để thay đổi kinh tế gia đình và đưa nước mắm quê hương phát triển rộng rãi trên thị trường.

Lập gia đình, chị Hòa đã cùng người chồng của mình bắt đầu những hành trình đi khắp nơi học hỏi cách làm, cách phát triển nghề truyền thống của quê hương. Sau những chuyến trải nghiệm, chị nhận ra một điều: Với lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ rất dồi dào, đa dạng các loại cá cùng với những bí quyết trong sản xuất đã được truyền thụ từ bao đời, chị có thể làm ra những loại nước mắm đặc trưng, thơm ngon. Song để đưa nước mắm của làng nghề mình đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi thì cách làm “đến từng ngõ, gõ từng nhà” là không hiệu quả mà cần phải từng bước xây dựng thương hiệu một cách quy mô, bài bản hơn. Muốn vậy thì chất lượng không thôi chưa đủ mà việc xây dựng hình ảnh cũng rất quan trọng.

Năm 2000, khi nước mắm công nghiệp từ các tỉnh phía Nam xâm nhập rộng rãi trên thị trường toàn quốc, chị Hòa đã trực tiếp đến tận TP Phan Thiết và TP Hồ Chí Minh để học hỏi cách làm. Tại đây, chị mạnh dạn đặt làm logo, chai và tem nhãn có đầy đủ thông tin cơ bản về sản phẩm theo mẫu mới nhất để về áp dụng cho chính cơ sở của mình. Thay vì những can nước mắm 20, 50 lít rồi đong cất thủ công cho khách như trước đây, chị Hòa đã đưa công nghệ đóng chai, đóng can, dán nhãn với mẫu mã bắt mắt tiện lợi cho từng sản phẩm, không chỉ giúp cho việc sản xuất tiết kiệm thời gian, chi phí lao động, việc vận chuyển dễ dàng mà còn đem lại niềm tin cho người tiêu dùng vào sản phẩm. Cùng với việc mở rộng sản xuất, chị Hòa đầu tư mở một số quầy hàng giới thiệu sản phẩm tại TP Thanh Hóa và đích thân chị đi theo xe hàng đến các huyện miền núi xứ Thanh và các tỉnh phía Bắc để mở rộng thị trường, đẩy mạnh phát triển bán sản phẩm qua các kênh du lịch bên cạnh kênh kinh doanh truyền thống.

Không giấu nghề, chị Hòa sẵn sàng hướng dẫn người dân địa phương biết cách làm mới trong từng khâu sản xuất. Nhờ có sự tìm tòi trong lao động và khát khao vượt khó, thoát nghèo, chị Nguyễn Thị Hòa đã từng bước tạo được chỗ đứng cho sản phẩm làng nghề của mình. Hiện nay, gia đình chị không chỉ cung cấp nước mắm cho người dân trong tỉnh, kể cả ở những khu vực miền núi xa xôi mà còn đủ sức cạnh tranh với nhiều thương hiệu nước mắm nổi tiếng trong cả nước; tạo việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập từ 4,5 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Ánh mắt lấp lánh niềm tin, chị Hòa chia sẻ: “Tuy thành công bước đầu chưa phải lớn nhưng tôi tin, sản phẩm của mình có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh sẽ đứng vững trên thị trường”.

Cũng là người con của biển nhưng mảnh đất nơi chị Nguyễn Thị Dung sinh ra và lớn lên lại không phát triển nghề sản xuất, chế biến hải sản. Người dân xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) quanh năm sống gắn bó với biển, cánh đàn ông đi tàu đánh bắt tôm cá, còn phụ nữ trên bờ theo nghề mua đi bán lại tại các chợ nhỏ ở địa phương.

Chị Dung chia sẻ về cái duyên của mình đến với nghề: “Nhà ở ngay gần cửa biển Lạch Trường nên hàng ngày cứ chờ cho thuyền về là tôi lại mua vài mớ tôm, mớ cá rồi đến các xã lân cận bán lấy tiền trang trải bữa cơm gia đình. Buôn bán “lặt vặt”, kinh tế gia đình lúc nào cũng khốn khó. Nhìn thành quả mang về từ những chuyến ra khơi vất vả sóng gió bị “rẻ rúng” vì “ế hàng”, tôi cũng xót xa lắm. Sau nhiều ngày trăn trở, tôi bắt đầu đi tìm đầu ra cho sản phẩm của biển quê mình”.

Tìm đến các doanh nghiệp và thương lái tại các tỉnh phía Bắc, chị bắt đầu nhận công việc thu mua hải sản cung cấp cho họ. Để chọn được những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của phía doanh nghiệp, từ tờ mờ sáng chị phải đích thân đi đến tận các bãi neo đậu trong địa phận các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc... Khi những chiếc thùng xe tải đã đầy ắp hàng, chị chở về xưởng phân loại, ướp đá đóng thùng xốp để xuất bán.

Đưa chúng tôi đi thăm các bể chứa hải sản trong kho hàng, chị Dung cho biết thêm: Mỗi năm, chị dành ra 4 tháng đầu năm để thu mua sứa xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là thời điểm thuận lợi và ổn định nhất trong kinh doanh. Còn những tháng hết mùa sứa, chị chuyển sang thu mua các loại hải sản khác, mùa nào thức nấy, từ tôm, mực, ghẹ, cá.... Trung bình, mỗi ngày, gia đình chị Dung thu mua khoảng 2 tấn hải sản.

Trước đây vài năm, việc xuất hàng sang Trung Quốc rất thuận lợi do nhu cầu cao. Phần lớn Việt Nam có loại hải sản nào là đều xuất bán được ngay miễn là sản phẩm tươi, ngon. Tuy nhiên, những năm gần đây, bên Trung Quốc thắt chặt hơn trong việc nhập khẩu các mặt hàng hải sản của Việt Nam. Hàng hóa nhập sang phải qua nhiều thủ tục, giấy tờ của cơ quan chức năng, gây nên không ít khó khăn. Tuy vậy, do đã nắm bắt được thị trường nên việc kinh doanh của chị Dung đến nay ổn định. Hiện cơ sở thu mua của chị mỗi năm mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng/người/tháng.

Tâm sự với chúng tôi, chị Dung phấn khởi: Cũng may nhờ có nghề biển nên gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định, con cái đều đi học đàng hoàng và đến nay cô con gái thứ 2 cũng theo nghề của mẹ. Nếu cần cù, chịu khó và một chút nhạy bén thì chắc chắn những người nữ làng biển như chúng tôi sẽ tìm được “chỗ đứng” cho riêng mình chứ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào đàn ông như trước đây.

Nói về những người phụ nữ làm tốt vai trò hậu phương trên địa bàn xã như chị Dung, ông Lê Phạm Thảo, Phó Chủ tịch xã Hoằng Trường, cho biết: Không có đủ sức khỏe đi biển như đàn ông nhưng những người phụ nữ ở làng biển lại gắn bó với biển theo cách khác. Chính họ đã “tiếp sức” cho ngư dân bằng những việc làm tảo tần, bền bỉ để đưa thương hiệu thủy, hải sản của địa phương vươn xa.

Thu Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhung-hau-phuong-vung-chac-noi-cua-bien/107013.htm