Những hoàng hậu Việt có chồng con rồi mới lấy vua

Thời phong kiến, quan niệm về trinh tiết phụ nữ rất nặng nề. Vậy nhưng trong nhiều triều đại, vẫn có những bà hoàng hậu được vua cưới về khi đã có chồng con đàng hoàng. Đa phần những cuộc hôn nhân như vậy đều xuất phát từ những mưu đồ chính trị của nhà vua hay của vương triều. Có cuộc hôn nhân hạnh phúc, nhưng có những cuộc tan rã ngay sau đó.

Đinh Tiên Hoàng cưới mẹ của Ngô Nhật Khánh

Đinh Tiên Hoàng là vị hoàng đế mở nền chính thống cho các triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam. Lên ngôi sau khi dẹp yên “loạn 12 sứ quân”, nên ông luôn tìm cách khống chế tầm ảnh hưởng của các sứ quân và hậu duệ của họ, trong đó có cả biện pháp dùng hôn nhân.

Trong số các sứ quân, Ngô Nhật Khánh vốn cùng quê Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội ngày nay) với Ngô Vương (Ngô Quyền) và còn là cháu họ ngài. Khi Ngô Vương mất, nổ ra loạn 12 sứ quân, Ngô Nhật Khánh là một trong số đó, xưng là An Vương, cát cứ tại quê nhà Đường Lâm.

Khi Đinh Bộ Lĩnh đem quân dẹp gần hết các sứ quân, Ngô Nhật Khánh và cả cháu nội Ngô Quyền là Ngô Xương Xí đều đem quân về hàng.

Sau khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, xưng là Đinh Tiên Hoàng năm 968, đã lấy mẹ Ngô Nhật Khánh làm hoàng hậu đồng thời gả con gái là công chúa Phất Kim cho Nhật Khánh, và còn cho em gái của Nhật Khánh lấy con mình là Nam Việt Vương Đinh Liễn.

Sử cũ không ghi mẹ của Ngô Nhật Khánh tên là gì, chỉ ghi là Ngô phu nhân. Có thuyết cho rằng bà sinh với Đinh Tiên Hoàng một hoàng tử là Đinh Hạng Lang, tuy nhiên sau này Hạng Lang đã bị người con lớn của Tiên Hoàng là Đinh Liễn giết chết.

Ngô Nhật Khánh tuy được đưa vào các mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ với nhà Đinh, nhưng lúc nào cũng nuôi chí phục thù, mong dựng lại cơ đồ nhà Ngô... Ông ta tìm mọi cách để chống lại vua Đinh, liên hệ với vua Chiêm Thành để mưu đồ phản nghịch.

Sử chép, trước khi chạy vào theo Chiêm Thành, Ngô Nhật Khánh xẻo má vợ để làm nhục. Nhưng trong cuộc hành quân của quân Chiêm định đánh Đại Cồ Việt sau đó, Ngô Nhật Khánh đã bị chết đuối.

Sau biến cố đau lòng trên, Ngô phu nhân chẳng còn lòng dạ nào ở lại hoàng cung nữa. Dã sử cho hay, sau khi Đinh Tiên Hoàng mất, bà lập một ngôi chùa ở ngoại thành Hoa Lư để tu hành, ngôi chùa có tên là Đàm Lư nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Bà Ngô, nay nằm ở thôn Hoàng Long, xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vua Lê Hoàn cưới vợ của vua Đinh Tiên Hoàng

Là vợ vua Đinh Tiên Hoàng, bà Dương Vân Nga là mẹ của hoàng tử Đinh Toàn. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng cùng con trai là Nam Việt vương Đinh Liễn bị thái giám Đỗ Thích giết hại, Đinh Toàn lúc ấy mới 6 tuổi được tôn lên ngôi vua. Bà Dương Vân Nga được tôn lên làm Hoàng Thái hậu, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn làm nhiếp chính, xưng là phó vương.

Sau khi Lê Hoàn dẹp được cuộc chống đối của Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp, trước mối nguy đất nước bị quân Tống xâm lăng, Đại tướng quân Phạm Cự Lạng cùng các tướng đã đồng thuận tôn Lê Hoàn lên làm vua. Dương Thái hậu cũng đồng thuận, liền sai lấy áo long cổn mặc cho Lê Hoàn, mời ông lên ngôi Hoàng đế.

Hai năm sau, Lê Hoàn mới lập Dương Thái hậu làm Đại Thắng Minh hoàng hậu, cùng 4 bà vợ trước của vua. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi vua Lê Hoàn và Đại Thắng Minh hoàng hậu đều băng, nhân dân làm đền thờ ở Hoa Lư, đã tạc tượng các vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Dương Hậu cùng ngồi. Đến đầu thời Lê sơ, đạo Nho phổ biến, các nhà Nho thấy việc “một vợ hai chồng” là chướng, nên An phủ sứ Lê Thúc Hiền mới cho tách riêng tượng ra.

Do ảnh hưởng lễ giáo Nho học, nên nhà sử học thời Lê Ngô Sĩ Liên đã bình luận: “Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Lê Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn”.

Còn bộ sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” làm thời nhà Nguyễn đánh giá: “Đại Thắng Minh là tên hiệu của Đinh Tiên Hoàng. Đại Hành lấy hiệu vua cũ đặt cho vợ mình, thật là không còn kiêng nể chút gì cả! Sử sách ghi chép, để cười nghìn thu”.

Đánh giá chung về vua Lê Đại Hành, các sử thần phong kiến vẫn ác cảm cho rằng: “Vua nhân gian dâm trong cung mà lấy được nước”.

Trần Thái Tông lấy vợ của anh

Là vua đầu triều Trần, đặt giường giăng mối, mở đầu một triều đại, có công lao lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông, nhưng vua Trần Thái Tông vẫn bị sử quan đời sau chê là: “Trong chốn buồng the có nhiều điều hổ thẹn”.

Nguyên nhân là trước vua lấy vua cuối nhà Lý là Lý Chiêu Hoàng làm vợ, được nhường ngôi, Lý Chiêu Hoàng được đổi làm Chiêu Thánh hoàng hậu. Đến năm 1237, thấy Chiêu Thánh chưa có con, mà chị của công chúa là Lý Thuận Thiên, vợ của anh vua là Trần Liễu, đã có mang ba tháng, Thái sư Trần Thủ Độ mới lập kế cướp Thuận Thiên về làm vợ vua, “hòng mạo nhận (đứa con trong bụng công chúa) để nhờ về sau”. Cuộc cướp vợ trắng trợn này khiến Trần Liễu dấy quân làm loạn ở sông Cái, còn Trần Thái Tông cũng vì xấu hổ mà bỏ lên núi Yên Tử.

Nhưng trước sự cứng rắn của Trần Thủ Độ, vua Thái Tông đành phải trở về kinh thành, Trần Liễu thì xin hàng, còn những người theo làm loạn đều bị giết cả. Trần Liễu được đền cho đất các xã Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang làm đất thang mộc. Người con đầu do Thuận Thiên hoàng hậu sinh ra là Trần Quốc Khang cũng không được lập làm thái tử, mà ngôi vị này được dành cho người con chính thức của Thái Tông và Thuận Thiên là Trần Hoảng, tức vua Trần Thánh Tông sau này.

Ngoài việc lấy vợ của anh, vua Trần Thái Tông còn đem vợ mình là Chiêu Thánh gả cho vị tướng có công là Lê Phụ Trần.

Lê Thần Tông lấy vợ của bác

Đến đời Lê trung hưng, vua Lê Thần Tông bị chúa Trịnh ép lấy con gái mình, lại là vợ của bác vua.

Bà hoàng hậu đó là Trịnh Thị Ngọc Trúc, là con gái thứ của chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng và Chính phi Nguyễn Phúc Ngọc Tú, con gái chúa Nguyễn Hoàng. Trước bà được gả cho Cường quận công Lê Trụ, ở hàng bác họ vua Thần Tông, đã có hai con. Sau vì ông phạm tội nặng, bị giam ngục rồi mất.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, đến năm bà 36 tuổi (1630) chúa Trịnh Tráng lại gả bà cho Lê Thần Tông, được tấn phong làm Hoàng hậu. Lê Thần Tông khi lấy bà Ngọc Trúc kém bà tới 13 tuổi, cả triều đình đều can, vua gạt đi và nói: “Đã trót rồi, lấy gượng vậy”. Sử ghi “từ đó trời mưa dầm không ngớt”. Tuy nhiên bà Ngọc Trúc không sinh cho vua người con nào.

Chính vì vua Thần Tông cam chịu mọi sự sắp đặt của chúa Trịnh, nên các sử gia đời sau bình luận: “Vua với nhà chúa vui vẻ hòa hợp một nhà, dồi dào phong thái thuần hậu hòa mục; ung dung rủ áo chắp tay mà hưởng lộc trời. Thế chẳng tốt đẹp sao!”.

Mặc dù vậy, sử gia phong kiến vẫn chê vua rằng “trong chốn cung vi không có chế độ... đó là chỗ kém”.

Vua Gia Long lấy vợcủa vua Cảnh Thịnh

Dù không được chép trong chính sử nhà Nguyễn, nhưng theo bộ sách “Quốc sử di biên” do Phan Thúc Trực soạn vào năm 1851 - 1852 có viết: “Năm Nhâm Tuất, Gia Long năm đầu (1802), Thế tổ (Gia Long) đến kinh thành Thăng Long, hào mục bắt anh em Nguyễn Quang Toản dâng lên vua... Dâng nộp bà phi Lê Ngọc Bình vào trong cung vua...”.

Công chúa Lê Ngọc Bình sinh năm 1783 là con út của vua Lê Hiển Tông và Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều và cũng là em gái công chúa Ngọc Hân. Năm 1972, vua Quang Trung bất ngờ qua đời, Thái tử Quang Toản mới 10 tuổi lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Năm 1795, thái hậu Lê Ngọc Hân làm mối Ngọc Bình cho vua Cảnh Thịnh, công chúa trở thành chính cung hoàng hậu nhà Tây Sơn khi vừa tròn 12 tuổi.

Do vua Cảnh Thịnh còn bé, các đại thần bất hòa, chính sự suy vong, nên triều đình Tây Sơn không còn chống cự lại được trước sự phản công của chúa Nguyễn Ánh. Sau khi đánh bại vua trẻ Tây Sơn, thấy hoàng hậu trẻ đẹp, vua Gia Long muốn lấy làm vợ.

Mặc các cận thần kịch liệt phản đối vì cho rằng “thiên hạ thiếu gì đàn bà mà lại lấy thừa vợ của giặc”, vua Gia Long vẫn bỏ ngoài tai tất cả, ông cho rằng: “Tất cả giang sơn này, cái gì mà ta không lấy từ trong tay giặc, cứ gì một người đàn bà?”.

Sau đó được vua Gia Long đưa bà vào cung làm Chiêu viên và sinh được hai hoàng tử là Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân và Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự cùng 2 công chúa là Ngọc Khuê và Ngọc Ngôn.

Bà mất năm 1810, khi mới 27 tuổi. “Đại Nam thực lục” ghi vắn tắt: “Chiêu viên là Lê thị (con gái út của Lê Hiển Tông) mất, tặng Đức phi, an táng ở Trúc Lâm, lập từ đường ở Kim Long”.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, câu ca dao: “Số đâu có số lạ đời / Con vua mà lại hai đời chồng vua” là để nói về cuộc đời kỳ lạ và truân chuyên của công chúa Ngọc Bình.

Theo Lê Tiên Long/Lao động

Theo Lê Tiên Long/Lao động

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/nhung-hoang-hau-viet-co-chong-con-roi-moi-lay-vua/20190928105315298