Những hiện tượng thiên văn kỳ thú năm 2020

Trong năm 2020 này, thiên nhiên vẫn không làm những người yêu thích bầu trời thất vọng bởi vẫn còn đó vô số tiêu điểm quan sát không thể bỏ qua. Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam chia sẻ về những sự kiện thiên văn không nên bỏ qua năm 2020.

Nhật thực hình khuyên. Ảnh minh họa.

Nhật thực hình khuyên. Ảnh minh họa.

Mưa sao băng độc đáo

Ngay những ngày đầu năm 2020, người yêu thiên văn có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng Quadratids - trận mưa sao băng trên mức trung bình với tần suất ở thời điểm cực đại khoảng 40 vệt sao băng mỗi giờ.

Mưa sao băng Quadrantids thường xuất hiện từ ngày 1 - 5/1 hằng năm, đạt cực đại vào đêm ngày 3, rạng sáng ngày 4/1. Ngoài mưa sao băng Quadratids, hai trận mưa sao băng đáng được mong đợi nhất là mưa sao băng Perseids và Geminids.

Trận mưa sao băng Lyrid là một trận mưa sao băng trung bình, tần suất khoảng 20 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Các sao băng hình thành từ các hạt bụi để lại bởi sao chổi C/1861 G1 Thatcher, được phát hiện năm 1861.

Các sao băng Thiên Cầm thường xuất hiện hằng năm từ 16 - 25/4. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm 22, rạng sáng 23/4. Các sao băng Thiên Cầm đôi khi có những ngôi rất sáng với vệt đuôi dài xuất hiện trong vài giây. Mặt trăng đang ở pha trăng mới sẽ không gây ảnh hưởng đến việc quan sát mưa sao băng, đây sẽ là một trong những trận mưa sao băng tuyệt vời của cả năm.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Lyra (Thiên Cầm), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

Vào ngày 12 và 13/8 sẽ có trận mưa sao băng Perseid là một sự kiện đáng để chờ đợi, với tần suất lên đến 60 sao băng một giờ tại cực đỉnh.

Trận mưa sao băng này nổi tiếng với những dải băng sáng và đẹp. Mưa sao băng Perseid không chỉ có số lượng lớn các sao băng mà chúng còn tuyệt đẹp. Hầu hết các sao băng khi vụt qua đều để lại một dải sáng trên bầu trời. Chúng vô cùng rực rỡ và sáng lấp lánh.

“Vua” của các trận mưa sao băng chính là mưa sao băng Geminid (song tử), diễn ra vào ngày 13 và 14/12. Nhiều người cho rằng nó là trận mưa sao băng tốt nhất trên bầu trời, với tần suất lên đến 120 sao băng nhiều màu sắc mỗi giờ tại cực đỉnh. Các sao băng Song Tử có nguồn gốc từ tàn dư bụi để lại bởi tiểu hành tinh 3200 Phaethon, được phát hiện năm 1982.

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 7 - 17/12. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 13 rạng sáng ngày 14. Mặt trăng đang ở pha trăng mới sẽ không gây ảnh hưởng đến việc quan sát mưa sao băng, khiến cho đây sẽ là một trong những trận mưa sao băng tuyệt vời của năm. Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng.

Trăng xanh vào đúng Halloween

Hiện tượng trăng xanh sẽ diễn ra vào đêm Halloween của năm 2020. Đây là một hiện tượng rất hiếm khi xảy ra. Sau trăng xanh ngày 31/10/2020, chúng ta phải chờ tới năm 2039 để hiện tượng trăng xanh rơi vào đúng dịp Halloween.

Trong năm 2020, người yêu thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng 4 lần siêu trăng khi Mặt trăng sáng hơn và to hơn bình thường tối đa 30%. Lần siêu trăng đầu tiên diễn ra vào 9/2. Lần siêu trăng này được các bộ tộc bản địa châu Mỹ gọi là Trăng Tuyết vì nó xảy ra vào thời điểm tuyết rơi dày nhất trong năm.

Nó cũng được gọi là Trăng Đói vì xảy ra vào thời điểm khắc nghiệt nhất năm khiến săn bắt trở nên khó khăn. Lần siêu trăng thứ hai diễn ra vào 10/3. Lần siêu trăng này được các bộ tộc châu Mỹ gọi là Trăng Giun vì trùng với thời điểm mặt đất trở lên tơi xốp với hoạt động trở lại của loài giun. Lần siêu trăng thứ ba diễn ra vào ngày 8/4 và lần siêu trăng cuối cùng của 2020 xuất hiện vào ngày 7/5, còn được gọi là Trăng Hoa vì đây là thời điểm hoa nở nhiều nhất trong năm.

Nhật thực và nguyệt thực

Sự kiện thiên văn rất đáng xem này sẽ xảy ra vào ngày 21/6. Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt trăng ở quá xa Trái đất nên không thể che hết hoàn toàn Mặt trời, khi quan sát từ Trái đất. Mặt trăng giống như một chiếc đĩa nhỏ nằm trong chiếc đĩa lớn là Mặt trời, bao quanh bởi một vòng nhật hoa.

Nhật thực hình khuyên lần này sẽ đi qua Trung Phi, Ả-rập Xê-út, Bắc Ấn Độ, miền Nam Trung Quốc và kết thúc ở Thái Bình Dương. Pha một phần có thể quan sát được ở phía đông châu Phi, Trung Đông và phía Nam châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, nhật thực một phần sẽ đạt cực đại vào khoảng 14 giờ 55 phút - 15 giờ 5 phút ngày 21/6, tùy vào các địa phương. Ngoài ra trong năm 2020 còn có nhật thực toàn phần, xảy ra vào ngày 14/12. Tuy nhiên, Việt Nam không quan sát được lần nhật thực này.

Trong năm 2020 này, người dân Việt Nam có thể quan sát đến 3 lần nguyệt thực nửa tối, lần lượt vào ngày 11/1, ngày 6/6 và ngày 30/11.

Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt trăng đi vào vùng nửa tối của Trái đất, khiến nó trở nên tối hơn so với lúc bình thường. Nguyệt thực nửa tối không làm bề mặt Mặt trăng biến thành màu đỏ như các kiểu nguyệt thực khác.

Thời điểm tốt nhất để quan sát sao Kim, sao Hỏa

Nếu không tính Mặt trời và Mặt trăng, thì sao Kim là vật thể tự nhiên sáng nhất trên bầu trời. Trong năm 2020, chúng ta sẽ có hai lần quan sát tốt nhất hành tinh này. Buổi chiều ngày 24/3, sao Kim sẽ xuất hiện rực rỡ trên bầu trời hoàng hôn hướng tây cho đến sau 20 giờ.

Ngày 13/8, từ sau 2 giờ rưỡi sáng, chúng ta đã thấy được hành tinh này xuất hiện ở bầu trời hướng đông rồi chiếm ngự vùng trời đó cho đến sáng. Ngoài lý do sao Kim là hành tinh nằm gần Trái đất nhất, hành tinh này có thể sáng đến thế là vì những đám mây dày trong khí quyển của nó phản xạ đến 70% ánh sáng Mặt tời nhận được.

Ngày 13/10 sẽ quan sát sao Hỏa tốt nhất. Sao Hỏa là hành tinh nằm gần Trái đất thứ hai, chỉ sau sao Kim. Tháng 10 này, chúng ta sẽ có cơ hội ngắm nhìn nó rõ nhất. Hành tinh này không quá sáng nhưng nó có một màu đỏ đặc trưng, giúp ta dễ nhận thấy trên bầu trời.

Hãy nhìn lên bầu trời hướng đông lúc trời vừa tối vào ngày 13/10, một chấm sáng màu đỏ sậm sẽ hút lấy ánh nhìn của bạn. Thử quan sát hành tinh này qua một chiếc kính thiên văn cỡ vừa, bạn sẽ được mục sở thị bề mặt hành tinh đầy bụi bẩn màu đỏ cam này.

Với người yêu thiên văn, có thể quan sát sao Kim và sao Thủy dựa trên các lần ly giác về phía Đông và phía Tây của các chòm sao này. Ngày 10/2: Sao Thủy ở vị trí ly giác cực đại phía đông hành tinh này sẽ đạt ly giác cực đại phía đông lên đến 18.2 độ tính từ Mặt trời.

Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát hành tinh này khi nó ở vị trí cao nhất trên đường chân trời bầu trời đêm. Hãy quan sát hành tinh này ở thấp trên đường chân trời phía tây ngay sau khi Mặt trời lặn.

Ngày 24/3: Sao Thủy ở vị trí ly giác cực đại phía tây. Hành tinh này sẽ đạt ly giác phía tây lớn nhất lên đến 27.8 độ tính từ Mặt trời. Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát hành tinh này khi mà nó sẽ ở vị trí cao nhất trên đường chân trời bầu trời buổi sáng sớm. Hãy quan sát hành tinh này ở thấp trên đường chân trời phía đông ngay trước khi Mặt trời mọc.

Ngày 1/10: Sao Thủy ở vị trí ly giác cực đại phía đông, hành tinh này sẽ đạt ly giác cực đại phía đông lên đến 25.8 độ tính từ Mặt trời. Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát hành tinh này khi nó ở vị trí cao nhất trên đường chân trời bầu trời đêm. Hãy quan sát hành tinh này ở thấp trên đường chân trời phía tây ngay sau khi Mặt trời lặn.

Mưa sao băng xảy ra bằng một cơ chế đơn giản. Khi đến gần Mặt trời, áp suất từ Mặt trời và tương tác hấp dẫn làm vỡ lớp vật chất rắn trên bề mặt của sao chổi. Các mảnh vỡ bị tách khỏi sao chổi và có thể để lại trên đường đi của nó rất nhiều thiên thạch nhỏ. Nhiều đám hoặc dải thiên thạch từ các sao chổi như vậy cắt ngang qua quỹ đạo của Trái đất, là nguyên nhân gây ra các trận mưa sao băng.

Ví dụ mưa sao băng Perseids từ ngày 9 đến 13 tháng 8 hàng năm khi Trái đất đi qua đám thiên thạch để lại bởi sao chổi Swift-Tuttle hay mưa sao băng Orionids vào tháng 10 có nguồn gốc từ sao chổi Halley. Hầu hết mưa sao băng là hiện tượng diễn ra hàng năm theo định kỳ, kéo dài nhiều ngày nhưng chỉ có một khoảng cực điểm ngắn để có thể quan sát.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/nhung-hien-tuong-thien-van-ky-thu-nam-2020-4058760-b.html