Những kẻ vị nghệ thuật - Truyện ngắn của Lê Anh Hoài

1. Buổi khai mạc triển lãm của chúng tôi diễn ra thật thuận lợi. Có lẽ phải dùng từ 'trời cho' vì khi tất cả vào giai đoạn cao trào thì trời bỗng đổ mưa to.

Minh họa: Văn Nguyễn

Tiếng mưa rào rào trên mái tôn át cả tiếng nói gần tạo một âm hưởng đặc biệt như âm hưởng thường có trong những quán bia hơi. Nơi sự phấn khích được tạo nên bởi số đông tầm thường nhưng luôn hàm chứa những điều vĩ đại của lịch sử.

Gian nhà kho bẩn thỉu bỗng biến thành một lâu đài nghệ thuật. Ít ra đó là điều đang xảy ra, dưới mắt công chúng. Chỉ cách đây một ngày, những mảng tường cáu bẩn bụi và ngấm nước vẫn ngạo nghễ phô ra vẻ hoang tàn. Thằng em làm cùng triển lãm muốn biến nó thành màu trắng ngà hoặc màu vàng nhạt - một cái màu khá trung tính. Nhưng muốn vậy, phải cạo tường và vôi ve sơn phết công phu trong vài ngày. Tiền đâu mà làm mấy việc đó, trong khi triển lãm của chúng tôi chỉ là thứ mua vui chứ không bán được. Mà đầu tư vào mấy bức tường để làm gì khi tổng thể đây vẫn là cái kho xập xệ đầy chuột và gián? Rồi tôi lóe lên:

- Sao lại không cho nó đen sì đi hả?!

Thằng em rú lên tán thưởng. Sự việc chuyển hướng bất ngờ. Tất cả những cái lạ lùng nhất bao giờ cũng cuốn hút nghệ sĩ nhất. Ừ, sao lại không triển lãm trong một không gian toàn tường màu đen chứ?!

Màu đen rất dễ dùng và khi bôi lên tường, nó nhanh chóng lấn át tất cả, đồng hóa tất cả thành nó. Nếu treo tranh thì không ổn, theo quy luật thị giác của số đông. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chẳng triển lãm tranh.

Công chúng luôn muốn được nịnh mắt. Nghệ thuật cơ bản là vậy. Những nghệ sĩ cố tình làm ngược lại chẳng qua là thử nghiệm thêm một loại gia vị lạ vào món ăn quen.

Và, công chúng thời nay thì đang chán. Họ chưa chắc đã biết đang chán điều gì, bởi thực sự thì họ đã thưởng thức đủ đâu? Nhưng họ chán, và họ cần cái mới. Triển lãm của chúng tôi đang đẩy sự phấn khích của công chúng lên cao. Máy ảnh chớp đèn lia lịa và có tới hai đài truyền hình đang hoạt động hết công suất. Đó là chưa kể tới dân viết báo trộn lẫn trong đám đông ra sức ngắm nghía bình phẩm và ghi chép.

Cũng chỉ mới cách đây hai giờ đồng hồ, tôi còn cùng một thằng trong nhóm khệ nệ vác về đây những chiếc quạt công nghiệp mà chúng tôi mượn ở nhiều nơi hòng chia cắt cái oi bức đặc quánh của buổi chiều oi bức đang cố thủ trong gian nhà kho nơi chúng tôi làm triển lãm. Sự thực thì những chiếc quạt cao 2 mét này cũng chỉ phả gió đi được chừng 5 mét rồi tắt lịm và chúng có tác dụng tâm lý nhiều hơn. Để mang chúng về, hai thằng chúng tôi - thằng quần soọc thằng cởi trần chở nhau trên chiếc xe Tàu cà tàng - phải đi lên phố mấy lượt và giữa lúc đó, nếu một công chúng nghệ thuật nào nhìn thấy chúng tôi, họ sẽ vô cùng ngạc nhiên vì thấy hình ảnh hai thằng phu tầm thường đang hì hục mang vác, loại lao động dưới phổ thông có thu nhập dưới 50 nghìn đồng một ngày đang ngoi ngóp trong dòng sông người của thành phố hỗn độn này.

Nếu có ai đó đã nhìn thấy chúng tôi lúc đó, giờ cũng không thể nhận ra vì trong không gian đầy những “vật thể nghệ thuật”, ánh đèn flash và máy quay phim cùng sự thăng hoa tập thể, chúng tôi đã trở thành những thánh tông đồ phục vụ cho một vị chúa nghệ thuật thần bí đang ngự trị trên nơi cao vời.

Có phải ánh hào quang ấy đã khiến nghệ sĩ làm việc - những công việc tỉ mỉ, âm thầm rất ít người hiểu, thậm chí là không biết đến, để một ngày kia vụt dậy, sáng lòa? Đây là câu hỏi chính tôi không trả lời nổi. Tôi chỉ biết rằng nếu quả thật như vậy thì đó là chi phí quá đắt cho một món hàng rất ít công dụng.

Hiện giờ tôi hào hứng thực sự. Tôi như con bò tót say không khí của đấu trường không cần biết rằng mình sẽ chết.

Tác phẩm của tôi là một đống những mũi tên sắt gỉ được đặt trên cọc, phía dưới tòe ra ba chân vững chãi. Các mũi tên thẳng, cong lên, cong xuống, vòng tròn, dựng đứng chỉ thiên hoặc chỉ thẳng xuống đất, được sắp đặt thành nhóm tỏa ra nhiều hướng. Góc tường dành cho tôi dựng lên một tấm sắt, cũng gỉ thậm tệ, thủng lỗ chỗ và sần sùi. Trong phòng triển lãm đầy những mũi tên chỉ ngang dọc. Và tấm sắt, dường như là nơi xuất phát, hoặc đích đến của những mũi tên.

Giữa tiếng người như chợ vỡ, nổi lên tiếng nhạc lúc hùng tráng, lúc ỉ eo hoặc trộn lẫn cả hai thứ. Thằng cu đã quyết định làm một tập hợp những âm thanh mà nó cho là “Tiếng vọng thời đại”. Đây là lần đầu tiên nó làm một tác phẩm sắp đặt. Bình thường, nó chuyên vẽ tĩnh vật rất nuột nà cổ điển. Âm thanh lộn xộn nếu đứng ở phía ngoài phòng. Vào trong, tùy từng góc, người ta thấy văng vẳng những đoạn nhạc vàng hay hành khúc phát ra từ những chiếc loa treo lủng lẳng, mỗi loa trong một bao tải buộc dải lụa xanh. Vì sao là bao tải buộc lụa xanh? Có trời mới biết. Thằng người dị hợm nó vẽ trên một tấm vải (phù hợp với việc làm rèm cửa nhiều hơn) đứng giữa một vòng dây thép gai, đang hò hét vào một cái loa nón có cần loa dài khủng khiếp. Bức tranh - nếu có thể gọi như thế - được vẽ nhầy nhụa, phóng túng. Để làm tác phẩm này, nó phải đi kiếm hằng hà sa số những cái đầu amply cũ rích và hàng đống loa cũng thuộc loại đồng nát. Nó làm tác phẩm khổ sở hơn tôi, mấy ngày trèo leo giăng mắc trong căn nhà kho nóng chảy mỡ, đấu điện và dây loa cần mẫn không kém gì một người anh hùng xuất thân thợ điện lừng danh lịch sử cận đại của thành phố. Còn tôi, ngoài ý tưởng nghệ thuật vĩ đại, tôi chẳng làm gì ngoài việc trả tiền cho một tay thợ cắt và hàn đơn giản. Nguyên liệu được cho không vì trong xưởng của tay thợ - ngay cạnh căn nhà kho chúng tôi làm triển lãm - có vài tấm sắt bán đồng nát cũng không đắt.

2.Giờ thì thằng cu ấy, thằng từng làm triển lãm cùng tôi, thằng dàn âm thanh nhạc vàng và hành khúc, thao thao kể về buổi gặp gỡ với một gallery cùng mấy thằng bạn “Lùn”, “Cùn”, “Hấp”… Gallery này có ý định mở một trang web buôn bán tác phẩm nghệ thuật qua mạng, lấy tiềm năng của “lực lượng sáng tác” đang nở rộ của thành phố, nhất là “lực lượng” trẻ. Theo “Giám đốc nghệ thuật” của gallery “Trong những năm phát triển đầu tiên, thành phố từ nơi tù túng, không có tên trên bản đồ mỹ thuật, dù có khá nhiều họa sĩ có tay nghề, bỗng trở nên lấp lánh vì xuất hiện nhiều tác phẩm đặc sắc, bởi người ta khó tìm ở đâu phong vị của sự kìm nén mọi cảm xúc đến mức cô đọng, giờ đây được dịp bung nở và tỏa hương đến như thế”. Những điều này tôi đọc được trong tập giấy thằng cu mang về.

Gallery có cái tên đại loại nghệ sĩ đương đại đồng hành tuổi trẻ. Dĩ nhiên không quên gắn với thương hiệu thành phố nghệ thuật. Buổi gặp gỡ thoạt đầu mang vẻ gượng gạo. Phía nhà buôn tranh trình bày về những ý định lớn lao, tất nhiên là phát triển nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại ở thành phố. Theo họ, thành phố rất giàu tiềm năng nghệ thuật. Thành phố đổi mới từ chỗ đang tồn tại như một vùng trũng nghệ thuật, với những cư dân chủ yếu chỉ buôn bán nhỏ, công nghiệp lạc hậu và vùng ngoại thành đói khổ, giờ đây phát triển vượt bậc về nghệ thuật do chính sách phát triển nghệ thuật toàn dân. Tiềm năng là vô cùng lớn, như những mỏ vàng, vân vân và mây mây. Vì vậy, họ muốn “tập hợp lại một nhóm những nghệ sĩ trẻ giàu tiềm năng và nâng đỡ họ để họ vươn ra tầm thế giới và thế kỷ”.

Tôi chợt nhớ, những phát biểu kiểu này tôi đã từng nghe lúc mới ra trường. Thoạt đầu nghe ở Hội Mỹ thuật, khi tôi là một kẻ vô phương hướng, như một con cá nhỏ đứng trước một miệng cống há ngoác, đang hút tất cả vào cái miệng không đáy nặng mùi của nó. Nhờ một mẩu nhạy cảm tiềm ẩn đâu đó trong bộ não lộn xộn khi ấy, tôi đã không lao thẳng vào miệng cống. Tôi chỉ có chút lăn tăn khi nghe những điều tương tự từ một đàn anh vốn có tay nghề rất oách. Tôi ngỡ sự tinh tế của anh khi diễn tả những sắc thái mặt người, hay những cách đặt màu cũng ngang bằng với những lý thuyết cao rộng do anh nói.

Cuối cùng, tôi hiểu nghệ sĩ, mang nghĩa như người làm ra tác phẩm, cái có thể đem ra cho người ta xem, như đúng nghề của tôi, là đơn nhất. Anh chỉ có thể làm tất cả trong khả năng mình có thể làm được - tranh hay tượng hoặc tất cả những gì mình thích. Cứ thổ ra, và ngồi đó chờ những người thích, đến.

Chúng, những kẻ chạy đua theo phong trào, đến với anh theo truyền thông; hay những kẻ biết nghề - tuyệt, hoặc rất nguy hiểm; hay những kẻ lọc lõi thương trường - anh sẽ phải đối phó với chúng qua những bữa nhậu vô bổ hoặc những chuyến viếng thăm nhà nghề; hay những kẻ giỏi về luận lý, diễn giải - chúng có thể rất tâm huyết như đi vào gan ruột anh, hay sẵn sàng nói những điều anh không hề ngờ tới khi anh sáng tác, như đúng rồi.

Tất cả tạo nên một thứ gọi là thương trường, nếu anh quan tâm đến việc bán tác phẩm hoặc lọt vào bảng xếp hạng doanh nhân. Hoặc tất cả tạo nên thứ gọi là danh tiếng, nếu anh quan tâm đến môn lịch sử nghệ thuật, trong đó bọn hậu sinh tùy thích chế biến hình ảnh của anh theo ý của thời đại chúng.

Hoặc cả hai, trong đó anh nấu món lẩu chính mình.

Tôi nhanh chóng hiểu ra rằng, trong sáng tạo nghệ thuật, không có chỗ cho bầy đàn. Một tay hành nghề phê bình nghệ thuật nói, các nghệ sĩ cùng khuynh hướng cần phải tập hợp lại, có người phát ngôn của mình. Các nghệ sĩ cần trợ giúp cho nhau, trong ý tưởng sáng tác, thậm chí trong kỹ thuật. Các nghệ sĩ cần thể hiện được tư tưởng thời đại, đưa nghệ thuật đi lên. Những ấn tượng, siêu thực, lập thể, đa đa… Toàn bọn chết thối rồi. Tôi cười khẩy. Hắn nhìn khinh khỉnh. Dù sao thì tôi chấp nhận và để hắn trở thành người viết về các tác phẩm của tôi và cả của những đứa bạn. Lũ bạn phục lăn, tôi thì chỉ thấy đó là sự lừa bịp, nhưng cần thiết.

Tất cả những oang oang hoa mỹ, lươn lẹo, bịa tạc ấy, sau này, vào lúc tình hình kinh tế đi xuống dốc, nó lại được chính các nhà buôn tranh sử dụng. Tôi thừa biết, bởi khi thị trường tranh đang lên, không hề thấy các phát ngôn, nhận định khuynh hướng, phê bình hướng đến tương lai gì hết.

Thằng cu vẽ tĩnh vật và sắp đặt nhạc chửi tục, kể tiếp. Buổi gặp chỉ thực sự sôi động khi bàn đến cách thức triển lãm. Phía gallery nói, mỗi họa sĩ đóng góp 10 tranh hoặc hơn nữa tùy thích, số tranh này sẽ được đưa lên trang web và “được sắp xếp cho các cuộc triển lãm khác nhau”, bao hàm cả hoạt động bán đấu giá. Nhà tổ chức sẽ giữ lại tranh trong nửa năm. “Nửa năm? - Tôi hỏi. “Ừ, thế là thằng Cùn nó cười hềnh hệch và bảo phía các anh chị muốn giữ đến lúc nào cũng được! Em tức quá”, “Họ có mua tranh hay ít nhất là tạm ứng?”, “Không thấy bàn gì. Chỉ thấy nói nếu bán được thì chia đôi”, “Sao mày không hỏi luôn?”, “Chưa kịp nói thì thằng Lùn đã vội vàng bảo như thế là quá tốt, quá hay. Nó nói trong lúc này, họa sĩ không mong gì hơn thế. Đấy là sự ưu ái của gallery với họa sĩ trẻ”.

Thằng em nhạc vàng tiếp tục kể lể và chửi bới. Tôi và nó đã từng là những họa sĩ bán được tranh ngay từ thời bọn kia còn đang loay hoay với những bài tập bố cục. Giá tranh rẻ thôi, chúng tôi vẽ ào ào những bức tranh cởi truồng. Của đáng tội giờ nhìn lại thấy tay nghề non nhưng rất cảm xúc. Bọn buôn tranh mỗi lần lấy cả chục cái. Tiền nong bay đi vèo vèo, trả nợ xong, cả bọn gọi nhau đi uống một trận say mèm rồi đi karaoke. Chúng tôi nghĩ cuộc đời họa sĩ thật vui tươi và thời đại của những họa sĩ nổi tiếng đi trước, thường được xếp theo cặp bốn kiểu tứ tử trình làng, đã vĩnh viễn ra đi. Chúng tôi là một lớp hậu sinh với cái nhìn mới mẻ, cuộc sống này hoàn toàn là của chúng tôi, lớp trước người đã chết, kẻ đã lụ khụ, biết gì nữa. Mặt trời thì vẫn mọc, nhưng ánh sáng của ngày hôm nay đã khác xa.

Sau này, khi đã chín nghề thêm, tự nhiên tôi không vẽ được những bức tranh như hồi sinh viên nữa. Tôi cũng chán bọn buôn tranh cò con lúc nào cũng rình mò đúng lúc họa sĩ khốn nạn nhất là có mặt.

3.Theo nghề thêm một số năm, vào những lúc không rượu, không bạn, ngồi cô độc trong xưởng vẽ, giữa những bức tranh xếp lộn xộn quay mặt vào tường, tôi bỗng hình dung đến một họa sĩ chuyên vẽ phố. Ông lặng lẽ thu mình như một con mèo già ở một góc phố, cảm nhận sự khô nóng của mái ngói cuối chiều hè. Ông thấy những lớp rêu vươn lên đón những giọt mưa rào đầu tiên và từ từ tươi xanh trở lại. Ông thấy loang loáng trước mặt mình những thân phận ngược xuôi qua phố, bóng dáng của họ như tự động vào tranh, in hằn trong tâm trí của ông không cần nhìn lại những ký họa.

Ông nhìn thấy màu của không gian thay đổi theo mùa và theo giờ trong ngày. Chính vì thế, dù tranh của ông dùng rất ít màu nhưng lại hiện ra rất nhiều sắc thái tinh tế.

Không phải ai cũng biết trong tranh của ông có những gì. Nhưng một vài kẻ trong chúng tôi biết, biết để rồi bỏ qua. Thế hệ chúng tôi là thế hệ ào ào với những tuyên ngôn sống sít, những thông điệp nổ như sâm banh ngày khai mạc triển lãm. Chúng tôi vẽ tranh nội dung mà bỏ qua sự tinh tế của màu sắc, ánh sáng. Chúng tôi chỉ muốn làm tình chứ không phải là tình yêu.

Một thế hệ trơ lỳ cảm xúc.

Việc thiếu tiền càng làm trầm trọng vấn đề. Họa sĩ càng bị lệ thuộc vào các gallery mì ăn liền, trong đó đa số những kẻ buôn tranh thừa hiểu biết về chuyên môn nhưng luôn thiếu tình yêu nghệ thuật.

“Vậy cuối cùng thì sao? Mày định thế nào?”, “Anh có tham gia không. Họ bảo em rủ anh...”. “Không! Và mày cũng đã biết là trong việc này không có chuyện rủ rê gì hết. Họ muốn mua tranh của tao, họ muốn tao làm triển lãm, họ phải đến và nói với tao”.

Thằng em cụp mắt xuống, không nói gì. Mắt nó nhìn mông lung ra phía dòng người xe cộ ồn ào. Từ ngày vợ nó sinh con, nó trở thành người khác hẳn.

L.A.H

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nhung-ke-vi-nghe-thuat-truyen-ngan-cua-le-anh-hoai-1040608.html