Những hiệu quả từ công tác hợp tác tư pháp quốc tế

Cùng với việc hỗ trợ tư pháp dựa trên nguyên tắc 'có đi có lại' thì việc đàm phán, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp góp phần tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp của Việt Nam và các nước, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy nhanh việc xử lý các yêu cầu tương trợ tư pháp, góp phần tích cực để giải quyết các vấn đề phát sinh từ vụ án hình sự trong phạm vi lãnh thổ các nước liên quan cũng là yêu cầu đặt ra trong thời kì hội nhập.

Trong năm 2018, hoạt động đàm phán, ký kết Điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong các lĩnh vực hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù có những bước tiến đáng ghi nhận về cả số lượng và chất lượng các Điều ước được đề xuất đàm phán, tiến hành đàm phán, ký kết. Về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Việt Nam đã tiến hành đàm phán thành công Hiệp định với từng nước: Cu Ba, Mô-dăm-bích, U-dơ-bê-ki-xtan; đang đề xuất đàm phán Hiệp định với các nước khác như: Nhật Bản, I-xra-en, I-ran, I-ta-li-a.

ảnh minh họa

ảnh minh họa

Về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, Việt Nam đã tiến hành đàm phán Hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù với Mông Cổ, Ca-dắc-xtan; Chuẩn bị đàm phán 6 Hiệp định về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù với các nước: I-xra-en, I-ta-li-a, Bun-ga-ri; đề xuất đàm phán 12 Hiệp định về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù với các nước khác; thực hiện thủ tục phê chuẩn Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc.

Theo đó, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó. Khi có hiệp ước dẫn độ, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án; Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án (Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp 2007). Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý tội phạm hình sự.

Cùng với đó, là các Hiệp ước về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Theo đó, người đang chấp hành hình phạt tù có thể được chuyển giao đến nước mà người đó mang quốc tịch hoặc đến nước khác đồng ý tiếp nhận chuyển giao để tiếp tục chấp hành hình phạt tù mà nước chuyển giao đã tuyên đối với người đó; (Điều 49 Luật Tương trợ tư pháp). Việc chuyển giao này có ý nghĩa trong việc xử lý tội phạm sau khi có bản án từ nước sở tại.

Kết quả của các hoạt động hợp tác tư pháp cũng như việc kí kết các Hiệp định tư pháp về hình sự giữa các bên nêu trên phản ánh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan Trung ương về công tác Điều ước quốc tế của năm 2018. Theo đó, đã có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa cơ quan chủ trì với các cơ quan khác trong việc đề xuất đàm phán, góp ý dự thảo hiệp định, phương án đàm phán hiệp định. Từ đó, công tác đàm phán, ký kết Hiệp định giữa Việt Nam với nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận thể hiện bằng việc một số Hiệp định đã được đàm phán thành công cũng như đã được Việt Nam và nước ngoài cùng nhau ký kết. Sau khi có hiệu lực, những Hiệp định này là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hoạt động hợp tác về tố tụng hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam với nước thành viên hiệp định.

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-hieu-qua-tu-cong-tac-hop-tac-tu-phap-quoc-te-170742.html