Những kết quả nổi bật của ngành tư pháp Đồng Tháp

Năm 2023, công tác chỉ đạo, điều hành của Sở Tư pháp không ngừng được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chuyên môn và sáng tạo những cách làm hay, giải pháp hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ của ngành một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, khẳng định được vai trò, vị thế của ngành tư pháp.

Bà Lê Thị Hồng Phượng - Giám đốc Sở Tư pháp (thứ 3 từ trái sang) nhận Bằng khen của UBND tỉnh tặng Sở Tư pháp về thành tích xuất sắc trong thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT

Năm 2023, ngành tư pháp tỉnh Đồng Tháp đã hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng những nhiệm vụ của ngành; các chương trình, kế hoạch công tác được triển khai đều khắp từ tỉnh đến cơ sở, nội dung bám sát các chủ trương, chính sách của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh và phù hợp với thực tiễn quản lý trên địa bàn tỉnh. Qua đó, khẳng định được vai trò, vị thế của ngành tư pháp, nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến các dự án đầu tư tại tỉnh, đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo được UBND tỉnh tin tưởng giao Sở Tư pháp thẩm định, cho ý kiến.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch thực hiện công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát VBQPPL trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, Sở Tư pháp đã thẩm định 80 dự thảo VBQPPL cấp tỉnh (30 dự thảo Nghị quyết, 50 dự thảo Quyết định), đảm bảo 100% VBQPPL do Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh được thẩm định trước khi ban hành. Ngoài ra, Sở tiến hành góp ý 115 dự thảo VBQPPL và góp ý 363 văn bản hành chính, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được Sở Tư pháp triển khai có trọng tâm, trọng điểm và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Sở tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở (HGƠCS); ký kết các kế hoạch phối hợp thực hiện PBGDPL trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2023 - 2025; PBGDPL cho phụ nữ, người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2023 - 2025 và phối hợp thực hiện công tác xã hội hóa về PBGDPL, HGƠCS, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2023 - 2025... Cùng với đó, nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được ngành tư pháp quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Hiệu quả hoạt động HGƠCS được duy trì, nâng cao, tỷ lệ hòa giải thành tăng, góp phần hạn chế đơn thư, khiếu nại, tố cáo của người dân. Toàn tỉnh hiện có 718 Tổ HGƠCS với gần 4.100 Hòa giải viên (HGV). Trong năm 2023, các Tổ HGƠCS đã tiếp nhận, hòa giải trên 2.800 vụ việc và đã hòa giải thành hơn 2.600 vụ việc, đạt gần 92% (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022). Ngành tiếp tục phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ HGƠCS, toàn tỉnh đã nhân rộng số Câu lạc bộ HGƠCS lên 106 Câu lạc bộ, góp phần tích cực, nâng cao tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn tỉnh.

Bà Lê Thị Hồng Phượng - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, tháng 10/2023, Sở đã thành lập đội dự thi tham gia Hội thi HGV giỏi toàn quốc lần thứ IV năm 2023. Kết quả, Đội thi tỉnh Đồng Tháp đã xuất sắc đạt giải Nhì và giải Đội thi có phần giới thiệu ấn tượng nhất của Vòng thi khu vực miền Nam, là 1 trong 5 đội dự thi được chọn vào Vòng chung kết hội thi. Tại Vòng chung kết, tỉnh Đồng Tháp đạt giải Khuyến khích và giải Đội thi có phần giới thiệu ấn tượng nhất. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp có 1 HGV được trao bằng vinh danh “Gương sáng Pháp luật Việt Nam” là cô Nguyễn Kim Huê ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung.

Ban Tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc khu vực miền Nam trao giải Nahì cho Đội Đồng Tháp (3 thí sinh bên trái)

Công tác quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp được cải cách từng bước về quy trình, thủ tục, vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật, vừa tạo thuận lợi cho người dân. Công tác trợ giúp pháp lý đã kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý. Tổ chức bộ máy của ngành tư pháp từ tỉnh đến cơ sở được củng cố; trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức của đội ngũ công chức, viên chức ngành tư pháp được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...

Cùng với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh, Bộ Tư pháp và luôn chủ động đề xuất những cách làm hay, giải pháp hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị.

KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ, VỊ THẾ NGÀNH TƯ PHÁP

Bà Lê Thị Hồng Phượng - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, năm 2024, ngành tư pháp Đồng Tháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự thảo văn bản được giao thẩm định, góp ý; phát huy hiệu quả vai trò của Hội đồng tư vấn thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh; đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL, nhất là các văn bản có quy định liên quan đến việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; kịp thời tham mưu UBND tỉnh, tư vấn cho các sở, ngành, UBND cấp huyện đối với các vấn đề về pháp lý liên quan đến các dự án đầu tư, sử dụng đất, giải quyết khiếu nại...

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành trong công tác PBGDPL; tiếp tục đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, PBGDPL; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL và phổ biến pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, mạng xã hội. Ngành tư pháp tiếp tục tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành tại Đề án 06; Chương trình hành động Quốc gia của Việt Nam về đăng ký thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024...

Sở Tư pháp ký kết kế hoạch phối hợp phổ biến pháp luật với các đơn vị liên quan

Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Sở Tư pháp đưa ra các giải pháp chủ yếu. Cụ thể, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong chỉ đạo điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; tăng cường công tác cải cách hành chính; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác, ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ liên quan thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bà Lê Thị Hồng Phượng - Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng ngành tư pháp; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành; nâng cao năng lực tham mưu, sáng tạo, đột phá và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ.

Sở Tư pháp chú trọng công tác phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, cải tiến lề lối làm việc; khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu trong khi giải quyết yêu cầu của người dân. Bên cạnh đó, kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân nỗ lực đạt kết quả cao, sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao...

THANH TRÚC

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/phap-luat/nhung-ket-qua-noi-bat-cua-nganh-tu-phap-dong-thap-119247.aspx