Những kết quả nổi bật sau 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP ở Quảng Trị

Ngày 28-3-1997, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khóa IX ban hành Pháp lệnh BĐBP, đánh dấu bước phát triển quan trọng đối với lực lượng BĐBP... Pháp lệnh BĐBP là cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới nói chung và tổ chức, hoạt động của BĐBP nói riêng. Qua 20 năm triển khai thực thi Pháp lệnh, BĐBP Quảng Trị đã đạt được những kết quả quan trọng.

BĐBP Quảng Trị tuyên truyền pháp luật về biên giới cho học sinh vùng cao. Ảnh: Thành Phú

Ngay khi Pháp lệnh BĐBP được triển khai, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Pháp lệnh và ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch để hướng dẫn chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung Pháp lệnh. Tuyến biên giới đất liền Quảng Trị có gần 90% là đồng bào người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô sinh sống. Việc tổ chức tuyên truyền pháp luật cho đồng bào gặp không ít khó khăn. Để Pháp lệnh thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân, các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiến hành biên soạn Pháp lệnh thành những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu bằng 2 thứ tiếng: Vân Kiều, Pa Kô... để tuyên truyền đến bà con. Với việc tích cực tuyên truyền các nội dung của Pháp lệnh BĐBP trên 2 tuyến biên giới đất liền và tuyến biển của BĐBP Quảng Trị, tình trạng vi phạm pháp luật trong nhân dân đã giảm, không còn xảy ra tình trạng vượt biên trái phép, xâm canh xâm cư, di cư tự do; hầu hết tập tục lạc hậu đều bị xóa bỏ; nhân dân tích cực tham gia phong trào bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, BĐBP Quảng Trị xác định, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân là nhiệm vụ trọng tâm trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng BĐBP tỉnh đã không quản ngại khó khăn bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; đồng thời, triển khai có hiệu quả các phong trào quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, như: phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn, bản biên giới ”; Mô hình “Kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới”; Mô hình “Thôn, bản không có tội phạm về ma túy”...

Để nâng cao hiệu quả thực thi Pháp lệnh, BĐBP tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 2 và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quản lý, bảo vệ biên giới, vùng biển của tỉnh. Vì vậy, trong nhiều năm qua, đơn vị đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ở khu vực biên giới, vùng biển.

Tuy nhiên, qua 20 năm triển khai thực thi Pháp lệnh, BĐBP Quảng Trị nhận thấy rằng, Pháp lệnh BĐBP đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia. Pháp lệnh chưa thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Một số quy định của Pháp lệnh còn bất cập, chưa thống nhất, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Dân quân tự vệ năm 2009, Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014. Mặt khác, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP cũng chưa thật cụ thể, rõ ràng. Các nhiệm vụ khác của BĐBP, như bảo vệ rừng, môi trường, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... chưa được thể hiện trong Pháp lệnh này. Nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến chồng chéo, thiếu hệ thống và không chặt chẽ. Các biện pháp công tác của BĐBP cũng chưa được quy định cụ thể tại Pháp lệnh BĐBP. Chế độ chính sách nói chung và đối với BĐBP nói riêng quy định chưa cụ thể, rõ ràng nên chưa tạo động lực trong sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới...

Với nhận thức và trách nhiệm của những người trực tiếp làm công tác quản lí, bảo vệ biên giới, chúng tôi đề xuất với các cấp một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, cần nghiên cứu xây dựng và đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BĐBP cho phù hợp và đảm bảo thống nhất với Hiến pháp, văn bản pháp luật liên quan cũng như các điều ước quốc tế. Nghiên cứu xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam thay cho Pháp lệnh BĐBP hiện nay.

Thứ hai, cần tổ chức nghiên cứu, rà soát các văn bản pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và các biện pháp công tác của BĐBP cho phù hợp, tránh chồng chéo; đồng thời, giữ ổn định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động và mối quan hệ phối hợp của BĐBP như hiện nay.

Thứ ba, cần nghiên cứu, tổng kết thực tiễn công tác đảm bảo hoạt động và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP, xây dựng các quy định về chế độ chính sách đối với BĐBP cho phù hợp với đặc điểm địa bàn, tổ chức và hoạt động của cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Thứ tư, cần gấp rút nghiên cứu xây dựng lực lượng BĐBP thành Quân chủng Biên phòng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; quan tâm đầu tư vũ khí, phương tiện, trang bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới; kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh và quản lý cửa khẩu.

Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-ket-qua-noi-bat-sau-20-nam-thi-hanh-phap-lenh-bdbp-o-quang-tri/