Những hệ lụy của bệnh đái tháo đường biến chứng

Những ngày sau Tết Nguyên đán, các khoa, phòng của Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã đông kín người bệnh. Đáng lo ngại, nhiều người bệnh bị đái tháo đường biến chứng buộc phải tháo đốt ngón chân, thậm chí phải cắt bỏ bàn chân, cẳng chân, cánh tay…

Bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương kiểm tra, đánh giá các biến chứng bàn chân của người bệnh đái tháo đường.

Bị bệnh đái tháo đường nhiều năm trước nhưng ông Quyên (77 tuổi, quê ở Hải Phòng) không tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, lại hay uống rượu. Thời gian gần đây, căn bệnh đái tháo đường bắt đầu gây ra những biến chứng, làm sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, cân nặng giảm tới hơn 10kg…

Chăm bố điều trị tại Khoa Chăm sóc bàn chân, cô con gái ông Quyên cho biết, cách đây ba tháng trong một lần ngã cầu thang, ông bị tím một ngón ở bàn chân phải, vết thương sưng to rồi nhanh chóng hoại tử và lan ra các ngón khác. Hơn hai tuần điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh không hiệu quả, nhiễm trùng lan rộng, phức tạp, cả bàn chân đen kịt, các bác sĩ buộc phải cắt cụt bàn chân.

Trước Tết Nguyên đán, thời điểm miền bắc rét đậm, ông Quyên đi tất dày để giữ ấm chân. Nhưng sau khoảng một tuần, ngón cái chân trái sưng to rồi tím đen, xuất hiện các vết loét ở bàn chân. Gia đình lại phải đưa vào bệnh viện điều trị tích cực nhưng cũng không đạt kết quả. Bác sĩ đánh giá tổn thương ở bàn chân không có khả năng bảo tồn, cho nên cách đây ít ngày cắt nốt bàn chân còn lại để tránh nguy cơ nhiễm trùng, bảo toàn tính mạng cho người bệnh.

Cũng tại Khoa Chăm sóc bàn chân, bác P.T.V (67 tuổi, ở Hà Nội) vừa trải qua ca phẫu thuật cắt hai đoạn xương bàn chân phải do biến chứng đái tháo đường. Bác V. chia sẻ phát hiện đái tháo đường năm 40 tuổi, đến hơn 50 tuổi đã phải cắt một số ngón chân do nhiễm trùng và cách đây 3 năm phải cắt 1/3 bàn chân trái do chủ quan trong điều trị bệnh. Khi đó phát hiện khóe chân bị sưng nhưng nghĩ đơn giản nên rửa nước muối, bôi thuốc…

Mặc dù phát hiện đầu ngón chân thay đổi mầu sắc, chuyển dần sang mầu đen, nhưng do không có cảm giác đau hay khó chịu nên cũng không để ý nhiều. Chỉ đến khi vùng hoại tử đen ngày càng lan rộng, móng của 2 ngón chân bất ngờ nứt toác bác V mới đến bệnh viện thì đã trong tình trạng hoại tử nhiễm trùng ngón 4, ngón 5 bàn chân trái và phải tháo khớp các ngón chân. Gần đây, khi các ngón của bàn chân phải tím đen, xuất hiện vết loét ở lòng bàn chân bác V. đã đi khám và điều trị sớm nên may mắn chưa phải tháo ngón.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, phần lớn người bệnh đái tháo đường dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm giảm lượng máu đến bàn chân, làm các vết loét lâu lành, dễ dẫn đến hoại tử. Loét chân do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không do chấn thương ở người bệnh đái tháo đường.

Lý giải nguyên nhân người bệnh đã đông trở lại những ngày sau Tết Nguyên đán, BS Thiện cho rằng phần lớn người bệnh không đến khám đúng hẹn, chủ quan trong việc chăm sóc và theo dõi tại nhà, trì hoãn kiểm tra định kỳ. Trong khi đó, điều trị loét bàn chân do đái tháo đường biến chứng hiện gặp rất nhiều khó khăn, do nhận thức chưa đúng đắn về mức độ nguy hiểm của bệnh; đa số người bệnh chỉ đến khám khi bàn chân đã nhiễm trùng nặng hoặc hoại tử lan rộng, khi đó việc cứu bàn chân trở nên vô cùng khó khăn. Trong khi đó, việc điều trị bàn chân đái tháo đường khá phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp đồng thời nhiều chuyên khoa.

Một số nghiên cứu, thống kê cho thấy có 5 đến 7% số bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng loét bàn chân và nguy cơ cắt cụt chi ở bệnh nhân đái tháo đường cao gấp từ 15 đến 46 lần so với người không bị bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị xuất huyết võng mạc dẫn tới mù lòa, suy thận, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim,… Đây là những tổn thương không đảo ngược được, nên việc phát hiện sớm sẽ tận dụng được “thời gian vàng” trong điều trị và hạn chế biến chứng cho người bệnh.

Trong khi nếu được điều trị sớm và đúng cách thì chi phí cũng thấp hơn nhiều so với bệnh nhân phát hiện muộn, không trở thành gánh nặng cho gia đình người bệnh và xã hội. Các bác sĩ khuyến cáo chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường. Với những người đã được chẩn đoán, xác định chính xác đái tháo đường thì tuyệt đối không dừng thuốc khi triệu chứng đã giảm. Cùng với việc duy trì uống thuốc, người bệnh cần phải thăm khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ, không tự ý bỏ điều trị, không tự mua thuốc lá, thuốc nam để điều trị…

Không chỉ ghi nhận số người mắc đái tháo đường gia tăng, nhiều ca biến chứng, thời gian gần đây Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận cả những người còn rất trẻ (từ 7 đến 18 tuổi) nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường type 1 đều ở mức đường huyết rất cao.

Tại Khoa Nội tiết, đang điều trị một trường hợp cháu bé gái 8 tuổi mắc đái tháo đường type 1 được chẩn đoán lần đầu. Các bác sĩ cho biết, cháu bé nhập viện trong tình trạng đường huyết cao 26,1 mmol/l, cao gấp nhiều lần người bình thường kèm theo dấu hiệu mất nước. Sau khi vào viện và được làm các xét nghiệm chẩn đoán xác định, bé đã được điều trị tích cực, bù dịch, kiểm soát đường huyết bằng insulin, tư vấn và điều chỉnh thực hiện chế độ dinh dưỡng. Sau gần một tuần điều trị hiện tại tình trạng của bé đã cải thiện tốt, đường huyết đã ổn định hơn.

BS Nguyễn Mạnh Tuấn, Khoa Nội tiết cho biết, đái tháo đường type 1 là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng. Chính vì điều này đái tháo đường type 1 thường được gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin.

Nếu không có insulin, glucose trong máu không thể đi vào tế bào và tích tụ dần trong máu dẫn đến tăng đường máu, trong khi các tế bào lại bị “đói năng lượng” do không thể tiếp nhận được glucose. Khi lượng đường trong máu tăng cao kéo dài sẽ gây hại cho cơ thể và gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm. Bệnh thường được chẩn đoán ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh có thể khởi phát từ vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất là 10-14 tuổi.

Trước đây nhiều người nhầm lẫn rằng đái tháo đường type 1 là một bệnh lý di truyền, tuy nhiên điều này không đúng. Đái tháo đường type 1 không được xếp vào nhóm bệnh rối loạn di truyền. Nhưng một người có khả năng mắc bệnh đái tháo đường type 1 cao hơn nếu có người thân trực hệ (cha, mẹ hoặc anh, chị, em) mắc bệnh này.

Do vậy khi thấy xuất hiện các triệu chứng như: Khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm mới ở trẻ chưa bị trước đây… đặc biệt, khi xuất hiện kèm theo một số triệu chứng cảnh báo nguy hiểm của đái tháo đường type 1: Đau bụng, nôn, rối loạn ý thức, thở nhanh sâu, hơi thở có mùi trái cây chín thì người bệnh phải được đưa ngay tới cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán xác định và điều trị một cách kịp thời.

Hiện nay có rất nhiều người dân nhầm tưởng rằng đái tháo đường có thể chữa khỏi và tin vào nhiều nội dung quảng cáo không chính xác từ các trang mạng xã hội. Nhưng các bác sĩ khẳng định đến thời điểm hiện tại chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh đái tháo đường type 1. Khi có các biểu hiện, người dân nên đến thăm khám ngay tại cơ sở y tế chuyên khoa nội tiết để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Đồng thời việc thăm khám định kỳ đối với người bệnh đái tháo đường type 1 là rất quan trọng giúp theo dõi và điều chỉnh phác đồ điều trị cho người bệnh.

Minh Hoàng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-he-luy-cua-benh-dai-thao-duong-bien-chung-post738982.html