Những kết quả đáng ghi nhận

Thực hiện đường lối, quan điểm và phương châm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, 5 năm qua (giai đoạn 2014-2019), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp tổ chức thực hiện đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt tặng quà tết cho các hộ nghèo đồng bào DTTS ở thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân. Ảnh: MINH DUYÊN

Thay đổi đời sống

Chính sách an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từng bước tăng trưởng khá, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 1,3%; tỉ lệ lao động qua đào tạo chiếm 45%, giải quyết việc làm cho lao động hàng năm từ 3.500-4.000 người. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khu vực miền núi đạt từ 13,5-14%, GDP bình quân đầu người ở khu vực miền núi đạt từ 24-28 triệu đồng/người, ở khu vực có đồng bào dân tộc sinh sống đạt gần 14 triệu đồng/người (riêng đồng bào DTTS từ 8-10 triệu đồng). Cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào miền núi được cải thiện, quyền bình đẳng giữa các dân tộc được tôn trọng và phát huy, đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, góp phần quan trọng cùng các thành tựu chung của tỉnh nhà.

Hiện nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS đều có trạm y tế xã; hệ thống các trạm y tế đang tiếp tục được đầu tư xây mới, nâng cấp mở rộng và bổ sung trang thiết bị y tế, tăng cường đội ngũ y, bác sĩ về cơ sở để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hơn 654.860 thẻ bảo hiểm y tế được cấp cho người nghèo và đồng bào DTTS tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Ông Trương Văn Phương

Trên địa bàn tỉnh, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được tổ chức gồm 2 cấp huyện và tỉnh, được đầu tư xây dựng đầy đủ, khang trang với nhà làm việc, khu học tập, nhà tập đa chức năng, khu nội trú; tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên và học sinh công tác, học tập để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Ở các xã miền núi đều có lớp mẫu giáo, trường tiểu học, THCS…

Ở một số cụm xã còn có trường bán trú dân nuôi. Tổng số học sinh ở độ tuổi đến trường trên địa bàn miền núi của tỉnh có khoảng 39.000 em, trong đó gần 12.000 học sinh DTTS; tỉ lệ học sinh tiểu học trong độ tuổi đến trường đạt trên 95%, bậc THCS trên 85%, THPT 60%; 3 huyện miền núi đã được công nhận cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục THCS; tiếp tục triển khai thực hiện chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016-2019, trong đó hỗ trợ miễn giảm học phí cho gần 121.000 lượt học sinh với số tiền hơn 21,6 tỉ đồng và hỗ trợ chi phí học tập cho khoảng 103.000 lượt học sinh với tổng số tiền trên 45,3 tỉ đồng…

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi trên địa bàn tỉnh thời gian qua cơ bản ổn định. Đa số đồng bào các dân tộc tự giác, gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, tích cực tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc…

Thực hiện nhiều chính sách

Tổng vốn đầu tư của các chương trình, dự án, chính sách giai đoạn 2014-2019 được nâng lên, cụ thể như sau: Chương trình 135 thuộc Dự án 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng vốn thực hiện giai đoạn 2014-2019 trên 196 tỉ đồng. Đề án Phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững 2 huyện Đồng Xuân và Sông Hinh giai đoạn 2013-2017 được UBND tỉnh phê duyệt với tổng vốn đầu tư 317,8 tỉ đồng. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn từ năm 2014-2018 đã hỗ trợ cho gần 309.000 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí trên 30,2 tỉ đồng.

Hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương nhằm hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh là 16,1 tỉ đồng. Chính sách cho vay vốn đối với hộ DTTS ở xã, thôn đặc biệt khó khăn đến cuối năm 2018 có tổng số dư nợ hơn 21,9 tỉ đồng cho hơn 950 hộ đồng bào DTTS được vay vốn để phát triển sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, xóa nhà ở tạm, sản xuất kinh doanh…

Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hiện nay toàn tỉnh có 119 người có uy tín được công nhận, đã tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có uy tín. Từ năm 2014 đến nay đã cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức và hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần cho người có uy tín với kinh phí 3,5 tỉ đồng; chi phụ cấp hàng tháng cho người có uy tín với định mức là 0,2 theo mức lương tối thiểu từ nguồn ngân sách tỉnh theo quy định của Trung ương.

Công trình nước sinh hoạt ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh). Ảnh: MINH DUYÊN

Thực hiện các nội dung của đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025, đã tổ chức 19 hội nghị tập huấn tuyên truyền cho hơn 1.290 lượt người tham dự, lắp đặt 15 panô tại các xã có tỉ lệ tảo hôn cao và nhiều áp phích, tờ rơi, sổ tay để tuyên truyền tại 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 1163 của Thủ tướng Chính phủ. Trong các năm qua đã tổ chức 27 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cấp xã và 6 hội nghị cho cấp huyện với hơn 2.280 lượt người tham dự. Từ năm 2014 đến nay đã cấp cho 45 xã vùng dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh trên 643.000 tờ báo, tạp chí (19 đầu báo, tạp chí), kịp thời cung cấp thông tin phục vụ cho công tác tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân vùng DTTS và miền núi.

Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; đồng bào các DTTS tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, ra sức lao động sáng tạo, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp, góp phần cùng với nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đồng bào các DTTS tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, ra sức lao động sáng tạo, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp…

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (năm 2016) tiếp tục bổ sung, phát triển chủ trương đường lối về dân tộc và chính sách dân tộc, đó là: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào các DTTS, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng GD-ĐT, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”…

TRƯƠNG VĂN PHƯƠNG

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/228687/nhung-ket-qua-dang-ghi-nhan.html