Những hiện tượng tăng trần, giảm sàn

Từ mức giá 1.040 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 5-2017, mã VOS (Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam) đã có 11 phiên liền tăng trần, lên 2.120 đồng chỉ trong hai tuần đầu tháng 6, tức tăng hơn 100%, tốc độ mà không cổ phiếu nào cùng thời gian trên sánh kịp.

Ảnh minh họa: TL TBKTSG

VOS vẫn đang nằm trong diện cổ phiếu bị kiểm soát của sàn TPHCM do lợi nhuận sau thuế năm ngoái âm. Mà thực ra từ năm 2012 đến nay, trừ năm 2014 nhờ bán tàu nên lợi nhuận dương, năm nào lợi nhuận của VOS cũng âm. Nếu không có viêc bán tàu năm 2014 để khỏi “chịu án” lỗ ba năm liên tiếp, phải hủy niêm yết bắt buộc, thì VOS đã rời sàn HOSE rồi. Quí 1-2017 lợi nhuận sau thuế của công ty cũng chẳng khá hơn, lỗ 84 tỉ đồng. Vốn điều lệ 1.400 tỉ đồng, nhưng hiện tại vốn chủ sở hữu của VOS chỉ còn 546 tỉ đồng, tính ra giá trị sổ sách là 3.900 đồng/cổ phiếu. Nhưng đấy là chưa kể nợ nần, tổng nợ của công ty cả ngắn và dài hạn đã vượt tổng tài sản.

Theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông trong cuộc họp thường niên 2017, VOS đặt kế hoạch năm nay “giảm lỗ tối đa” chứ không đưa ra chỉ tiêu lỗ như hai năm trước. Nghị quyết cũng đề cập công ty sẽ cố gắng thoái khoản vốn đầu tư vào Ngân hàng TMCP Hàng hải và bán hai tàu có tuổi đời quá cao, khai thác kém hiệu quả. Có lẽ hai điểm nhấn này đã khiến không ít cổ đông và nhà đầu tư hy vọng năm nay công ty sẽ không lỗ bởi năm nay mà lỗ nữa là phải rời sàn. Gì thì gì VOS cũng là một gương mặt lớn của ngành vận tải biển, hủy niêm yết bắt buộc xem ra “ê chề” quá.

Tuy nhiên, chỉ có bấy nhiêu dự kiến thế thôi mà giải ngân vào VOS lúc này thì rõ ràng là đầu tư mạo hiểm “được ăn cả ngã về không”. Ngành vận tải biển vẫn chưa hề có tín hiệu phục hồi. Các hãng tàu quốc tế tiếp tục chìm đắm trong khủng hoảng, mà khủng hoảng đã sang năm thứ 10 chứ đâu phải 5-7 năm. Có lẽ không có lĩnh vực nào khủng hoảng kinh khiếp như vận tải biển.

Trong danh sách những cổ phiếu tăng ầm ầm, giảm như vũ bão thời gian qua có LDG (Công ty cổ phần Đầu tư LDG). Từ mức giá 6.000 đồng/cổ phiếu tháng 2-2017, LDG chạy tới gần 20.000 đồng vào đầu tháng 5-2017 khiến không ít nhà đầu tư “chóng mặt”. LDG vốn là công ty địa ốc, EPS hai năm 2015-2016 khoảng 2.000 đồng, không suất sắc cũng chẳng đến nỗi quá kém, nhưng cổ phiếu biến động mạnh mà không có thông tin cơ bản đi kèm thì sự rập rình rủi ro rất cao. Sau khi tiệm cận mốc 20.000 đồng, ba tuần qua thị giá LDG rớt về 12.650 đồng/cổ phiếu, tức nhà đầu tư nào lỡ mua vùng giá cao, giờ đang nhìn tài sản “bốc hơi” 35%.

Cổ phiếu AMD (Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group) cũng thuộc loại “nhảy nhót dữ dội” nửa đầu tháng 6-2017 nhờ tin tức được một doanh nghiệp xây dựng mua 24% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn. AMD có tám phiên tăng trần liên tiếp hết biên độ, rồi bắt đầu giảm sàn từ thứ Năm tuần trước. Vốn gần 650 tỉ đồng, năm 2015 lãi sau thuế 24 tỉ đồng, năm 2016 lãi 42,5 tỉ đồng, vậy mà có ngày thị giá tới 23.450 đồng/cổ phiếu, không hiểu vì sao có nhà đầu tư chấp nhận PE 40 lần mà mua vào?

Từ đầu năm đến nay, khi chứng khoán tăng trưởng, bên cạnh sự lên giá lành mạnh của các cổ phiếu cơ bản, hiệu quả kinh doanh cao, doanh thu lợi nhuận đều tăng hai con số, đã xuất hiện không ít trường hợp cổ phiếu biến động dữ dội mà không thể không liên tưởng đến đầu cơ, đội lái. Hiện tượng này có thể không tác động đến chỉ số vì đa phần là các doanh nghiệp SmallCap. Tuy vậy chúng dễ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Cơ quan quản lý, nhất là hai sở giao dịch chứng khoán nên chăng tăng cường giám sát và có biện pháp chế tài với những trường hợp giao dịch có dấu hiệu không bình thường như vậy.

Trong những ngày tới, chứng khoán ngóng nhiều thông tin từ Quốc hội, trong đó chủ yếu là nghị quyết về xử lý nợ xấu. Việc tranh luận vòng hai của các đại biểu về nghị quyết cho thấy sự đồng thuận trong cách nhìn nhận, đánh giá và thống nhất cách thức giải quyết nợ xấu còn chưa đạt được mức độ như Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ mong chờ. Cổ phiếu ngân hàng đang đứng trước thời điểm thử thách cân não. Nếu nghị quyết được thông qua, cổ phiếu ngân hàng có cơ may tiến lên phía trước và dẫn dắt VN-Index hướng tới tầm cao mới. Trong trường hợp ngược lại, sự thoái lui của nhóm cổ phiếu này rất khó đoán định và còn phụ thuộc vào sự mạnh yếu của riêng từng ngân hàng. Chúng tôi tạm nghiêng về hướng dự đoán nghị quyết sẽ được thông qua và VN-Index sẽ bứt phá.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/161401/nhung-hien-tuong-tang-tran-giam-san.html/