Những hình ảnh ghi dấu bình đẳng giới của phụ nữ Mỹ 100 năm qua (phần 2)

Ngày 26/8 năm nay đánh dấu bước ngoặt tròn 1 thế kỷ kể từ khi phụ nữ Mỹ được trao quyền bỏ phiếu theo Tu chính án thứ 19. Kể từ đó, phụ nữ Mỹ đã phá bỏ rào cản vô hình, mở ra con đường bình đẳng cho các thế hệ tương lai và có ảnh hưởng lớn đến phụ nữ các nước trên thế giới.

Năm 1981, Sandra Day O'Connor trở thành nữ thẩm phán đầu tiên của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Trong thời gian làm việc tại tòa án, O'Connor đã giúp bảo vệ quyền phá thai và đấu tranh chống lại nhiều định kiến về giới cho cả nam và nữ. 12 năm sau, Ruth Bader Ginsburg trở thành nữ thẩm phán thứ hai tại Tòa án Tối cao. Ảnh: Getty Images

Sally Ride là 1 trong 6 phụ nữ đầu tiên được chọn tham gia trường phi hành gia của NASA vào năm 1978. Trong nhiệm vụ Challenger năm 1983, Ride trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên và là người Mỹ trẻ nhất bay vào không gian, lúc đó bà 32 tuổi. Sau khi rời NASA, Ride thành lập tổ chức phi lợi nhuận mang tên SallyRide Science và là người ủng hộ mạnh mẽ việc cải thiện giáo dục toán và khoa học cho trẻ em gái. Ảnh: Getty Images

Nhà hoạt động xã hội Dolores Huerta (giữa) dẫn đầu một cuộc biểu tình ở quận Mission, San Francisco. Đây là một phần của cuộc tẩy chay quốc gia chống lại việc sử dụng thuốc trừ sâu trên nho. Huerta, người đồng sáng lập Hiệp hội Công nhân Nông trại Hoa Kỳ hiện tại, đã giúp vận động việc thông qua Đạo luật Quan hệ Lao động nông nghiệp năm 1975. Điều đó đã thúc đẩy công nhân nông nghiệp ở California đứng lên yêu cầu mức tiền lương cao hơn. Phát biểu trong buổi lễ trao Huân chương Tự do của Tổng thống vào năm 2012, Huerta khẳng định: "Những thay đổi lớn về công bằng xã hội ở đất nước chúng ta xảy ra khi mọi người cùng nhau tổ chức, xây dựng và trực tiếp hành động. Chính quyền này đã duy trì và phát triển nền dân chủ của chúng ta ngày nay. Phong trào dân quyền, phong trào lao động, phong trào phụ nữ và phong trào bình đẳng cho cộng đồng LGBT của chúng ta đều là những biểu hiện của những quyền này". Ảnh: AP

Rất ít phụ nữ có ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực truyền hình như diễn viên, người dẫn chương trình trò chuyện, nhà sản xuất truyền hình và nhà từ thiện người Mỹ Oprah Winfrey. Ở tuổi 19, bà trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên và là người trẻ nhất dẫn chương trình cho WTVF-TV ở Nashville, Tennessee. Chương trình trò chuyện "The Oprah Winfrey Show" gồm 25 mùa của bà đã ảnh hưởng đến văn hóa trong nhiều thập kỷ và mang về cho bà giải thưởng Daytime Emmy Awards 16. Đến giữa thập niên 1990, nội dung chương trình trở nên nghiêm túc hơn, trình bày những vấn đề mà Winfrey cho là hệ trọng đối với phụ nữ như sự thiếu chung thủy, lạm dụng trẻ em và giải phẫu thẩm mỹ. Bà là tỉ phú thành công từ chính năng lực của mình và là người phụ nữ da màu đầu tiên trong danh sách "Những người giàu nhất thế giới" do tạp chí Forbes bình chọn vào năm 2003. Oprah Winfrey cũng được trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống vào năm 2013. Ảnh: AP

Tiến sĩ Antonia Novello là người phụ nữ đầu tiên và cũng là người Tây Ban Nha đầu tiên được bổ nhiệm làm bác sĩ phẫu thuật tổng quát của Hoa Kỳ. Sau khi được bổ nhiệm vào năm 1990, Novello đã giúp nâng cao nhận thức quốc gia về các vấn đề như bạo lực gia đình và đại dịch AIDS. Ảnh: Getty Images

Nữ Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Barbara Boxer ra hiệu với Thượng nghị sĩ Joe Biden trong một cuộc họp báo về Đạo luật chống bạo hành phụ nữ năm 1993. Đây là đạo luật mang tính bước ngoặt, được thông qua 1 năm sau đó và là một trong những đạo luật đầu tiên của liên bang giúp bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình và tấn công tình dục. Ảnh: AP

Năm 1997, Madeleine Albright tuyên thệ nhậm chức nữ Ngoại trưởng đầu tiên sau khi được sự xác nhận của Thượng viện. Tổng thống Bill Clinton đã đề cử Albright vào vị trí này 4 năm sau khi ông chọn Janet Reno làm nữ Tổng chưởng lý Hoa Kỳ đầu tiên. Albright chia sẻ với Huffington Post (một trang tin tức trực tuyến và blog về tin tức và ý kiến của Mỹ) vào năm 2010 :"Lý do tôi đặt vấn đề phụ nữ làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ không phải vì tôi là một nhà nữ quyền mà bởi vì chúng tôi biết rằng xã hội sẽ ổn định hơn nếu phụ nữ được trao quyền về mặt chính trị và kinh tế". Ảnh: AP

Diễn viên Halle Berry phát biểu nhận giải sau khi trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên và duy nhất cho đến nay giành được Giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Berry, người được trao giải cho vai chính trong phim Monster's Ball, chia sẻ: "Khoảnh khắc này không chỉ dành riêng cho tôi. Khoảnh khắc này là nhằm tôn vinh Dorothy Dandridge, Lena Horne, Diahann Carroll. và Jada Pinkett, Angela Bassett, Vivica Fox, những người phụ nữ đã luôn bên cạnh tôi. Đêm nay cũng là lúc một cánh cửa cơ hội đã được mở ra cho cả những người phụ nữ da màu vô danh, không mặt mũi". Ảnh: Getty Images

Mohini Bhardwaj biểu diễn trên xà thăng bằng tại Thế vận hội Olympic 2004 ở Athens, Hy Lạp. Bhardwaj đã bất chấp những khuôn mẫu về vận động viên thể dục truyền thống bằng cách thi đấu tại Thế vận hội Olympic năm 25 tuổi và cô trở thành vận động viên thể dục dụng cụ người Mỹ gốc Ấn đầu tiên giành được huy chương Olympic. Ảnh: AP

Hình ảnh Nancy Pelosi cùng với các cháu của mình và con của các thành viên Quốc hội khác sau khi được bầu làm nữ Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ đầu tiên vào năm 2007. Bà đã làm nên lịch sử một lần nữa vào năm 2019 khi trở lại giữ chức Chủ tịch Hạ viện nhiệm kỳ thứ 3. Ảnh: Getty Images

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice phát biểu tại một cuộc họp báo ở Washington, D.C năm 2008. Rice là người phụ nữ đầu tiên giữ chức cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ và người phụ nữ thứ hai giữ chức Ngoại trưởng. Ảnh: AP

Tác giả kiêm nhà thơ nổi tiếng Maya Angelou đã dành cả sự nghiệp của mình để nâng cao tiếng nói cho những người bị áp bức, đồng thời phá bỏ các rào cản trong cộng đồng văn học. Cuốn sách "I Know Why the Cage Bird Sings" (tạm dịch Tôi biết vì sao chim trong lồng vẫn hót) của bà đã thách thức những định kiến về những gì phụ nữ da đen có thể viết trong những năm 1960 và nó đã trở thành một quyển sách đáng đọc nhất của sinh viên trên khắp nước Mỹ. Hình ảnh trên là lúc Angelou nhận Huân chương Tự do của Tổng thống từ Tổng thống Barack Obama vào năm 2010. Ảnh: Getty Images

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tammy Duckworth đến Đài tưởng niệm các nạn nhân trong Thế chiến thứ hai ở Washington, D.C trong một buổi lễ năm 2010 tôn vinh các cựu chiến binh Thế chiến thứ hai đã chiến đấu ở Thái Bình Dương. Bà bị cụt chân sau khi chiếc trực thăng chở bà bị bắn rơi ở Iraq vào năm 2004. Sau khi trở về Hoa Kỳ, Duckworth bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình với tư cách là một nữ nghị sĩ và sau đó trở thành một thượng nghị sĩ. Năm 2018, bà trở thành thượng nghị sĩ Mỹ đầu tiên sinh con khi còn đương nhiệm. Bà phát biểu trong một tuyên bố thông báo về sự ra đời của cô con gái thứ hai: "Làm cha mẹ không chỉ là vấn đề của phụ nữ. Đó là một vấn đề liên quan đến kinh tế và là một vấn đề ảnh hưởng đến tất cả các bậc cha mẹ cũng như cả nam giới và phụ nữ". Ảnh: AP

Tay vợt Serena Williams ăn mừng chiến thắng ở vòng 2 tại Wimbledon năm 2016. Với 73 danh hiệu đơn trong sự nghiệp, 23 danh hiệu đôi và 2 danh hiệu đôi nam nữ, Williams đã dành cả cuộc đời thống trị các sân quần vợt. Cô đã giành được 23 danh hiệu Grand Slam đơn, nhận được rất nhiều tiền thưởng trong sự nghiệp. Serena Williams là người công khai đấu tranh chống lại phân biệt giới tính trong thể thao, mà cụ thể là quần vợt. Ảnh: Getty Images

Hình ảnh Hillary Clinton ăn mừng trên sân khấu trong đêm cuối cùng của Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ năm 2016. Cựu đệ nhất phu nhân, thượng nghị sĩ và ngoại trưởng Mỹ đã làm nên lịch sử khi là phụ nữ đầu tiên nhận được đề cử tổng thống từ một chính đảng lớn. Ảnh: Getty Images

Thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley ký dự luật dỡ bỏ lá cờ Liên bang khỏi khuôn viên Nhà nước ở Columbia vào năm 2015. Haley đã làm nên lịch sử vào năm 2011 sau khi trở thành phụ nữ đầu tiên và người dân tộc thiểu số đầu tiên trở thành thống đốc của Nam Carolina. Bà cũng là thống đốc người Mỹ gốc Ấn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ. Ảnh: Getty Images

Hàng nghìn người xuống Đại lộ Pennsylvania ở Washington, D.C trong cuộc tuần hành vì quyền phụ nữ vào tháng 1/2017. Hơn 1 triệu người đã tham gia sự kiện Tuần hành phụ nữ 2017, biến đây trở thành cuộc biểu tình một ngày lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Ảnh: Getty Images

Minh tinh Sandra Bullock cầm ví với chiếc ghim Time's Up tại Lễ trao giải Oscar năm 2018. Sáng kiến Time's Up do một nhóm hơn 1.000 phụ nữ trong ngành giải trí tạo ra như một cách để chống lại bạo lực giới, phân biệt đối xử và tấn công tình dục ở nơi làm việc. Ảnh: Getty Images

Các nữ nghị sĩ đảng Dân chủ cùng nhau chụp ảnh bên ngoài Điện Capitol của Hoa Kỳ vào năm 2019. Trong ảnh có Alexandria Ocasio-Cortez, người phụ nữ trẻ nhất từng được bầu vào Hạ viện hay Rashida Tlaib và Ilhan Omar, những phụ nữ Hồi giáo đầu tiên được bầu vào Quốc hội. Ảnh: The New York Times

Megan Rapinoe nâng cao chiếc cúp vô địch World Cup nữ sau khi đội tuyển bóng đá nữ Hoa Kỳ đánh bại Hà Lan trong trận chung kết năm 2019. Ngoài sân, 28 thành viên của đội đã kiện Liên đoàn bóng đá Hoa Kỳ vì trả tiền cho các cầu thủ nữ ít hơn nam giới. Vào tháng 5/2020, một thẩm phán liên bang đã ra phán quyết rằng các thành viên trong nhóm không chứng minh được sự phân biệt đối xử về tiền lương. Một phát ngôn viên của các cầu thủ cho biết họ sẽ kháng cáo về quyết định này. Ảnh: Getty Images

Hai nữ phi hành gia Jessica Meir và Christina Koch tạo dáng bên trong Trạm Vũ trụ Quốc tế. Cả hai đã thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên dành cho đoàn phi hành gia toàn bộ là nữ giới vào tháng 10/2019. "Những gì chúng tôi đang làm bây giờ thể hiện tất cả công việc trong nhiều thập kỷ trước, tất cả những người phụ nữ đã làm việc để đưa chúng tôi đến vị trí ngày hôm nay", Meir phát biểu trong một cuộc họp báo. Ảnh: NASA

Khi bước vào sân vận động Hard Rock ở Miami Gardens, Florida vào ngày 2/2/2020, Katie Sowers đã làm nên lịch sử với tư cách là người phụ nữ đồng tính công khai đầu tiên làm huấn luyện viên trong một trận Super Bowl (trận Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ). Cô chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn năm 2016: "Mục tiêu dài hạn của tôi là trở thành huấn luyện viên trưởng và sau đó chuyển sang quản lý điều hành. Đó không phải là một con đường đặc thù nhưng thật sự những gì tôi đang làm không có gì là đặc thù cả". Ảnh: AP

Nguồn: CNN

Kim Ngọc (dịch)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-hinh-anh-ghi-dau-binh-dang-gioi-cua-phu-nu-my-100-nam-qua-phan-2-20200826000301113.htm