Những huyền thoại ly kỳ ở vùng Bảy Núi - Thất SơnKỳ 5: Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc và trứ danh hào khí Bảy Thưa

Trong 12 đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An thì ông Trần Văn Thành quy y sớm nhất, được xem là cao đồ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông giỏi võ nghệ và lập được nhiều công dưới triều Vua Thiệu Trị và Tự Đức nên được phong chức Quản cơ. Ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa kháng Pháp mang tên Bảy Thưa vang dội một thời.

Ông là một võ tướng đức cao vọng trọng và khí phách hơn người. Có người nhấc nổi tảng đá nặng 100kg, nhưng vẫn còn thua một nửa sức mạnh của ông.

Kiên trung từ bé và… chống giặc đến cùng!

Lịch sử kể lại, Đức Quản Cơ Trần Văn Thành là con trưởng trong một gia đình trung nông ở xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang ngày nay. Tính tình ông rất ôn hòa, điềm đạm nhưng rất dũng cảm và có ý chí cương quyết, tấm lòng quảng đại, bao dung kẻ dưới, hết lòng cứu giúp người nghèo khổ. Ngay từ thuở bé ông đã nổi tiếng thông minh. Nhưng ông học chữ nho được ít lâu thì cụ thân sinh đã rước thầy về dạy võ nghệ. Bởi lúc bấy giờ đất nước đang bị nạn giặc ngoại xăm, nghiệp võ cần hơn nghiệp văn.

Truyện kể, khi còn cắp sách đến trường, một hôm Đức Quản Cơ thấy toán lính cùng với bọn hào mục trong làng đi lùng bắt những người nghèo thiếu thuế. Người dân nghèo bị bắt đóng gông và bị đánh đập tàn nhẫn. Đức Quản Cơ thấy bất bình, bèn rủ bạn học hợp lực đánh bọn lính kia để cứu dân, nhưng không ai dám. Đức Quản Cơ tức mình đứng bên đường khóc toáng lên. Một viên hào mục thấy lạ liền đến hỏi nguyên do, thì ông thưa: “Tôi thấy mấy người dân kia bị nạn, tôi muốn cứu họ nhưng không đủ quyền hạn nên hổ thẹn mà khóc”. Người hào mục sửng sốt, bởi một đứa bé mà có hành động quân tử và có tính cương trực, nên hỏi tiếp: “Vậy tao bắt mày đem giải lên quan trên để thế tội cho những thằng kia, mày có chịu không?”. Không cần suy nghĩ, Đức Quản Cơ đáp ngay: “Tôi chịu!”. Nghe một đứa bé gan dạ đáp thẳng thừng, viên hào mục suy nghĩ, rồi như thông cảm với đứa bé về hành động áp bức của đám lính nên ông bảo mấy tên lính cho những người thiếu thuế được hoãn kỳ hạn nộp.

Hành động nghĩa hiệp của Đức Quản Cơ truyền đến tai thầy dạy học. Cụ đồ cho gọi ông lên nói: “Ta thấy con về sau sẽ là một viên võ tướng tài ba, có hoài bão lớn chứ không thể là một anh học trò chuyên lo việc nhai văn, nhả chữ đâu”. Đức Quản Cơ được lời khen của thầy càng tỏ ra say mê luyện tập võ nghệ. Mùa thu năm Kỷ Dậu 1849, Đức Quản Cơ tìm đến tận Xẻo Môn thuộc tổng Kiến Thạnh, huyện Đông Xuyên, phủ Tân Thành xin quy y với Đức Phật Thầy Tây An và trở thành đệ tử đầu tiên. Ông được người trong Bửu Sơn Kỳ Hương gọi là Đức Cố Quản.

Tương truyền, Đức Cố Quản được Đức Phật Thầy Tây An trao cho 1 cái ấn triện mang 4 chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương” và nhiều bảo vật khác để sau khi ngài viên tịch mà truyền mối đạo và báo đền nợ nước. Chính vì vậy, sau khi Pháp mang quân đánh chiếm thành An Giang tại Châu Đốc, Đức Cố Quản Trần Văn Thành đã phất cờ đại nghĩa chiêu mộ quân binh, lập căn cứ kháng chiến trường kỳ với Pháp tại rừng Bảy Thưa. Với đức độ và khí dũng hơn người, không lâu sau ông tập hợp dưới trướng mình rất nhiều nghĩa sĩ.

Đền thờ ông Trần Văn Thành

Đất nước ngày càng nguy nan, nhưng Đức Cố Quản lại được lệnh triều đình đi dập tắt ngọn lửa Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương) ở chiến khu Đồng Tháp Mười. Khó xử, nhưng cuối cùng ông cũng đến chiến khu thuyết phục được ông Võ Duy Dương áp dụng chiến thuật “yểm kỳ tức cổ” (giấu cờ im trống), lợi dụng thời gian lo tích trữ lương thảo và tổ chức lại nghĩa quân. Ông Trần Văn Thành báo về trên coi như hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó, do không thấy chỉ thị nào từ triều đình đưa xuống nên ông Võ Duy Dương nóng lòng tung quân đánh phá khắp nơi quanh vùng Đồng Tháp Mười và đạt nhiều kết quả. Bọn Pháp điên cuồng phản công.

Năm 1868, gã đô đốc người Pháp tên Ohier ra quyết định số 473 tập nã nhiều lãnh tụ kháng Pháp, trong đó có Đức Quản Cơ Trần Văn Thành. Pháp càng lùng sục, ông càng đánh hăng, thoát ẩn, thoát hiện. Bởi ông chủ trương đánh gấp để địch không kịp trở tay. Chiến thuật của Đức Quản Cơ là chủ động tấn công sát sườn, bất ngờ, nhất định không lùi bước, đầu hàng. Từ đó có câu: “Thà thua xuống láng xuống bưng, kéo ra đầu giặc lỗi chưng quân thần”. Sau khi xây dựng xong nhiều đồn bốt phòng thủ, nhiều cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân do ông Trần Văn Thành lãnh đạo đã nổ ra.

“Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc” lẫy lừng!

Theo bản báo của Emile Puech, tham biện Chủ tỉnh Châu Đốc, chỉ huy trận đánh Bảy Thưa đề ngày 25/3/1875, thì ngày 19/3/1875, tên chủ tỉnh này xin được 40 lính mã tà từ Cần Thơ kéo lên để phối hợp với 60 lính chính quy của tỉnh này. Khoảng 6 giờ sáng hôm sau, đích thân tên Chủ tỉnh cầm đầu bọn lính ấy, mỗi tên mang theo 4 ngày lương, 1 khẩu súng với 40 viên đạn. Chúng từng bước tiến thẳng vào vùng Bảy Thưa. Gót chân của chúng đến cách đồn Hưng Trung khoảng 2 cây số thì trận chiến thực sự nổ ra.

Trước hết, những tiếng tù và báo động của nghĩa quân Trần Văn Thành. Từ đồn Hờ và các lùm bụi, nghĩa quân tràn ra nhiều gấp đôi ba lần quân địch, vũ khí khá đầy đủ. Kỹ thuật và phong độ chiến đấu của nghĩa quân rất cao khiến tên chủ tỉnh phải giật mình. Tên tri huyện Trần Bá Tường (em ruột Trần Bá Lộc, đốc phủ, tay sai của Pháp) ra lệnh cho lính phải tiết kiệm đạn. Tuy bị vây nhưng Đức Quản Cơ Trần Văn Thành vẫn bình tĩnh, dùng ống loa thúc giục tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Quân sĩ hò reo, trống thúc liên hồi. Ông Thành khoác áo, cắt từng lọn tóc của mình phát cho các binh sĩ để xác định tính chiến đấu một mất, một còn.

Sáng 20/3/1875, cuộc chiến kết thúc. Quân Pháp chiếm được đồn, nghĩa quân hy sinh 10 người và 5 người bị thương không kịp chuyển đi, 2 người khác bị địch bắt. Chúng tịch thu nhiều lương thực, giấy tờ và đồ dùng quân sự. Sau đó, chúng bắt thêm được 13 nghĩa quân, đều là dân từ tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh đến tòng quân. Quân Pháp tuy thắng nhưng không thắng hoàn toàn, vì quân tiếp viện của chúng không đến kịp nên hầu hết nghĩa quân đã rút về phía núi rừng Thất Sơn.

Từ đó, không ai còn thấy Đức Quản Cơ ở đâu. Tư liệu của Pháp cho rằng ông đã tử trận. Còn phía nghĩa quân thì bảo ông đã lên núi ẩn tu rồi qua đời sau đó. Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa cuối cùng thất bại, nhưng ngọn lửa đấu tranh của nhân dân yêu nước miền Nam vẫn ngùn ngụt cháy. Câu hát ngợi ca cuộc khởi nghĩa bảo vệ thành Châu Đốc: “Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc”… còn vọng mãi đến ngày nay.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp (tỉnh An Giang) cho biết, tinh thần anh dũng hy sinh vì đại nghĩa của Đức Cố Quản Trần Văn Thành muôn đời được lưu truyền trong sử sách và lòng nhân dân Nam Bộ. Đến nay nhiều người vẫn tin rằng, khi thất trận thì kịp lúc Ông Năm Chèo nổi lên trườn vẹt cây cỏ cho xuồng của nghĩa quân rút về Thất Sơn lánh nạn, trong đó có Đức Cố Quản. Mãi sau này Đức Cố Quản mới qua đời ở Thất Sơn, chứ không phải do Pháp giết. Hàng năm, ở vùng Láng Linh diễn ra lễ hội rất lớn nhằm tôn vinh và ghi ơn công lao của ông cùng các nghĩa quân đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc!

Bãi Thưa hay Bảy Thưa?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp phân tích: “Theo nghiên cứu của tôi, ở nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa của Đức Cố Quản là vùng Láng Linh. Mà đã là láng thì đất trống, không có rừng rậm. Mùa lũ vùng này nước ngập lênh láng. Ở nơi ấy có cây trác thưa (còn gọi cây thưa) mọc ở bãi đất nào đó nên mới gọi Bãi Thưa. Hơn nữa, ca dao địa phương vẫn hát: “Bãi bồi mọc những trác thưa, thương em đi sớm về trưa một mình”. Cho nên, chữ Bảy Thưa cần sửa thành Bãi Thưa”.

VĨNH SƠN

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/ky-5-den-nao-cao-bang-den-chau-doc-va-tru-danh-hao-khi-bay-thua-d2055008.html