Những 'học viên' đặc biệt

Huyện Cao Lộc là địa bàn có tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-60 tuổi chỉ đạt 90,83%, con số này còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh là trên 94%. Trước thực trạng đó, huyện Cao Lộc đã có nhiều nỗ lực để củng cố chuẩn xóa mù chữ ở mức độ 1, nâng chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Một trong những nỗ lực đó là vận động những 'học viên đặc biệt' vượt qua rào cản tuổi tác đến lớp học xóa mù chữ để đọc thông, viết thạo.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, học hết lớp 3 bà Chu Thị Xuân, thôn Nà Thâm, xã Cao Lâu phải bỏ học. Mới đây, khi lớp xóa mù chữ được mở tại xã, bà Xuân đăng ký học ngay. Mặc dù đã làm quen trở lại với con chữ tại lớp học xóa mù được vài tiết học, nhưng bà vẫn cảm thấy viết chữ khó khăn hơn rất nhiều so với việc cầm cuốc xẻng làm đồng hay thêu thùa, may vá. Khó, nhưng bà vẫn tự động viên mình, xóa mù chữ là tiến gần hơn với ước mơ thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Khai giảng lớp xóa mù chữ tại xã Thạch Đạn

Bà Xuân là 1 trong số 214 học viên tham gia 4 lớp xóa mù chữ được mở tại 3 xã có tỷ lệ người biết chữ còn thấp trên địa bàn huyện Cao Lộc là Mẫu Sơn (68,82%), Cao Lâu (79,71%), Thạch Đạn (78,19%). Việc vận động học viên theo học thường xuyên lớp xóa mù được cấp ủy, chính quyền các xã đặc biệt quan tâm. Không chỉ nói suông, các thầy, cô giáo, lãnh đạo xã, lực lượng biên phòng cùng vào cuộc đến tận nhà, gặp gỡ, động viên. Vận động các em nhỏ ra lớp đã khó, vận động được phụ huynh ra lớp còn khó hơn. Tuy nhiên, với sự kiên trì, khéo léo, số lượng học viên đăng ký theo học ngày một đông.

Các học viên người ít tuổi nhất 22 tuổi, cao tuổi nhất đã ngoài 60, nhưng đều cùng chung động lực được học thông thạo chữ viết. Trung tá Hoàng Trung Hiếu – Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Sơn, xã Cao Lâu cho biết: “Thời gian đầu đến từng hộ gia đình vận động theo học lớp xóa mù chữ, bà con vẫn còn e ngại, xấu hổ. Nhưng với tinh thần mưa dầm thấm lâu, chúng tôi tích cực động viên bà con, đến nay đã vận động được 45 học viên theo học.”

Các học viên theo học lớp xóa mù chữ được học các môn: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch Sử và Địa lý với tổng thời lượng 949 tiết chia thành 2 kỳ học. Chương trình lớp học dự kiến bế giảng trong tháng 11/2023. Đồng chí Lăng Văn Khá, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Đạn cho biết: “Thạch Đạn có 58 học viên đăng ký tham gia lớp xóa mù chữ. Trong ngày khai giảng đầu tiên, các học viên rất vui mừng, phấn khởi tham gia học tập, đây là tín hiệu đáng mừng để xã thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục xóa mù chữ trên địa bàn.”

Để xóa mù chữ, ngành giáo dục huyện Cao Lộc đã xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai đến từng địa bàn. Với chủ trương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học, đa phần lớp học xóa mù đều linh hoạt về thời gian và địa điểm phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân. Xây dựng các học liệu, đồ dùng trực quan phù hợp với người học, gắn nội dung dạy học với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Cùng với đó, huyện cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ học viên khi tham gia lớp học như: học viên không phải đóng học phí; hỗ trợ sách, bút cho học viên trong suốt thời gian học… Bà Dương Thị Tâm, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Lộc cho biết: “Việc mở lớp xóa mù chữ là một giải pháp cụ thể để giảm tỷ lệ người mù chữ cũng như nâng cao trình độ dân trí tại các xã vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Cao Lộc. Đồng thời góp phần từng bước đảm bảo tiêu chí giáo dục trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.”

Xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” là nhiệm vụ không chỉ của riêng ngành giáo dục. Thời gian tới, huyện Cao Lộc tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, nhất là trong xóa mù chữ để phát huy nguồn lực của toàn xã hội, thu hẹp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các vùng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.

PHƯƠNG THÚY (Cao Lộc)

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/580798-nhung-hoc-vien-dac-biet.html