Những kẻ môi giới… thần chết

Lần đầu tiên giới chức hải quan New York (Mỹ) đã khám phá ra một đường dây cung cấp vũ khí bất hợp pháp cho Iran. Đứng giữa trung tâm của các sự kiện là một viên tướng dự bị... người Israel.

Nhưng "Chính phủ ở Jerusalem không dính dáng gì đến vụ này cả", như nguyên văn lời khẳng định của Iosi Gal - người phát ngôn Đại sứ quán Israel tại Washington. Còn "Vụ này - theo lời nhận định của Janet Rapoport, Chánh văn phòng Cục Hải quan New York - là vụ buôn lậu vũ khí lớn nhất từ trước tới nay bị phanh phui”. Trước đó 4 năm, tướng Abram Baram còn tại ngũ trong Phương diện quân phía bắc của quân đội Israel đồn trú ở Liban. Tới năm 1984 ông ta nghỉ hưu và bước vào ngạch sĩ quan dự bị, đồng thời bắt tay vào một "chiến dịch ngầm" buôn bán vũ khí với Iran cùng số tiền tổng cộng lên tới 2 tỉ USD. Những "phi vụ" đầu tiên đã được tiến hành trót lọt. Hàng tỉ USD không chỉ liên quan đến súng ống và lưỡi lê thông thường, mà còn bao gồm cả những "sản phẩm cao cấp" khác nữa, nôm na là đủ để trang bị cho quân đội của cả một quốc gia hiếu chiến. Giữa các thỏa thuận cung cấp của tướng A.Baram là những chiếc máy bay tiêm kích F-4 và F-5, 46 chiếc cường kích ném bom dạng Skyhook, 5 cỗ vận tải cơ khổng lồ Hercules C-130, 15 nghìn khẩu súng chống tăng đời mới hiệu Tow, 600 tên lửa đất đối không Chaparrel, 200 tên lửa có điều khiển không đối đất hiệu Mavarik, cũng như nhiều động cơ xe tăng, trực thăng và máy bay quân sự khác nữa... Do "đống" vũ khí khổng lồ này không thể mua bán theo đường buôn lậu cò con thông thường, nên "Những kẻ môi giới thần chết" - như nguyên văn lời của cựu Giám đốc Cục Hải quan New York William Rabe - đã thiết lập một đường dây đa quốc gia vận chuyển vũ khí phi pháp". "Những kẻ môi giới thần chết" bao gồm: một hãng tài chính Trung Âu, Công ty BIT của Israel, 17 doanh gia (trong đó có Hans Fridric Bin "gạo cội" người Đức) và hai công dân Mỹ: Luật sư Samuel Evens (cư ngụ ở London, Anh) và William Northrop (thường trú tại Tel-Aviv). Tổ chức buôn lậu vũ khí lớn này đặt dưới sự chỉ đạo của viên tướng người Israel nói trên dự định triển khai kế hoạch "gieo rắc cái chết" đồ sộ của chúng thành ba giai đoạn. "Giai đoạn 1" đã được tiến hành từ tháng 1/1986. Để tránh những cặp mắt nghi vấn về người mua thực sự, người ta đã cố tình ghi tên quốc gia nhận là các "bạn hàng truyền thống" của Mỹ, cụ thể là những địa chỉ "ma" ở Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines... Nhưng phần khối lượng khí tài lớn nhất cần phải đi qua Israel. Số xe tăng, trực thăng và máy bay có tổng trị giá 800 triệu USD (trong đó bao gồm cả một phần vũ khí lẫn khí tài mà quân đội Do Thái đã sử dụng thử) được tập kết và đưa xuống tàu chở tới Iran. Điểm cuối cùng của "phi vụ" trị giá 2 tỉ USD này là hải cảng Bandar Abas (cho các khí tài nặng và cồng kềnh) và sân bay Tebris (cho vũ khí nhẹ) đều thuộc lãnh thổ Cộng hòa Hồi giáo Iran. Abram Baram tỏ ra buồn bã khi thương vụ "buôn bán thần chết" đầu tiên đã bại lộ. Một vài điệp viên Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) khi chợt phát hiện ra "phi vụ" đậm này cũng như "bãi đáp" của chúng, đã khuyến cáo giới lái buôn đồng hương của họ rằng, phải tránh xa vùng lãnh thổ Mỹ, bởi luật pháp Hoa Kỳ kết án 5 năm tù giam cùng mức phạt 250.000 USD cho bất cứ kẻ nào buôn bán vũ khí "gây phương hại cho nước Mỹ". Nhưng "Những lời cảnh báo chẳng giúp ích được gì - như lời Chánh thanh tra Cảnh sát Rudolf Giuliani bóc trần tại cuộc họp báo ở New York - Mà ngược lại, chúng đã tố cáo một sự hợp tác tội lỗi giữa các đồng minh của Mỹ tại Israel và những kẻ thù nghịch với Mỹ tại Iran". Những kẻ tham dự vào đường dây "buôn bán thần chết" khổng lồ gồm 11 tên, trong đó có 4 người Mỹ, 4 người Đức, 1 người Pháp, 1 người Anh và 1 người Do Thái là... tướng Baram đã bị giới tư pháp Mỹ truy tố. Nhưng chỉ có 9 người trong số họ là bị bắt và hoàn toàn không phải trên lãnh thổ Mỹ. Ví như tướng dự bị Baram bị tóm cùng 4 kẻ cộng sự khác quốc tịch tại một nơi nghỉ mát trên quần đảo Bermudas giữa Đại Tây Dương. Nhưng ngay sau khi bị dẫn độ về Israel hưởng quy chế tại ngoại hầu tra, Baram đã có những lời quả quyết rằng, chính giới ở Tel-Aviv thừa biết chính xác về các hoạt động cũng như về các thương vụ "nặng ký" mà ông ta tiến hành. Người ta nhớ lại, rằng người Do Thái đã từng hơn một lần đưa ra các "đề nghị hấp dẫn" của họ với phía Iran ngay hồi đầu thập niên 80, khi Tổng thống Mỹ J.Carter tuyên bố "đoạn tuyệt quan hệ thương mại" với Tehran - một trong những "bạn hàng truyền thống lớn nhất" - sau vụ bắt giữ con tin trong Đại sứ quán Mỹ ở đây. Trong vòng 6 năm đầu lên cầm quyền (từ năm 1974 đến 1980), Chính phủ Hồi giáo mới ở Iran đã mua của giới sản xuất vũ khí Mỹ số hàng trị giá tới 19 tỉ USD. Mặt khác, phía Israel luôn cung cấp đều đặn các phụ tùng thay thế quốc phòng cho người Iran, ví như bộ bánh lốp đặc chủng chuyên dụng cho loại máy bay tiêm kích siêu thanh Fantom F-4 chẳng hạn... Tuy Washington đã đột nhiên cắt đứt mọi vụ mua bán theo đường công khai, nhưng hiển nhiên các đường dây cung cấp "ngầm" giữa Mỹ, Israel và Iran - những "bạn hàng vong niên" vẫn tiếp tục tồn tại. Vì thế trong phi vụ này, Baram đã được các giới chức cao cấp Israel "tán đồng trong sự im lặng". Một nhân viên cao cấp thuộc Mossad (giấu tên vì lý do an toàn bản thân) mỉa mai: "Điều nực cười, là chính phủ chúng tôi cố tình tỏ ra không mảy may biết một tí gì về những lượng thiết bị quân sự khổng lồ, được vận chuyển gần như công khai ngang qua hải phận Israel. Mossad đã từng có báo cáo đầy đủ về cái "sự kiện động trời" ấy, nhưng giới hữu trách vẫn... nín thinh" (!). Một câu hỏi nữa: Tại sao người Israel lại "thích" vũ trang cho Iran? Câu trả lời quá rõ ràng: Tel-Aviv không muốn những cuộc tranh chấp giữa khối Arập và Hồi giáo trong vịnh Persic lắng xuống, khiến các quốc gia này ngày một suy yếu đi để Nhà nước Do Thái mặc sức tăng cường vai trò "siêu cường" của mình ở trong khu vực

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosomat/2010/3/71724.cand