Những 'hiệp sĩ' trắng đêm giúp người ở Đà Nẵng

Màn đêm dần buông xuống, đường phố được điểm tô bằng những tia sáng từ cột đèn đường cũng là lúc những thành viên nhóm cứu hộ cứu nạn khẩn cấp - SOS Đà Nẵng xách bộ đồ nghề rong ruổi trên mọi nẻo đường để giúp những người không may gặp nạn kịp thời phát hiện, hỗ trợ người dân gặp sự cố, tai nạn trên đường…

Đồng hồ điểm 7h tối, quán nước dưới chân cầu Rồng (TP Đà Nẵng) thường ngày nhộn nhịp bởi tiếng vui vẻ cười đùa của nhóm bạn trẻ nay im ắng hẳn.

Phải 1h đồng hồ sau, các chàng trai mới tập hợp đủ tại quán. Bàn tay lấm lem bẩn, mặt lấm tấm mồ hôi vì trên đường tới chỗ hẹn vừa “ra tay” giúp hai trường hợp vá xe…

Vừa kéo ghế ngồi thì chuông điện thoại Đặng Ngọc Tiến - nhóm trưởng nhóm cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp - SOS Đà Nẵng bỗng reo lên.

“Alô, đội SOS Đà Nẵng phải không? Xe tui bị hỏng ở ngay Thành Điện Hải - Trần Phú. Nhờ các anh đến giúp với ạ".

"Ok, chúng tôi đến ngay", vừa cúp máy, Tiến cùng các anh em trong nhóm lập tức xách đồ đi ngay.

Khi tới nơi, một thanh niên mặc áo đồng phục Grab đang đứng đợi. Nhìn thấy nhóm cứu hộ, Nguyễn Thanh Thịnh (SN 2000, quê Gia Lai) gương mặt tươi tỉnh hẳn lên.

“Em vừa trả khách xong thì thấy xe xì lốp. Chỗ này lại không có tiệm sửa xe, đang không biết làm như thế nào. Em tìm trên mạng thì may mắn thấy số điện thoại của nhóm cứu hộ. Nói thật là em cứ gọi thôi nhưng trong lòng cũng không chắc chắn các anh ấy sẽ đến”, Thịnh xúc động cho biết.

Động tác thuần thục, Tôn Thất Vũ (thành viên của nhóm) nhanh tay lấy đồ nghề, cạy lốp xe, lôi ruột xe xẹp lép ra ngoài. Vũ hì hụi đạp chiếc bơm cho căng lốp rồi lần mò tìm chỗ thủng. Chừng 10 phút sau, chiếc ruột thủng được vá xong, bơm căng trở lại và bàn giao chủ nhân.

Ban ngày, họ làm việc, đêm đến, những thành viên trong đội cứu hộ này lại lặng lẽ, âm thầm có mặt trên mọi nẻo đường của Đà Nẵng, sẵn lòng giúp đỡ những người không may gặp sự cố xe cộ trên đường lúc đêm khuya, nị tai nạn, cướp giật…

“Những ca ở trung tâm thành phố thường là ca hỏng xe, bị cướp giật,… Khó cỡ nào giúp được là nhóm giúp hết. Có những lúc giữa đêm khuya, nhận cuộc gọi tai nạn trên đèo Hải Vân cần giúp đỡ, anh em tập hợp lại vội chạy lên đèo. Giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ, không biết mình lấy đâu ra can đảm như thế…” – Vũ chia sẻ.

Chia sẻ về hoạt động của nhóm, anh Đặng Ngọc Tiến - Đội trưởng nhóm nhóm cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp - SOS Đà Nẵng cho biết, nhóm đi vào hoạt động từ đầu tháng 4/2019 có 6 thành viên với tên gọi lúc đầu là nhóm Báo đêm Đà Nẵng.

Các thành viên trong nhóm mỗi người một hoàn cảnh, một công việc khác nhau. Có bạn làm bảo vệ, người thì sửa xe, bán hàng, và cả sinh viên... nhưng họ đều có chung niềm đam mê du lịch bụi, thích khám phá những cung đường, thường đi về khuya, di chuyển nhiều giữa các con đường trong thành phố.

“Hồi trước, tôi cùng anh em hay đi về khuya, di chuyển nhiều giữa các con đường trong thành phố, nhiều lúc đi giữa đường gặp người lớn tuổi hay người lao công đi làm về bị hỏng xe, hỏng lốp, bị tai nạn… Nhưng cả nhóm không có dụng cụ sửa xe nên chỉ giúp được họ bằng cách đẩy xe bị nạn về tới nhà, hoặc gọi đội sửa xe lưu động. Nhưng đội sửa xe lưu động thường lấy giá cao hơn bình thường vì thời điểm đó đã vào đêm khuya, nhiều người không có tiền trả rất tội nghiệp.”

Sau nhiều lần chứng kiến những trường hợp xe bị thủng lốp giữa đèo, giữa đêm khuya mà không có ai hỗ trợ. Từ đó, các chàng trai thay vì nghỉ ngơi, hò hẹn, hay đơn giản là chỉ nằm ở nhà và chơi điện thoại như bao người khác thì đã nảy ra ý định thành lập nhóm cứu hộ này. Ban ngày, họ làm việc, đêm đến, những “người hùng” này lại lặng lẽ, âm thầm có mặt trên mọi nẻo đường của Đà Nẵng, sẵn lòng giúp đỡ những người không may gặp sự cố xe cộ trên đường lúc đêm khuya, nị tai nạn, cướp giật…

Thời gian đầu, khi người dân gặp sự cố, các thành viên ngỏ ý giúp đỡ họ còn tâm lý e dè, nghi ngờ. Đồ nghề của cả nhóm chỉ vỏn vẹn là cái bơm tay và hai cây báy (dụng cụ để tách lốp xe).

Nhưng đến nay, những hành động, nghĩa cử cao đẹp của nhóm được nhiều người biết đến, lan truyền để ngày càng nhiều người được giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời khi gặp sự cố khi ra đường vào ban đêm.

Tính đến nay, cả nhóm đã giúp đỡ hơn 1.000 trường hợp bị hư hỏng xe, xì lốp, hết xăng và tai nạn giao thông đã được nhóm giúp đỡ…

“Ban đầu, gia đình ai cũng ngăn cản, cấm đoán. Các thành viên trong nhóm có hoàn cảnh không mấy khá giả, mọi dụng cụ, kinh phí hoạt động chủ yếu do anh em trong nhóm tự đóng góp.

Hơn nữa cha mẹ đều lo lắng vì con đêm nào cũng vắng nhà. Có nhiều trường hợp nhờ hỗ trợ, nhóm phải đi rất xa giữa đêm khuya, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Cha mẹ nào mà không xót khi thấy con cứ đi cả đêm. Đợt nào cha mẹ mà làm căng quá thì tôi ở nhà vài hôm. Đợi tình hình dịu lại thì đi tiếp.” – anh Tiến chia sẻ.

Hằng ngày, dù trời mưa to, gió lớn, nhóm vẫn đều đặn hoạt động từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Nhóm chia ra khu vực, mỗi khu vực có người phụ trách riêng. Địa bàn hoạt động của nhóm dọc Quốc lộ 1 từ cầu Đỏ (quận Cẩm Lệ) đến đèo Hải Vân (quận Liên Chiểu), khu vực trung tâm thành phố và ven đường biển Nam Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Nhận được đội căn cứ vào vị trí người cần giúp đỡ để phân công thành viên ở gần nhất đến hỗ trợ. Không chỉ tiếp nhận thông tin hỗ trợ thông qua đường dây nóng, trong quá trình tuần tra, các thành viên quan sát, hỗ trợ người dân khi gặp sự cố, tai nạn trên đường hay tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện, giúp đỡ trẻ em mồ côi,…

Hằng ngày, dù trời mưa to, gió lớn, nhóm vẫn đều đặn hoạt động từ 18h đến 6h sáng hôm sau

Lắm lúc giữa đêm xe hỏng nặng, anh em phải dùng xe máy để chở xe gặp nạn về chỗ sửa. Mặt khác, trong túi đồ nghề của nhóm luôn có sẵn bông băng y tế, thuốc sát trùng để kịp thời sơ cứu khi gặp những trường hợp tai nạn.

“Đợt cuối tháng 8/2019, nhóm nhận được yêu cầu hỗ trợ một trường hợp bị tai nạn giao thông trên đèo Hải Vân. Hôm đó, trời nhá nhem tối, một nữ sinh tên Trang (quê Nghệ An) chạy từ Thừa Thiên Huế vào Đà Nẵng. Do trời mưa lớn, đường trơn, khi vượt đèo, không may Trang bị trượt xe ngã.

Trang gãy chân, bất tỉnh, được người đi đường đưa vào quán nước bên đường. Khi nhận được thông tin từ người dân, vừa rời chỗ làm về, nhưng các thành viên của nhóm ngay lập tức lên đường hỗ trợ đưa Trang đến bệnh viện. Sau đó, cả nhóm ở lại túc trực ở bệnh viện đến 12h đêm cho đến khi người nhà tới…

Cứ như vậy, mỗi buổi tối cả đội hỗ trợ được 5-6 trường hợp người dân gặp sự cố, tai nạn trên đường. Có những ngày lên đến hàng chục trường hợp mãi đến tận 3-4h sáng, các thành viên mới được trở về nhà.

Tính đến nay, cả nhóm đã giúp đỡ hơn 1.000 trường hợp bị hư hỏng xe, xì lốp, hết xăng và tai nạn giao thông đã được nhóm giúp đỡ…

Đêm về khuya, nhưng các thành viên đội cứu hộ vẫn rong ruổi khắp các nẻo đường theo tiếng chuông điện thoại gọi cứu hộ. Trong thời tiết se lạnh của mùa đông chợt thấy lòng ấm lạ. Bởi ngoài kia, những trái tim nhân hậu, những đôi bàn tay ấm áp của các “hiệp sĩ” đang nỗ lực không ngừng, để mang đến sự ấm áp, mang đến điều tốt đẹp cho xã hội.

Lê Tâm

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/nhung-hiep-si-trang-dem-giup-nguoi-o-da-nang-80871.html