Những hình ảnh quý giá về Đà Lạt xưa giờ chỉ còn trong kí ức

Đà Lạt phát triển nhanh và ngày càng bị 'bê tông hóa' nhiều hơn. Nhiều thắng cảnh nổi tiếng hoặc những nét văn hóa đặc sắc của người Đà Lạt xưa giờ chỉ còn trong sách và những bức ảnh đặc sắc của các nghệ sĩ tên tuổi.

Ảnh "Buổi sáng trên hồ Đà Lạt" của cố nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu.

Ảnh "Buổi sáng trên hồ Đà Lạt" của cố nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu.

Hội VH&NT Lâm Đồng đang phối hợp với gia đình cố nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu tổ chức triển lãm và ra mắt sách ảnh của ông tại TP.Đà Lạt. Ông đã được giới nhiếp ảnh tặng danh hiệu “vua ảnh phân sắc” vì có nhiều tác phẩm độc đáo được chụp với kỹ thuật “phân sắc độ”, trong đó bức ảnh “Dáng ngoại” đạt 4 giải, cúp, huy chương vàng quốc gia và ở các nước khác; được triển lãm tại 20 nước.

Tác phẩm "Dáng ngoại".

Các bức ảnh khác như Hồi tưởng, Đời chờ, Sống tăm tối, Xích lô, họa sĩ Nguyễn Trí Minh… cũng đạt nhiều giải nhiếp ảnh ở các nước và triển lãm ở hàng chục quốc gia.

Ông Nguyễn Bá Mậu còn có hàng chục bức hình tuyệt đẹp về thiên nhiên Đà Lạt những năm 50 - 70 (thế kỷ XX), ghi lại những khoảnh khắc “vàng” biến đổi của thiên nhiên lúc bình minh, hoàng hôn, những hàng thông sương giăng mắc, những thảm hoa dại trải khắp núi đồi; đặc biệt tác phẩm “Núi đồi mờ sương” đạt Huy chương Đồng ở Hàn Quốc và bằng danh dự ở Pháp.

"Núi đồi mờ sương".

Một người cùng thời với ông là cố nhiếp ảnh gia nổi tiếng Trần Văn Châu cũng góp công lớn trong việc chép sử Đà Lạt bằng hình ảnh. Ông Trần Văn Châu là người đầu tiên chụp ảnh Đà Lạt từ trên máy bay, sở hữu hàng trăm bức ảnh “đắt giá” về Đà Lạt xưa.

Ở góc nhìn trên không, kiến trúc, phong cảnh Đà Lạt thuở trước hiện ra đa diện hơn. Một đô thị Đà Lạt được quy hoạch bài bản với những điểm nhấn kiến trúc tuyệt đẹp đã được định hình như ga Đà Lạt, khách sạn Palace, nhà thờ Con Gà… Tiêu biểu nhất là bộ ảnh chụp trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được phối cảnh cùng với hồ Xuân Hương và Đồi Cù thơ mộng, với những đường cong uốn lượn đặc trưng của phố núi.

Ảnh trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt chụp năm 1960.

Những bức ảnh chụp toàn cảnh nội ô cho thấy ngày ấy Đà Lạt thơ mộng với nhiều mảng xanh của rừng thông, nay đã bị “bê tông hóa” phần lớn.

Hồ Xuân Hương và vùng phụ cận năm 1960.

Hiện đã ngoài 80 tuổi, nhiếp ảnh gia tài hoa Đặng Văn Thông còn giữ được nhiều bức ảnh quý về Đà Lạt xưa mà ông đã chụp 50-70 năm qua. Bức được chụp lâu nhất là hồ Mê Linh năm 1949, nay hồ nước thơ mộng hầu như đã bị xóa sổ.

Hồ Mê Linh năm 1949.

Khi cho chúng tôi xem những bức ảnh chụp thác Cam Ly, Liên Khương, Gougah những năm 50 của thế kỷ trước, ông không khỏi tâm tư: Hồi đó các thác nước rất hùng vĩ, bọt nước tung trắng xóa, nay Cam Ly bị ô nhiễm triền miên, còn Gougah và Liên Khương gần như đã bị thủy điện “giết chết” rồi.

Ông vẫn còn giữ bức ảnh chợ Đà Lạt chụp vào năm 1952, trong đó những phụ nữ dù gánh hàng ra chợ hay đi mua sắm đều mặc áo dài rất lịch sự; ảnh những cỗ xe thổ mộ (xe ngựa) chở khách ngược xuôi trên khu Hòa Bình...

Khu Hòa Bình năm 1952.

Những nghệ sĩ nhiếp ảnh tài danh này đã dành cả cuộc đời lưu giữ hồn xưa Đà Lạt, giúp các thế hệ sau hình dung về một cao nguyên hùng vĩ nhưng cũng rất thơ mộng; một miền đất “lạ” bởi tuy là thành phố của một nước phương Đông miền nhiệt đới nhưng lại mang sắc màu của đô thị ôn đới phương Tây, từ khí hậu, văn hóa đến kiến trúc.

Hồ Xuân Hương năm 1952.

Kim Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nhung-hinh-anh-quy-gia-ve-da-lat-xua-gio-chi-con-trong-ki-uc-1761381.tpo