Những hiệu nhầm về Networking

Networking (tạo dựng mối quan hệ) là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, vẫn có không ít những hiểu nhầm về networking khiến nhiều người đánh mất đi cơ hội trong công việc và cuộc sống.

Theo giáo sư môn hành vi tổ chức Herminia Ibarra tại trường Kinh doanh London (Anh), có 5 hiểu nhầm phổ biến.

1. Networking là lãng phí thời gian?!

Có khi nào bạn thấy khi bạn chờ đèn đỏ, hay đứng đợi tàu xe là lãng phí thời gian? Nhưng chính việc chờ đợi đó, việc tích lũy những mối quan hệ với mọi người xung quanh giúp bạn bắt đúng chuyến xe khi bạn cần. Networking là môi trường thuận lợi để có thể giúp bạn trong 6 tháng sau, 3 năm sau, thậm chí 20 năm sau”, ông Trần Bằng Việt, Chủ tịch JCI Vietnam, Tổng giám đốc Đông A Solutions chia sẻ.

Theo ông Việt, thẳng thắn mà nói, networking là cần thời gian. “Bạn phải dành thời gian cho nó, dành thời gian để gặp gỡ và hiểu mọi người, chăm sóc một số mối quan hệ quý giá, dành thời gian để giữ hình ảnh của mình trước công chúng. Giá trị của networking thể hiện khi bạn đụng chuyện”, ông Việt cho biết thêm.

Networking xứng đáng được “đầu tư” thời gian, nhưng với điều kiện những nơi xuất hiện của mình phải có tính trọng điểm, phù hợp với quỹ thời gian cũng như ngân sách của mình. Nếu không biết chọn lọc sự kiện nào nên và không nên để networking thì là lãng phí thời gian. Bản thân khi tiến hành networking, cũng cần có kỹ thuật để thời gian bạn bỏ ra ít nhưng hiệu quả mang lại phải cao. Như vậy, networking có hiệu quả hay không phụ thuộc vào 3 yếu tố: thứ nhất, bạn có trọng tâm, trọng điểm hay không; thứ hai là phương pháp, cách thức thực hiện networking đó có hiệu quả, có tốt hay không; thứ 3, mình có chăm sóc và phát triển mối quan hệ đó hay không.

Đồng quan điểm với ông Việt, “connecting lady” Nguyễn Thu Anh, Giám đốc vùng của mạng lưới kết nối kinh doanh BNI khu vực HCM6, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Hỗ trợ Doanh nghiệp khẳng định, để networking không lãng phí thời gian thì bạn phải chọn lọc đối tượng mình tiếp cận, chọn lọc nội dung mình sẽ chia sẻ, sao cho phù hợp với nhóm đối tượng đó. “Thế nên việc networking của tôi không hề lãng phí thời gian, mà được nâng lên thành connecting”, bà Thu Anh khẳng định.

Ông Đoàn Đình Quốc, Chủ tịch công ty Kính Đình Quốc cũng cho rằng, nếu chúng ta chủ động kết nối thì không thể coi networking là lãng phí thời gian. Theo ông Quốc, networking chỉ lãng phí thời gian khi bạn không chuẩn bị trước câu chuyện, lấy câu chuyện của người này để nói với người khác, làm hao phí năng lượng, thời gian của mình, và điều tích cực của mọi người. “Tôi cho rằng networking là một trong những khoản đầu tư của cuộc đời nên tôi sẽ dành thời gian chất lượng cho những người quan trọng nhất, cho dù mình rất bận. Họ là đối tác, là những người bạn thâm giao, là những người có ảnh hưởng đến cộng đồng…”, ông Quốc quả quyết.

2. Khả năng networking là bẩm sinh, không thay đổi được?!

Ông Việt cho rằng, networking không phải là khả năng bẩm sinh, mà có thể rèn luyện và được rèn luyện tốt hơn, thậm chí đạt tới một mức độ nhuần nhuyễn: “Networking cũng giống như năng lực lãnh đạo. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, có những người có điều kiện thuận lợi, có thiên phú về networking và rất dễ tạo thiện cảm với người khác, thậm chí không cần làm gì vẫn tạo được thiện cảm với người khác. Tôi có thể gọi đó là thần thái, cái duyên trong giao tiếp hay cái uy, “tinh hoa phát tiết ra ngoài” là vậy”.

Mỗi người hoàn toàn có thể học hỏi, rèn luyện để nâng khả năng networking. Nhiều chủ doanh nghiệp rất giỏi về kỹ thuật chuyên môn, nhưng khi đứng trước đám đông, họ rất run. Giải pháp, theo kinh nghiệm của bà Thu Anh, là thực hành tối ưu 3 chữ C: chân thành, cởi mở, chủ động; như thế mới có thể làm giàu lên những mối quan hệ của mình.

3 .Các mối quan hệ nên hình thành tự nhiên?!

Tất cả các mối quan hệ cần phải được nuôi dưỡng có chủ ý để tạo ra giá trị. “Bạn cần có định hướng, có chủ tâm trong việc chọn những nơi mà bạn xuất hiện, cộng đồng bạn tham gia, chọn vai trò đại diện khi xuất hiện, cũng như cách mà bạn xuất hiện. Tôi cho rằng, networking là một nỗ lực có chủ ý. Nhưng điều này không loại trừ bạn ra khỏi những mối quan hệ ngẫu nhiên, tình cờ”, Chủ tịch JCI Việt Nam nhìn nhận.
“Với tư cách là một doanh nhân, quan điểm của tôi là việc kết nối phải chủ động, chân thành và có sự vun trồng, phải mất thời gian, năng lượng, kiến thức thì mối quan hệ mới mang lại giá trị”, ông Quốc bổ sung.

4. Networking là thiếu chân thành?!

Networking đòi hỏi kỹ thuật, nhưng đừng lạm dụng nếu không muốn người khác cảm giác thiếu đi sự chân thành. Sử dụng kỹ thuật như thế nào là vừa phải? Người chủ động networking cần hiểu được đối tác quan tâm vấn đề gì, chấp nhận phong cách nào, chấp nhận những con người như thế nào, chấp nhận sự đường đột ra sao để hành xử trong phạm vi an toàn đó. Tuy nhiên nếu chỉ ứng xử trong một phạm vi an toàn thì có thể không để lại dấu ấn gì với người đối diện. Có rất nhiều cách khác nhau để chăm sóc các mối quan hệ của mình nếu mình thực sự cảm thấy mối quan hệ đó là quan trọng. Mức độ cảm nhận về sự chân thành phụ thuộc vào cách ứng xử nhất quán hay không. Bà Thu Anh cho rằng: “Với một mối quan hệ, tính bền chặt đòi hỏi sự chăm sóc vun trồng qua thời gian. Phải luôn luôn cập nhật, làm ấm lại các mối quan hệ cũ và làm nở hoa những mối quan hệ mới”.

5 Chỉ những mối quan hệ thân tình mới là tốt nhất?!

“Cũng như lưới đánh cá, liên kết với nhau bằng những nút thắt, mỗi người sẽ có một địa bàn, một sở trường riêng, một mạng lưới riêng. Nhiều khi cần sự hỗ trợ, không phải cứ là thân tình thì sẽ giúp được, vì điều này còn liên quan đến sở trường của mỗi người. Tuy nhiên, nếu sợi dây giữa mình và họ càng gần, càng chặt thì họ sẽ dễ dàng phát hiện nhu cầu của mình và hỗ trợ mình nhiệt tình, sớm hơn mình dự định”, ông Việt trình bày quan điểm. Trong khi đó, theo ông Quốc, quan hệ thân tình sẽ giúp được nhiều điều; nhưng những mối quan hệ mới có thể đem lại những thông tin và cơ hội mới. Ngày nay có nhiều công cụ để con người kết nối với nhau, nhưng việc kết nối kiểu gặp mặt trực tiếp (“face to face”) vẫn là cần thiết để đảm bảo mối quan hệ được duy trì bền chặt, hiệu quả.

Bài viết được thực hiện với sự tham gia của Nguyễn Thu Anh

Bà Thu Anh có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán hàng, 10 năm trong lĩnh vực truyền thông tiếp thị, kết nối, xây dựng thương hiệu, xây dựng network và đội nhóm. Hiện tại, bà đảm nhiệm nhiều cương vị tại nhiều tổ chức: Giám đốc vùng BNI HCM6, Giám đốc phát triển mạng xã hội và kinh doanh Azibai, Đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch mạng lưới cựu du học sinh quốc tế, sáng lập và điều hành Connecting Plus, Phó Tổng giám đốc Logleman Design.

Đoàn Đình Quốc, Ông Quốc là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch công ty Kính Đình Quốc. Sinh năm 1973, ông Quốc thành lập công ty kinh doanh các sản phẩm gương, kính vào năm 1998, đến nay tròn 20 năm.

Trần Bằng Việt, CEO Dong A Solutions là một chuyên gia tư vấn được từng đảm nhận nhiều vai trò chủ chốt tại các tập đoàn lớn như TGđ Mai Linh Taxi, Phó TGĐ Le & Associates, Senior Manager TMA Solutions. Ông cũng đầu tư và tham gia quản trị nhiều doanh nghiệp. Ông đã và đang tham gia dẫn dắt nhiều câu lạc bộ và hiệp hội doanh nghiệp: Chủ tịch liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu tại Việt Nam; Tổng thư ký câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp.

Doanh nhân

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/nhung-hieu-nham-ve-networking-127799.html